Chủ tịch tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải viết sách chiến lược phát triển ngành xây dựng; xây dựng Việt Nam vươn ra thị trường thế giới có viển vông?
news
"Công nghiệp xây dựng nhất định sẽ đóng góp phần xứng đáng giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ 2020 – 2030 …" – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ.
Từ ngành xây dựng, Việt Nam có cơ hội hóa rồng
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch tập đoàn xây dựng Hòa Bình vừa bất ngờ cho ra mắt cuốn sách "thập kỷ vàng – trang sử mới" – nói về tầm quan trọng cũng như chiến lược phát triển của ngành xây dựng. Ông Hải được biết đến là một trong những người giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực xây dựng với hơn 30 năm lăn lộn, thăng trầm trong nghề. Ông ra trường với tầm bằng kỹ sư, và khởi đầu công việc tại Công ty Quản lý Nhà TP.HCM với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân. Sau đó, ông ra làm riêng khi lập văn phòng xây dựng tại TP.HCM chỉ với 5 kỹ sư thiết kế và nhận thi công một số công trình dân dụng. Năm 2000, ông Hải trở thành Chủ tịch Công ty CP XD & KD Địa ốc Hòa Bình.
Từ đó đến nay, trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, ông Lê Viết Hải nhận thấy, ngành xây dựng có vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế. Trong cuốn tự truyện của Chung Ju Yung – Không bao giờ là thất bại, viết về kinh nghiệm thành công từ công ty Hyundai Hàn Quốc: "Ngành xây dựng đã đóng vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng kinh tế Hàn Quốc và sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tương lai."
Nay, liệu con đường chọn ngành xây dựng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước có còn phù hợp? Trong cuốn "thập kỷ vàng – trang sử mới" của doanh nhân Lê Viết Hải, cũng khẳng định vai trò này luôn đúng:"Công nghiệp xây dựng nhất định sẽ góp phần xứng đáng giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ vàng hoặc tạo nên tiền đề để Việt Nam trở thành một cường quốc trong những thập kỷ tiếp theo nếu chúng ta có một chiến lược đúng và có đủ sự quyết tâm thực hiện cho kỳ được việc xuất khẩu dịch vụ tổng thầu ra thị trường xây dựng toàn cầu, một thị trường đầy triển vọng lớn gấp trăm lần thị trường trong nước."
Cuốn sách này phân tích về năng lực cạnh tranh trong ngành xây dựng, và sự thanh công của những doanh nghiệp xây dựng như Hòa Bình; vai trò và chiến lược phát triển ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam.
Ngành xây dựng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, năm 2019, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đang làm dịch vụ cho gần 100 triệu dân tại thị trường trong nước, quy mô 15,2 tỷ USD, đóng góp 5,94% GDP.
Theo McKinsey & Company, ngành xây dựng, bao gồm bất động sản, cơ sở hạ tầng và cơ cấu công nghiệp là ngành lớn nhất trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm 13% GDP thế giới. Ngoài ra, tổng sản lượng ngành xây dựng của thế giới năm 2018 là 11.400 tỷ USD, tương đương 750 lần tổng sản lượng toàn ngành xây dựng Việt Nam năm 2019. Dự báo năm 2022 là 12.900 tỷ USD.
Vì thế, nếu Việt Nam vươn ra được thị trường thế giới, chinh phục thành công thị trường xây dựng thế giới chắc chắn Việt Nam có "cơ hội hóa rồng".
Thập kỷ vàng chinh phục thị trường xây dựng toàn cầu
Ông Lê Viết Hải nhận định, thập kỷ tới (2020 – 2030) là cơ hội vàng khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số vàng, trong đó số lượng người ở độ tuổi lao động lớn gấp 2 lần người phụ thuộc. Đây là điều kiện để đất nước bứt phá và trở thành một cường quốc. Dân số vàng cộng đức tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi của người Việt Nam là một ưu thế vô cùng lớn trong chuỗi cung ứng, là cơ hội cho ngành công nghiệp xây dựng từ phân khúc nhà ở dân dụng sẽ phát triển sang công nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Hơn nữa, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã ứng dụng sáng tạo và hiệu quả công nghệ thi công hiện đại, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, tốc độ, an toàn và có giá thành hợp lý.
Thực tiễn đã có nhiều công ty Việt Nam thi công những công trình rất lớn như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, cầu Thăng Long, đường dây 500 kV và cầu dây văng Bãi Cháy, hầm Đèo Cả.
Một loạt công trình nhà máy thép Hòa Phát ở Dung Quất - Quảng Ngãi, nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng đều do các công ty Việt Nam xây dựng với tốc độ hoàn thành rất nhanh.
Nhiều công ty xây dựng có khả năng quản lý thi công đồng thời vài chục tòa nhà cao tầng với hàng ngàn căn hộ như dự án Vinhomes Grand Park tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Vinhomes Ocean Park tại Hà Nội. Các nhà máy sản xuất chế biến tại các khu công nghiệp trên khắp Việt Nam cũng đều do doanh nghiệp Việt xây dựng an toàn và chất lượng.
Công nghệ Topdown, bao che trượt (Climbing System), đặc biệt là hệ bao che trượt tự leo ACS (Auto Climbing System), hệ Gangform… đã được các doanh nghiệp Việt như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình áp dụng thành công vào các công trình ở Việt Nam mang tầm quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã phát triển các phần mềm như PMS, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng "dữ liệu lớn" (Big Data), ứng dụng AI và xây dựng hệ sinh thái nhằm thích ứng và phát triển đột phá cũng như đảm bảo an toàn lao động...
Trong khi đó, về giá thành xây dựng, điển hình xây dựng nhà cao tầng cho giới trung lưu ở Việt Nam, các doanh nghiệp xây dựng thực hiện rất cạnh tranh, nằm trong khoảng từ 400 – 600 USD/m2, trong khi các nước phát triển dao động từ 1.800 – 3.000 USD/m2.
Về an toàn lao động trong xây dựng công trình cao tầng, điển hình như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình năm 2018 và năm 2019 đã đạt được một kỳ tích hơn 150 triệu giờ lao động không tai nạn trên hàng trăm công trường.
Điều này cho thấy ngành xây dựng Việt Nam hội đủ các điều kiện để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Gỡ nút thắt để bứt phá
Cuốn "thập kỷ vàng – trang sử mới" của doanh nhân Lê Viết Hải, cho rằng chúng ta đã bỏ lỡ "hai cơ hội quý báu để cất cánh". Giờ đây là cơ hội vàng, thập kỷ vàng để Việt Nam hóa rồng, đặc biệt khi thế giới mới được xác lập qua trận đại dịch COVID-19. Trong sách có đoạn: "Nếu bây giờ không hành động khẩn trương và quyết liệt thì về sau chúng ta sẽ ân hận khi nhìn lại lịch sử vì thập kỷ vàng quý giá chỉ còn có một, khi đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa sai. Trong nguy có cơ và với tinh thần lạc quan nhất định chúng ta sẽ tìm thấy những cơ hội và vượt qua những thử thách."
Đồng thời, cuốn sách này cũng chỉ ra 7 nút thắt cần tháo gỡ để ngành xây dựng chinh phục thế giới, gồm: nhà thầu Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm thi công xây dựng quốc tế; Tình trạng tài chính hạn chế cho đầu tư ở thị trường nước ngoài; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng bộ và chưa đủ chuẩn quốc tế; thiếu bằng sáng chế phát minh về kỹ thuật công nghệ, điều kiện hạn chế cho nghiên cứu và phát triển; các hiệp hội ngành nghề liên quan chưa đủ sâu và thiếu sự liên kết, thiếu quyền hạn theo luật định trong ngành xây dựng; thiếu sự hợp lực và quyết tâm cho mục tiêu chiến lược mang tầm quốc gia; chưa sẵn sàng cho sự bão hòa và biến động của thị trường trong nước.
Để gỡ những nút thắt này, ông Lê Việt Hải cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thông tin thị trường toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi trong các hiệp định thương mại; cải cách cơ chế chính sách thủ tục hành chính giúp ngành công nghiệp xây dựng xuất khẩu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; thiết lập hệ sinh thái kinh doanh tối ưu cho công nghiệp xây dựng Việt Nam; tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp xây dựng trong nước làm tổng thầu các dự án đầu tư công quy mô lớn; quảng bá thương hiệu quốc gia, lan tỏa văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua hoạt động xây dựng ở thị thường toàn cầu.
Bình An
Theo Nhịp sống kinh tế
Xem link bài gốc tại ĐÂY
Tin liên quan
Xây dựng Hoà Bình (HBC): Đã có đối...
Nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược, HĐQT Công ty đã thông qua...
Chinh Phục Đỉnh Cao Mọi Công Trình
Được thành lập từ năm 1987, Hoà Bình là Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh Địa ốc...
Con đường vươn ra biển lớn của Hòa...
35 năm không ngừng nỗ lực, đổi mới để chinh phục đỉnh cao, khẳng định chất lượng và...