Lê Viết Hải - ông chủ lãng mạn say mê các siêu dự án ngành xây dựng
news
"Nếu đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án siêu sao trong nước mà không có chiến lược phù hợp thì rất dễ bị chiếm lại. Thời gian tiếp xúc học hỏi đối tác ngoại đã qua, nếu không ra nước ngoài học hỏi tiếp, chúng ta sẽ lạc hậu.” - Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình nói.
Tháng 6/2016, CTCP Xây dựng Coteccons vui mừng thông báo đã vượt qua 2 đối thủ ngoại là Lotte và SsangYong để trúng gói thầu xây dựng phần thân tòa nhà The Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây là tòa nhà cao thứ 8 thế giới và có thể gọi là một siêu dự án tại Việt Nam.
Thực tế 2 đối thủ ngoại nói trên là 2 liên doanh của nước ngoài, một với Delta và một với CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC ) – những tên tuổi nổi bật của ngành xây dựng trong nước.
Chính vì thế, trước chiến thắng của Coteccons, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT của Hòa Bình nói rằng: “Tôi rất buồn”. Song ngay sau đó, vị doanh nhân này tiếp lời: “Nhưng tôi vui vì như vậy, các doanh nghiệp nội đã có thể thắng thầu tại những dự án siêu sao. Những năm trước đây, các dự án siêu sao đều “chê” nhà thầu nội”.
Chủ tịch của Hòa Bình vốn là một người rất mê các siêu dự án.
Cổ phiếu HBC tăng rất mạnh trong tháng 6
Đặt cược lợi nhuận để đặt dấu ấn thương hiệu Hòa Bình lên các "dự án siêu sao"
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau một thời gian làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP. HCM, năm 1987, ông Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. 3 năm sau, Văn phòng nhỏ bé này đã hoàn thành một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ, đó là khách sạn Riverside. Từ cột mốc ấy, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center…
Tuy nhiên, tại các công trình cao tầng như tháp truyền hình Bình Dương 252m, tòa nhà Keangnam 72 tầng…, Hòa Bình chỉ đóng vai trò thầu phụ. “Chúng tôi chấp nhận đóng "vai phụ" để có thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhưng luôn xác định đến một lúc nào đó mình sẽ đóng "vai chính" – ông Lê Viết Hải nói.
Đến một ngày, vị doanh nhân này đã đặt cược vào dự án siêu sao Vietinbank Tower.
Năm 2014, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) mời thầu dự án Vietinbank Tower, khi đó được coi là tòa nhà cao nhất Việt Nam với chiều cao 363m và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Với giá thầu đưa ra thấp hơn của doanh nghiệp xây dựng nước ngoài tới gần 2.500 tỷ đồng, Hòa Bình đã chiến thắng.
Khi thắng thầu tại dự án này, chia sẻ với báo chí, ông Lê Viết Hải cho biết, mấu chốt của giá thầu thấp tại dự án Vietinbank Tower là Hòa Bình có thể nội địa hóa loại vật liệu bê tông cốt sợi thủy tinh thông qua việc hợp tác với một đơn vị tại Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất.
Nhưng thực tế thì với một công trình siêu sao, nhà thầu nội phải đối diện với rất nhiều vấn đề không lường trước. Năm 2015, Vietinbank Tower bất ngờ đem lại cho HBC khoản lỗ tới 125 tỷ đồng do các phương án thi công bê tông khối lớn và các vấn đề nhà thầu yêu cầu giải quyết bị kéo dài làm tăng chi phí.
Nếu hoàn thành công trình quy mô và kỹ thuật cao như vậy, Hòa Bình thực sự sẽ nâng tên tuổi lên một tầm cao mới và tạo hồ sơ năng lực tốt cho các dự án mang tầm quốc tế. Chính vì thế, ông Lê Viết Hải đã quyết định làm bằng được Vietinbank Tower dù phải vượt qua không ít khó khăn.
Sau nỗi buồn vì không giành được hợp đồng tại Landmark 81, ông Hải chắc hẳn vô cùng hãnh diện khi mới đây, siêu dự án Tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay có giá trị đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng tại Đà Nẵng do Tập đoàn Empire đầu tư đã chọn Hòa Bình làm tổng thầu. Thiên đường du lịch và giải trí mang cảm hứng Las Vegas này là cái tên mới bổ sung vào bộ sưu tập của vị doanh nhân mê siêu dự án.
Hòa Bình là một câu chuyện lãng mạn
Là những cái tên lớn của ngành xây dựng trong nước, Hòa Bình và Coteccons luôn được đem ra so sánh. Nếu như ông Nguyễn Bá Dương được mô tả là một doanh nhân có phong cách “sport”, mạnh mẽ thì cảm xúc về ông Lê Viết Hải lại là sự dịu dàng và có thể nói là lãng mạn.
Ông Hải rất mê đàn hát. Hình ảnh Chủ tịch HĐQT của một doanh nghiệp lớn top 5 trong ngành mặc comple và ôm đàn ghi ta say mê cất lên những giai điệu do ông tự sáng tác về Hòa Bình và về người vợ hiền gắn bó nhiều năm là hình ảnh ấn tượng với bất kỳ ai từng được gặp.
Sự lãng mạn này có lẽ là phương thuốc hiệu quả khiến ông Hải đưa ra những quyết định “gây sốc” nhưng chuẩn xác trong hàng chục năm điều hành Hòa Bình.
Năm 2008 - 2009, Hòa Bình phải bán bớt các dự án đang có để giải quyết vấn đề vốn hoạt động cho Công ty.
“Chúng tôi bán tòa nhà Hòa Bình Tower lỗ gần 2 triệu USD nhưng phải chấp nhận. Nhiều Doanh nghiệp chỉ bán chậm hơn một thời gian đã bị thiệt hại lớn do qua năm 2010, tình hình khó khăn gấp bội.” – ông Hải chia sẻ.
Theo ông, đó là một quyết định đúng đắn vì với Hòa Bình Tower, nếu để đến thời điểm này cũng không thể bán được giá 12 triệu USD vì đây là tòa nhà văn phòng, mà ở khu Phú Mỹ Hưng hiện thừa cung hạng mục này.
“Khi Doanh nghiệp nhắm đến nấc thang cao hơn, đi chặng đường xa hơn thì không thể mang vác theo mình quá nhiều thứ.” – đó là quan điểm của Chủ tịch HĐQT Hòa Bình.
Giai đoạn 2011 - 2014, chủ đầu tư các dự án bất động sản không có tiền thanh toán cho nhà thầu, ông Hải quyết định “gồng gánh” thay bằng cách đi vay tiền để thi công hoàn chỉnh dự án. Đó cũng là thời điểm khoản nợ ngân hàng của Hòa Bình tăng vọt, nhưng ông Hải cho rằng "cứu người cũng là cứu mình", mọi khó khăn rồi sẽ qua đi.
Cũng trong những ngày tháng khó khăn đó, khi giá cổ phiếu HBC rớt thảm, ông Lê Viết Hải từng phải viết một bức tâm thư gửi cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu và kêu gọi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu HBC, hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu Hòa Bình từ bên ngoài.
Cho đến nay, sau gần 30 năm hoạt động, Hòa Bình đã trở thành doanh nghiệp có tổng tài sản gần 9.000 tỷ đồng. Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đi qua những con đường của thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy logo của Hòa Bình ngày càng phủ rộng lên các công trình lớn.
Nhưng ông Hải luôn nuôi tham vọng đưa phạm vi hoạt động của Hòa Bình vươn ra khỏi biên giới quốc gia với mục tiêu trở thành công ty xây dựng đẳng cấp quốc tế. Ông Hải cho biết, năng lực nhà thầu Việt Nam như Hòa Bình đang được các nhà thầu nước ngoài đánh giá rất cao, có thể trở thành đối thủ nặng ký của họ.
“Nhưng một doanh nghiệp không thể làm nên một thương hiệu quốc gia mà phải nhiều công ty. Và cũng không chỉ công ty xây dựng tổng thầu mà cả công ty cung cấp vật tư công nghiệp cũng có thể sang nước ngoài để hỗ trợ nhà thầu chính của Việt Nam”.
Chủ tịch của Hòa Bình luôn nói đi nói lại rằng: “Điều này cần tầm nhìn quốc gia để có chiến lược phù hợp. Nếu đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại tại các dự án siêu sao trong nước mà không có chiến lược phù hợp thì rất dễ bị chiếm lại. Thời gian tiếp xúc học hỏi đối tác ngoại đã qua, nếu không ra nước ngoài học hỏi tiếp, chúng ta sẽ lạc hậu.”
Theo Bảo Ngọc
Theo Trí Thức Trẻ
Tin liên quan
Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trong làn...
Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật...
Hòa Bình trúng nhiều dự án mới trị...
Kết thúc quý 2 năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa được các chủ đầu...
Xây dựng Hoà Bình (HBC): Đã có đối...
Nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược, HĐQT Công ty đã thông qua...