Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Hành trình 35 năm ‘Từ 0 đến 1’ sẽ bắt đầu một chu kỳ mới
news
Ngay từ khi sáng lập Hòa Bình, người mở đường đã quyết tâm xây dựng một tập thể gồm những thành viên có tinh thần cầu tiến, luôn biết phấn đấu tự hoàn thiện mình, luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo để không ngừng phát triển tổ chức và cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Sau 35 năm nỗ lực trên hành trình “Từ 0 đến 1”, hệ sinh thái mới của doanh nghiệp đã thành hình mở ra một kỷ nguyên kiến tạo những giá trị mới.
Trò chuyện với The Saigon Times, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có những chia sẻ về lịch sử 35 năm hình thành phát triển của doanh nghiệp qua thông điệp “Từ 0 đến 1”.
Bên cạnh đó là một số thông tin về chiến lược và hệ giá trị mà doanh nghiệp hướng đến trong giai đoạn mới nhằm tiếp tục phát triển tập đoàn trong một ngành kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, ngày càng phức tạp và luôn có những biến động khó lường. Thế hệ tiếp nối của Hòa Bình sẽ làm gì để kế thừa nền tảng quý báu của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành, tối ưu hóa những giá trị vốn có của tập đoàn và tạo nên một kỷ nguyên mới.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT và Ông Lê Viết Hiếu – Phó Chủ tịch HĐQT tại Lễ chuyển giao thế hệ diễn ra vào tháng 11-2020.
Xin chúc mừng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tiến tới cột mốc 35 năm hình thành phát triển. Với một doanh nghiệp Việt Nam thì đây là một hành trình dài, nhưng thông điệp “Từ 0 đến 1” là một chặng đường có vẻ là rất ngắn. Ý nghĩa của thông điệp này là gì?
Đối với bản thân tôi và Hòa Bình, “Từ 0 đến 1” là một hành trình dài đầy gian nan với nhiều thử thách phải vượt qua. Chúng tôi bắt đầu kinh doanh với rất nhiều con số không: Không văn phòng, không nhà máy, không phương tiện vận tải, không phương tiện thi công, không kinh nghiệm kinh doanh, không hệ thống quản lý, không công nghệ, không người hướng dẫn, không người đỡ đầu, không uy tín thương hiệu, không có nhiều tiền, không nhà tài trợ…
Nhưng trong tất cả những thứ không có, có một thứ rất quan trọng đã giúp Hòa Bình có được vị trí của ngày hôm nay. Đó là vốn vô hình. Vốn đó không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể cầm nắm bằng tay, nhưng đã mang lại rất nhiều giá trị.
Nguồn vốn đó là khát vọng đổi mới đất nước, làm giàu cho bản thân và gia đình, lòng đam mê làm nghề xây dựng, nhiệt huyết của tuổi trẻ; nguồn vốn đó còn là tri thức, là sự hiểu biết của một kiến trúc sư mới ra trường và quan trọng hơn cả là truyền thống tốt đẹp của gia đình trong kinh doanh, trong lối sống, là tấm gương sáng về đạo đức của hai đấng sinh thành và những lời dạy bảo của họ.
Số một trong thông điệp này không phải là con số định lượng, mà chính là vị thế mà Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đạt được qua chặng đường 35 năm tạo dựng giá trị. Hiện nay Hòa Bình được xếp hạng là nhà thầu uy tín nhất Việt Nam theo đánh giá của Vietnam Report, là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất trong ngành xây dựng, là nhà thầu duy nhất nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Hòa Bình cũng là nhà thầu đầu tiên và duy nhất đạt chuẩn văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhà thầu duy nhất 7 lần đạt thương hiệu quốc gia và cũng là nhà thầu đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng có thể khẳng định rằng Hoà Bình là nhà thầu đã hợp tác với nhiều nhà thầu hàng đầu trên thế giới nhất.
Uy tín nhất, tốt nhất, lớn nhất, nhiều nhất, duy nhất, đầu tiên… chính là những con số 1 đáng tự hào mà Hoà Bình đã đạt được qua hành trình 35 năm của mình. Ngoài ra thông điệp này còn truyền tải một ý nghĩa quan trọng khác đó là sự kết thúc của một cuộc hành trình để bắt đầu cho một cuộc hành trình mới. Một chu kỳ 35 năm tiếp theo cho hành trình mới cũng bắt đầu từ con số 0 và đích đến là số 1 cho chặng đường phía trước với những thách thức không hề nhỏ.
Màu xanh Hòa Bình giữa đảo ngọc Phú Quốc.
Như vậy hành trình từ “Từ 0 đến 1” không phải là khoảng cách số đếm, vậy ông có thể khái quát từng giai đoạn phát triển của tập đoàn hay không?
Chúng tôi có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau thông qua các cột mốc 5 năm. Ở giai đoạn 5 năm đầu tiên là xây dựng lực lượng và xác định hướng đi. Khi đó Hòa Bình tương đối bé nhỏ nên lựa chọn những công trình mang tính mỹ thuật cao, quy mô nhỏ vì không thể cạnh tranh trực tiếp với các nhà thầu quốc doanh lớn. Đây là giai đoạn cho chúng tôi được nền tảng và những con số doanh thu đầu tiên.
Trong 5 năm tiếp theo là giai đoạn nâng cao trình độ quản lý và mở rộng thị trường. Từ cột mốc này chúng tôi có kế hoạch dài hơi hơn cho tăng trưởng, cứ 5 năm là tăng doanh thu thêm 5 lần. Đây là giai đoạn tiếp nhận công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý xây dựng từ nước ngoài và hành trình vừa học vừa phát triển vừa tăng trưởng này kéo dài 20 năm (từ 1995-2015). Đây cũng là giai đoạn Hòa Bình phá vỡ quy tắc càng lớn tăng trưởng càng chậm khi có mức tăng trưởng hơn 5 lần từ năm 2013-2018.
Từ năm 2015 đến nay có thể là một giai đoạn phát triển ở một tầm cao mới khi Hòa Bình gỡ bỏ dần hình ảnh thầu phụ cho nước ngoài và thay thế họ giữ vai trò tổng thầu của các dự án quy mô trong nước. Hòa Bình đang ở trong một trạng thái mới sẵn sàng cho những mục tiêu mới.
Một chu kỳ mới của hành trình “Từ 0 đến 1” với màu xanh hi vọng.
Tại ĐHCĐ vừa qua ông ví Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình “như cá voi trong ao tù”, phải chăng đã đến lúc Hòa Bình ra “biển lớn”?
Đó là điều tất yếu của quy luật phát triển. Tương tự như trước đây, chúng tôi chuyển từ công ty gia đình lên công ty cổ phần rồi tiếp tục lên niêm yết đó cũng là điều tất yếu. Khi doanh nghiệp phát triển đến một giai đoạn phải chuyển trạng thái để tiếp tục tăng trưởng, họ phải đặt mục tiêu và chuẩn bị nội lực và tìm kiếm cơ hội để đạt được mục tiêu đó.
Hiện nay với ngành xây dựng, giới hạn tăng trưởng ở thị trường nội địa đã đến ngưỡng so với quy mô của Hòa Bình. Cụ thể, năm 2008, công ty có doanh thu 700 tỉ đồng thì đến 2013 tăng lên 3.500 tỉ đồng. Con số này tiếp tục nhảy vọt theo chu kỳ 5 năm, lập đỉnh hơn 18.000 tỉ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, mạch tăng trưởng sau đó bị đứt, thể hiện qua việc doanh thu năm ngoái chỉ còn 11.350 tỉ đồng và lợi nhuận chưa đến 100 tỉ đồng.
Chúng tôi thật sự như con cá voi trong ao hồ ở một vùng nước cạn và quá chật chội, đã đến lúc phải ra biển lớn để tung hoành và tăng trưởng. Thị trường mục tiêu của chúng tôi là các nước phát triển và rộng lớn như Canada, Mỹ, Úc và châu Âu. Mục tiêu trong chu kỳ mới cho chặng đường 35 năm phía trước là khôi phục tốc độ tăng trưởng doanh thu 5 năm tăng năm lần như Hòa Bình đã từng thực hiện trong chặng đường 35 năm đầu tiên.
Từ một thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài sau đó thay thế họ ở Việt Nam rồi bây giờ là bước chân ra thế giới, hẳn là có cơ sở để Hòa Bình tự tin với kế hoạch lớn này?
Nếu nhìn tổng quan về ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, trong thời gian khoảng 5 năm qua chúng ta có thể thấy có quá nhiều biến động bất lợi. Thứ nhất là rất ít việc do không có nhiều dự án mới được cấp phép, thứ hai là nhiều công trình ngưng trệ do đại dịch Covid-19, thứ ba là khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn vật tư và nhân lực, thứ tư là trượt giá vật tư, nhân công do lạm phát, thứ năm là khó khăn tài chính do chính sách thắt chặt tín dụng trong lĩnh vực đầu tư.
Tuy nhiên, nếu nhìn ra toàn cầu ngành xây dựng Việt Nam đang có 3 lợi thế trọng yếu mang tính chiến lược bao gồm: Thứ nhất là sự trưởng thành trong vai trò tổng thầu của doanh nghiệp xây dựng, thứ hai là sự dồi dào về nguồn nhân lực chuyên môn và thứ ba là tính cạnh tranh rất cao của chuỗi cung ứng trong xây dựng.
Riêng Hòa Bình, chúng tôi là đơn vị đã từng hợp tác với hơn 20 nhà thầu có tên tuổi đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Úc trong một thời gian dài và đã không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Điều tiếp theo chúng tôi là đơn vị ứng dụng tốt các công nghệ xây dựng hiện đại nhất kết hợp với tinh hoa của các đối tác trước đây, quy mô xây dựng công trình nhà ở vượt trội giúp chúng tôi tự tin hơn rất nhiều. Điều đáng nói là doanh nghiệp như Hòa Bình có hệ thống quản lý xây dựng tốt bởi đi sau nên có nhiều cơ hội để điều chỉnh hợp lý về mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, phương thức vận hành bộ máy.
Những ánh sao đêm tại công trình The Metropole Thủ Thiêm.
Vậy thị trường nước ngoài chính là bắt đầu một chu kỳ “TỪ 0 ĐẾN 1” mới của Hòa Bình?
Đúng vậy, chúng tôi đi tiên phong và không giấu tham vọng về kế hoạch xuất khẩu dịch vụ tổng thầu và trở thành nhà thầu hàng đầu trên thị trường quốc tế về xây dựng nhà ở. Chu kỳ này chúng tôi vẫn phải bắt đầu từ vị trí số 1 của Việt Nam nhưng vẫn là số 0 đối với thị trường toàn cầu. Mục tiêu của chúng tôi là chu kỳ mới đi “TỪ 0 ĐẾN 1” ở thị trường toàn cầu cũng sẽ mất một thời gian tương đương đoạn đường đi từ 0 đến 1 ở thị trường nội địa.
Con đường đó sẽ có rất nhiều chông gai nhưng chúng tôi sẽ vượt qua bằng nhiều số 0 khác. Đó là không do dự, không tự ti, không tự cao, không tự đại, không sợ hãi, không nản lòng, không lùi bước… bởi đây là con đường tất yếu mà Hòa Bình phải đi qua để tiếp tục khẳng định mình. Mục tiêu số 1 trong nước chỉ là một cột mốc phải đi qua chứ không phải là đích đến.
Nhưng điểm khác với thời điểm khởi nghiệp, Hòa Bình đã bắt đầu với vị thế là nhà thầu hàng đầu Việt Nam với sự trưởng thành và lòng tự hào lớn. Chúng tôi hiểu đâu là lĩnh vực mình xuất sắc nhất và tập trung vào nó để cụ thể hóa tham vọng trở thành nhà thầu xây dựng nhà ở hàng đầu thế giới sau khi “ra khơi” tầm 30 đến 35 năm.
Với mốc thời gian này thì áp lực cho thế hệ sau là rất lớn, ông có kế hoạch gì để tạo động lực cho họ?
Thành quả chúng tôi nhận được không đơn thuần là ngày một ngày hai, mà đó là việc duy trì những nỗ lực vượt bậc của cả tập thể trong suốt quá trình phát triển. Chúng tôi chưa bao giờ ngừng nghỉ trong việc làm giàu cho vốn vô hình của doanh nghiệp, không ngừng nghỉ trong việc tìm tòi học hỏi nhằm làm ra một sản phẩm tử tế cho khách hàng, nghĩ về một công việc tử tế cho nhân viên để tạo động lực cho mình và cho họ hướng tới mục tiêu chung.
Tôi rất may mắn khi có thế hệ lãnh đạo kế thừa rất đam mê nghề nghiệp của mình. Tôi đã truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình bằng tất cả nhiệt huyết và lòng chân thành của con tim và khối óc để có thể truyền lửa cho một thế hệ kế thừa mang đầy đủ gen của tập đoàn. Đó là những người hiểu rõ Hòa Bình nhất, có đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, mang nặng hoài bão của Hòa Bình và tất cả những điều đó có được như một bản năng bởi đã thấm sâu vào tâm khảm của mỗi thành viên.
Chính họ là những người phát triển tinh thần này một cách tự nhiên nhất để thổi cảm hứng, tạo động lực cho toàn thể thành viên phấn đấu cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp, thực hiện thành công những hoài bão và sứ mệnh đã xác định.
Thế hệ tiếp nối của Hòa Bình sẽ làm gì để kế thừa nền tảng quý báu của một doanh nghiệp dẫn đầu ngành?
Là một doanh nhân rất nhiều người vẫn mong muốn để lại di sản cho hậu thế có thể là vật thể hoặc phi vật thể. Với ông, những di sản của mình là gì?
Là một kiến trúc sư và là nhà sáng lập của một công ty xây dựng, tôi hướng đến kiến tạo các di sản qua những công trình kiến trúc hoàn hảo, tinh xảo có giá trị nghệ thuật và kỹ thuật cao. Đó là niềm đam mê và cũng là niềm tự hào của người làm nghề xây dựng và kiến trúc. Nhưng điều tôi xem trọng hơn là di sản phi vật thể, những di sản đó có thể tồn tại lâu dài hơn và là nền tảng để tạo nên những di sản vật thể có giá trị cao. Tôi mong ước để lại 3 di sản phi vật thể: Thứ nhất là một văn hóa doanh nghiệp mẫu mực mang đặc trưng của thương hiệu Hòa Bình được từng lớp thế hệ kế thừa biết trân quý và gìn giữ. Văn hóa doanh nghiệp đó phải được thấm sâu vào máu thịt của từng thành viên, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trong sáng và đi vào hoạt động của doanh nghiệp một cách toàn diện.
Qua 35 năm tôi đã đúc kết văn hóa đó trong Tuyên ngôn giá trị của tập đoàn với một hệ thống giá trị hoàn thiện gồm 7 nhóm bao gồm: Ứng xử văn minh; Hành xử chính trực; Thực thi cam kết; Tuân thủ kỷ luật; Tích hợp tinh hoa; Tích cực sáng tạo và Chủ động hợp tác. Di sản phi vật thể thứ hai là “nhạc xanh”.
Theo tôi bên cạnh nhạc vàng hát về tình yêu đôi lứa, nhạc đỏ hát về tinh thần chiến đấu của người lính thì nhạc xanh hát những ca khúc động viên những chiến binh trong thời bình, những người chiến đấu để tô đẹp cho màu xanh của sự sống, màu xanh của sự phát triển bền vững và màu xanh của hòa bình. Tôi đã soạn nhiều ca khúc không chỉ dành động viên những nỗ lực cho các thành viên Hòa Bình mà cho tất cả những người miệt mài lao động và cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho đời.
Một di sản tinh thần khác mà tôi, người sinh ra và lớn lên trong một đất nước mang nhiều nỗi đau thương, mất mát nhất vì chiến tranh trong lịch sử cận đại, người sáng lập một tập đoàn mang tên Hòa Bình, vẫn luôn ấp ủ hoài bão để lại một giải pháp mang lại hòa bình trường cửu cho nhân loại. Cha ông ta đã dạy rằng “Có thực mới vực được đạo”. Tôi nghĩ Hòa Bình cần làm kinh doanh thật tốt để có đủ nguồn lực có nhiều uy tín; từ đó mới có đủ phương tiện để thực hiện được giải pháp hòa bình mà tôi tin là rất khả thi.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!
Dũng Trần - The Saigon Times ngày 23/09/2022
Link bài viết gốc TẠI ĐÂY
Tin liên quan
Đến lúc tôi có thể đóng góp nhiều...
Sau gần một năm chuyển giao vị trí CEO cho con trai, doanh nhân Lê Viết Hải nhận lời giới thiệu...
Ông Lê Viết Hải: 'Tôi từ chức để...
Rời ghế chủ tịch để dọn đường cho con trai vào vị trí CEO, ông Hải vẫn là "linh hồn" của...
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa...
Ngày 06/7/2023, tại Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có...