Tổng thầu EPC là gì? Những quy định về tổng thầu EPC mà nhà thầu cần biết
news
Trong lĩnh vực kiến trúc, thi công công trình, ngày nay, có rất nhiều loại hợp đồng khác nhau được sử dụng. EPC là một trong số này. Vậy bạn có biết tổng thầu EPC là gì? Có những quy định nào về việc sử dụng hợp đồng EPC mà nhà thầu cần biết? Tham khảo ngay bài viết dưới đây!
1. Tổng thầu EPC là gì?
EPC (viết tắt của Engineering, Procurement and Construction) có nghĩa là thiết kế, mua sắm và xây dựng - một kiểu hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị cho tới thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư.
Vậy tổng thầu EPC là gì?
Tổng thầu EPC là các công ty cung cấp dự án EPC, chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng EPC - hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (theo nghị định 59/2015/NĐ-CP)
Một hợp đồng tổng thầu EPC khác với hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay (Lump Sum Turn Key – LSTK). Hợp đồng “chìa khóa trao tay” (Turnkey), ngoài các phần thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, thi công xây dựng công trình, nhà thầu được chọn còn cần thực hiện việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tổng thầu EPC là các công ty cung cấp dự án EPC, chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng EPC
Đối với Chủ đầu tư, việc áp dụng hình thức Hợp đồng EPC cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án/gói thầu và trong quá trình thực hiện, do chỉ có một đầu mối chịu trách nhiệm chính nên Chủ đầu tư cần đến ít nhân lực và chi phí cho công tác quản lý dự án hơn.
Việc cung cấp tài chính cho dự án/gói thầu cũng sẽ thuận lợi hơn do việc tạm ứng và thanh toán vốn chủ yếu theo giai đoạn thực hiện hoặc theo công trình/hạng mục công trình hoàn thành. Một phần các rủi ro nếu có trong quá trình thiết kế, cung ứng và xây dựng công trình cũng sẽ được phía nhà thầu chia sẻ cùng Chủ đầu tư; thời gian thực hiện dự án/gói thầu của nhà thầu có thể ngắn hơn do phía nhà thầu chủ động hơn ở tất cả các khâu công việc trong quá trình thực hiện.
Về phía Nhà thầu, việc thực hiện hình thức Hợp đồng EPC tạo điều kiện để nhà thầu tăng thêm quyền chủ động linh hoạt trong thiết kế và xây dựng, đồng thời cũng tạo ra sự hợp tác tốt hơn với đơn vị tư vấn giám sát của chủ đầu tư trên công trường. Chi phí thực hiện dự án/gói thầu của nhà thầu có thể giảm do tiết kiệm được một số khoản chi phí do việc kết hợp các khâu công việc trong quá trình thực hiện.
2. Những quy định về tổng thầu EPC nhà thầu cần biết
Kiểm soát toàn bộ các phương tiện và biện pháp thi công trong phạm vi công trường của toàn bộ dự án là một trong những quy định của tổng thầu EPC với dự án.
Điều 15 Thông tư 30/2016/TT-BXD có quy định về tổng thầu EPC với phạm vi toàn bộ dự án và các nghĩa vụ sau:
-
Quản lý phạm vi thực hiện các công việc theo mục tiêu của dự án và theo danh mục công việc trong hợp đồng đã ký kết; kiểm tra tính đúng đắn, sự đầy đủ và phù hợp của các tài liệu khảo sát, thiết kế, tài liệu kỹ thuật được áp dụng.
-
Kiểm soát tiến độ thực hiện các công việc phù hợp với tiến độ chung của dự án và hợp đồng tổng thầu EPC đã ký kết.
-
Kiểm soát toàn bộ các phương tiện và biện pháp thi công trong phạm vi công trường của toàn bộ dự án.
-
Bổ sung hoặc thay thế các nhà thầu phụ để đảm bảo chất lượng, giá cả và tiến độ thực hiện các công việc của hợp đồng sau khi được chủ đầu tư chấp thuận;
-
Quản lý chi phí thực hiện các công việc theo hợp đồng; kiểm soát, thanh toán và điều chỉnh giá hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
-
Tổng thầu EPC có trách nhiệm tổ chức điều hành toàn bộ hoạt động trong phạm vi trong và ngoài công trường nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC một cách an toàn, hiệu quả; Điều phối các nhà thầu phụ về việc sử dụng hợp lý các công trình phụ trợ, các công trình phục vụ thi công để tránh lãng phí; sử dụng, bảo vệ mặt bằng và giữ gìn an ninh trật tự công trường.
-
Chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc tổ chức đào tạo cán bộ quản lý và công nhân vận hành sử dụng công trình theo hợp đồng đã ký.
3. Một số điều kiện để tiếp cận với hình thức Hợp đồng EPC
Dự án /gói thầu có yêu cầu về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác từ phía nhà thầu thực hiện là một trong những điều kiện áp dụng EPC
Để có thể áp dụng hình thức Hợp đồng EPC, các dự án/gói thầu cần phải có được một số các điều kiện sau đây:
-
Phạm vi công việc được xác định ở mức độ chi tiết cần thiết đủ để xác lập được phạm vi của hợp đồng EPC một cách rõ ràng. Điều này là rất quan trọng do liên quan đến việc phân chia công việc và trách nhiệm phải thực hiện giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu. Trên thực tế, khi triển khai dự án/gói thầu, có những công việc rất khó được phân định một cách rõ ràng, rành mạch. Ví dụ như công tác chuẩn bị công trường và mặt bằng xây dựng làm đường giao thông vào địa điểm xây dựng, làm hệ thống thoát nước mặt bằng, thi công các hạng mục công trình tạm... Đối với những loại công việc này cần có sự bàn bạc tỉ mỉ và thống nhất giữa Chủ đầu tư với Nhà thầu đề xác định một cách linh hoạt là loại công việc nào cần được đưa vào hoặc đưa ra ngoài phạm vi cùa Hợp đồng EPC là hợp lý.
-
Đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ tài liệu cần thiết để mời thầu/chỉ định thầu EPC, trong đó đặc biệt cần làm rõ về các yêu cầu cụ thể của Chủ đầu tư đối với dự án/gói thầu. Những yêu cầu này thường rất đa dạng: có thể là về công suất khai thác, công năng sử dụng hoặc về thời gian thực hiện hay yêu cầu về ứng vốn...Các yêu cầu này cần phải được làm rõ, định tính và định lượng để đưa vào trong nội dung Tài liệu về các yêu cầu của chủ đầu tư để làm cơ sở lập Hồ sơ mời thầu hoặc chỉ định thầu EPC trong bước tiếp theo
-
Dự án /gói thầu có yêu cầu về chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác từ phía nhà thầu thực hiện.
-
Ngoài các điều kiện nêu trên, việc áp dụng hình thức Hợp đồng EPC có thể sẽ không thích hợp đối với một số trường hợp sau đây:
-
Bên Chủ đầu tư không có điều kiện để dành đủ thời gian cần thiết cho nhà thầu nghiên cứu chi tiết các yêu cầu của mình để qua đó nhà thầu có thể xác định đầy đủ phạm vi các công việc cần phải thực hiện cũng như xác định đúng đắn các khoản chi phí cần thiết.
-
Các dự án/gói thầu có phần khối lượng công tác ngầm lớn mà nhà thầu lại không có điều kiện để thực hiện khảo sát trực tiếp tại hiện trường.
-
Những dự án/gói thầu mà Chủ đầu tư muốn giành quyền kiểm soát chi tiết đối với quá trình thực hiện.
Ngoài ra, với những dự án/gói thầu mà Chủ đầu tư không chủ động được trong việc thanh toán vốn và Nhà thầu bị hạn chế về năng lực tài chính thì cũng không nên áp dụng hình thức hợp đồng này.
Trên đây là những thông tin được chúng tôi tổng hợp lại về khái niệm tổng thầu EPC là gì, những quy định về việc sử dụng hợp đồng EPC ra sao. Hy vọng các bạn sẽ có những kiến thức hữu ích để áp dụng vào trong công việc, đặc biệt là lựa chọn được một tổng thầu phù hợp với công trình...
Tin liên quan
Hướng dẫn cách đóng la phông thạch cao...
Với ưu điểm trọng lượng nhẹ, độ bền chắc chắn cùng giá thành thấp, la phông thạch cao...
Biện pháp thi công nạo vét kênh mương...
HIện nay, nhu cầu thi công nạo vét kênh mương không có quá xa lạ đối với tất cả mọi...
Tiêu chuẩn thiết kế khách sạn 4 sao...
Giải pháp hàng đầu hiện nay để các chủ đầu tư và các kiến trúc sư làm nên những công...