Chủ tịch HBC: Không có rủi ro làm ảnh hưởng tới Hòa Bình
news
"Chúng tôi khẳng định những thông tin đã công bố trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), là hoàn toàn minh bạch, khách quan"...
Đó là khẳng định của ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, xoay quanh một nội dung liên quan tới báo cáo tài chính hợp nhất (chưa kiểm toán) năm 2023, trước những thông tin khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông đại chúng.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
- Ông có giải thích gì về những thông tin mà dư luận đang quan tâm trong báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán của HBC trong năm 2023?
Trước tiên chúng tôi rất cảm ơn những thông tin phản ánh của dư luận cũng như các cơ quan báo chí liên quan tới báo cáo hợp nhất chưa kiểm toán năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Có thể nói, trên truyền thông đại chúng hiện nay tràn ngập những thông tin tiêu cực về Hòa Bình. Việc thiếu thông tin nhiều chiều có thể dẫn đến những thiệt hại cho cổ đông hoặc nhà đầu tư. Sự minh bạch chỉ đảm bảo khi Công ty cung cấp thông tin đầy đủ về cả 2 chiều.
Về thông tin công bố, ngày 30/3/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC. Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán chênh lệch so với số liệu Báo cáo tài chính do Công ty tự lập giảm 333 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có giải trình rất chi tiết gửi Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó có một số nội dung chính, gồm: Trong năm 2023, Hòa Bình đã ký hợp đồng bán một số khoản nợ phải thu cho một công ty mua bán nợ. Theo hợp đồng thì khoản nợ này HBC sẽ thu trong vòng 12 tháng và HBC đã ghi nhận lợi nhuận của giao dịch này khi nhận được thanh toán 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của kiểm toán AASC liên quan đến tính chắc chắn của việc bán khoản nợ đó là chỉ khi bên mua trả được toàn bộ khoản nợ này trong năm 2023 thì mới được ghi nhận lợi nhuận giá trị mua bán nợ đó vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp (điều này không có qui định cụ thể trong chế độ kế toán Việt Nam). Do đó, AASC chỉ đồng ý ghi nhận lợi nhuận khoản tiền đã thu được trong năm 2023 là 29,8 tỷ đồng, phần còn lại sẽ ghi nhận tương ứng theo giá trị thực thu vào từng thời điểm. Vì vậy, AASC đã điều chỉnh giảm lợi nhuận tương ứng là 258,7 tỷ. Thực tế, hiện nay HBC đang thu tiền mua bán nợ phù hợp với tiến độ qui định trong hợp đồng. Ngoài 29,8 tỷ đồng đã thu trong năm 2023, vào cuối tháng 3 năm 2024 HBC đã thu được thêm số tiền 42 tỷ đồng. Khoản bán nợ này dự kiến sẽ được ghi nhận toàn bộ trong năm 2024 như một khoản lợi nhuận đột biến do hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Trong năm 2023, Hòa Bình đã ký hợp đồng bán một số khoản nợ phải thu cho một công ty mua bán nợ. Theo hợp đồng thì khoản nợ này HBC sẽ thu trong vòng 12 tháng và HBC đã ghi nhận lợi nhuận của giao dịch này khi nhận được thanh toán 10% giá trị hợp đồng.
- Như vậy, thông tin tiêu cực là xuất phát từ kết quả kiểm toán của AASC? Quan điểm của HBC về nội dung điều chỉnh của kiểm toán là gì, thưa ông?
Có thể thấy, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Kiểm toán AASC điều chỉnh tăng trích lập dự phòng phải thu khách hàng tính theo tuổi nợ đối với nhóm 3 khách hàng chiến lược của HBC khiến cho lợi nhuận sau kiểm toán giảm 63,3 tỷ đồng. Theo ý kiến của HBC, ba khách hàng này là những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh với tài sản là những dự án rất lớn, có giá trị cao nhưng ghi nhận trong sổ sách theo nguyên giá thì rất thấp.
Bên cạnh đó, hiện nay, HBC đã và đang nhận thầu nhiều dự án lớn của những khách hàng này là cơ sở để chứng minh HBC hoàn toàn minh bạch và khách quan. Do đó, nếu tính từ đầu năm đến cuối năm 2023 thì 3 khách hàng trên đã chuyển hơn 1.228 tỷ đồng cho HBC và riêng từ ngày 01/01/2024 đến nay đã chuyển thêm gần 120 tỷ đồng. Như vậy, ngoài tiềm lực tài chính nêu trên và dưới sự kiểm chứng thực tế của HBC thông qua nghiệp vụ xác minh, HBC có thể khẳng định một cách chắc chắn là “không thấy có rủi ro nào làm ảnh hưởng tới HBC trong việc không thu được các khoản nợ của 3 khách hàng nêu trên”.
Mặt khác, với góc độ cá nhân và là Chủ tịch HĐQT, bản thân tôi đã đưa toàn bộ tài sản của gia đình mình vào HBC với mong muốn vì sự phát triển của ngôi nhà chung mà chúng tôi đã xây dựng hơn 30 năm qua. Đây là cơ sở để HBC chứng minh về sự minh bạch của mình trong hoạt động kinh doanh đối với cổ đông cũng như khách hàng và các đối tác.
- Vậy ông giải thích như thế nào về sự chênh lệch về số liệu các khoản thu chi khoảng 10,9 tỷ đồng?
Về số liệu này chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định là không có bất cứ một khuất tất nào. Bởi, số tiền 10,9 tỷ đồng là một số điều chỉnh nhỏ bao gồm điều chỉnh tăng chi phí liên quan đến chi phí môi giới (đã trả cho môi giới) đối với các căn hộ mà khách hàng yêu cầu trả cọc. Do đó, việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đã hoãn lại và điều chỉnh tăng chi phí lãi vay ngân hàng, hoàn nhập dự phòng phải thu của khách hàng và một số điều chỉnh bút toán nhỏ khác.
Từ những thông tin trên, tôi cho rằng một góc nhìn tích cực về Hòa Bình, một góc nhìn đúng đắn nhất trong lúc này là cần phải có cho tất cả các bên liên quan không chỉ là cổ đông, nhà đầu tư, người lao động mà bao gồm cả các khách hàng và đối tác của Hòa Bình.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngân Giang
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Đại diện duy nhất Việt Nam vào chung...
Ngày 05/10/2020, Tin từ cuộc thi AEC Awards 2020, kỹ sư xây dựng Đỗ Hải Nhân – Phụ trách quản...
Chủ tịch Lê Viết Hải: Kiến nghị 05...
Ngày 27/2/2021, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền...
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết...
Tại sao một quốc gia đã xuất sắc chiến thắng “giặc” Covid-19 khiến cho cả thế giới phải...