Hòa Bình - Coteccons: Sao đổi ngôi
news
Sau một thập niên bám đuổi, Hòa Bình cuối cùng cũng đã vượt Coteccons để trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam. Năm 2022 này sẽ là năm mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu cho một thời kỳ mới của cả hai doanh nghiệp, sau giai đoạn tái cấu trúc 2020 – 2021.
Ít có ngành nghề nào mà trong suốt một thập niên lại diễn ra cuộc đua song mã như ngành xây dựng với hai tên tuổi: Hòa Bình (HoSE: HBC) và Coteccons (HoSE: CTD). Sở hữu năng lực vượt trội so với phần còn lại, HBC và CTD đã trình diễn những vũ điệu đẹp mắt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cũng như tốc độ mở rộng quy mô hoạt động.
Trong mười năm ròng rã chạy song đôi, HBC luôn ở phía sau CTD – “đế chế” vĩ đại của ông Nguyễn Bá Dương. Nhưng cuộc “chính biến” năm Canh Tý (2020) đã khiến ông Nguyễn Bá Dương phải rời khỏi công ty do mình sáng lập. CTD cứ thế đi xuống và đến năm 2021 thì bị HBC vượt qua.
Tiếc nuối cho CTD nhưng HBC xứng đáng. Mô hình kinh doanh và cấu trúc tài chính của HBC, vốn chông chênh trong rất nhiều năm, đã được cải thiện nhờ công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ của ông Lê Viết Hải – chủ tịch HĐQT. Còn với CTD, dù vẫn sở hữu nền tảng tốt, nội lực mạnh, nhưng từ nay, thay vì “tiếu ngạo giang hồ”, công ty này sẽ phải lo lắng rất nhiều, không chỉ với HBC mà còn với dàn “sao trẻ” như: Ricons, Newtecons, Ecoba…
Nhân cuộc soán ngôi lịch sử, hãy cùng nhìn lại HBC và CTD để thấy hành trình đã qua và nhận định về tham vọng to lớn của bộ đôi này trong thời gian tới.
Ngày 10/11/2021 với HBC là một ngày lịch sử. Cổ phiếu HBC hôm đó tăng trần, lên mức 23.700 đồng/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của công ty đạt mức 5.745 tỷ đồng, lớn hơn CTD gần 200 tỷ đồng (ở cùng thời điểm). Lần đầu tiên sau một thập niên chịu chiếu dưới, HBC đã vượt mặt CTD, chính thức trở thành doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam. Giá trị vốn hóa là rào cản cuối cùng để HBC vượt CTD, sau khi đã vượt qua về doanh thu và lợi nhuận trong 2 quý trước đó.
Ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của HBC là 5.711 tỷ đồng, CTD chỉ 4.254 tỷ đồng, vênh nhau hơn một nghìn tỷ. Còn về doanh thu, lợi nhuận, năm 2021, HBC đã bỏ xa CTD khi đạt doanh thu 11.335 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 97 tỷ đồng (con số này ở CTD chỉ là 9.078 tỷ đồng và 24 tỷ đồng). Chênh lệch là quá lớn.
Quả ngọt cho HBC có thể nói là xứng đáng khi doanh nghiệp này đã duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu siêu tốc và kiên cường vượt qua hai năm tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của mình (2020 – 2021).
Thật vậy, nhìn lại giai đoạn 2008 – 2018, HBC đã có một “thập niên như mơ” với doanh thu tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, cứ 5 năm lại gấp 5 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2008 là 696 tỷ đồng; năm 2013 tăng gấp 5 lần, lên 3.432 tỷ đồng; đến năm 2018 lại tăng gấp 5 lần, đạt 18.299 tỷ đồng. Đà tăng siêu tốc này chỉ chịu chững lại vào năm 2019, khi thị trường bất động sản rơi vào suy thoái. Năm này, doanh thu của HBC chỉ đạt 18.609 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, khó khăn trở nên trầm trọng, doanh thu của HBC bắt đầu “lao dốc”, chỉ còn 11.224 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư khi đó thậm chí còn lo ngại HBC khó có thể vượt qua khủng hoảng. Giá cổ phiếu HBC có lúc đã rơi xuống vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, HBC đã trụ vững. Năm 2021, dù tình hình vĩ mô và ngành xây dựng vẫn chồng chất khó khăn, HBC đã đưa được doanh thu tăng trưởng dương, đạt 11.335 tỷ đồng.
Kinh Dịch nói rằng “vật cùng tắc biến, biến tắc thông” – khó khăn tột cùng sẽ nảy sinh biến hóa, biến hóa sẽ hanh thông. Chính vào năm tồi tệ nhất trong lịch sử 33 năm tồn tại của mình (năm 2020), chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải đã tiến hành công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh. Cuộc tái cấu trúc này đã giúp HBC trụ vững và tạo lập một nền móng mới cho công ty. Nội dung tái cấu trúc đó bao gồm các cấu phần: tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, thị trường, tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuẩn bị cho việc thiết lập hệ sinh thái đa quốc gia phục vụ cho một chiến lược dài hạn.
Cụ thể, ở trong nước, trước sự chững lại của mảng xây dựng nhà ở dân dụng cao tầng, HBC đẩy mạnh mảng công nghiệp và thi công hạ tầng. Thành tựu tốt nhất là Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình đã giành được nhiều gói thầu lớn, đơn cử như cầu Ka Long 2 tại Quảng Ninh.
Về mô hình kinh doanh, HBC đưa ra chủ trương thoái vốn ở các dự án đầu tư trong nước hoặc các công ty thành viên có hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Chẳng hạn năm 2020, tập đoàn bán 15% vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn Ngày Mới; năm 2021, bán toàn bộ quyền sở hữu trong các đơn vị như: Công ty TNHH Bất động sản Pax Land, Công ty TNHH MTV Pax Sky, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng để ghi nhận lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.
Về tài chính, HBC tập trung xử lý nợ đọng, lập hẳn một ban chuyên môn đảm nhiệm công tác này do tổng giám đốc làm trưởng ban, kết quả nổi bật nhất chính là việc thắng kiện đòi nợ FLC gần 300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước sự bão hòa của thị trường trong nước, HBC đang dần vươn tay ra thị trường quốc tế, gồm cả xây dựng lẫn kinh doanh địa ốc. Cụ thể, về xây dựng, HBC đã thi công tại các thị trường Malaysia, Myanmar, Kuwait…; về kinh doanh địa ốc, HBC đang triển khai 2 dự án nhà ở tại Canada. Dự kiến trong quý II/2022, các văn phòng công ty thành viên của HBC tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại Australia; vào quý IV/2022 sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales đồng thời tham gia vào công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast nhằm chuẩn bị cho Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032. Cũng trong quý II, công ty thành viên của HBC và cũng là công ty đầu tiên của tập đoàn tại Mỹ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas.
Có thể nói, qua 2 năm thực hiện tái cấu trúc, HBC đã bắt đầu gặt hái những quả ngọt. Tuy nhiên, xem xét kỹ lưỡng, thấy rằng cấu trúc của HBC vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề mà chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải và cộng sự sẽ phải tiếp tục giải quyết trong các năm tới.
Một là các khoản phải thu vẫn rất lớn. Xét giai đoạn 2019 – quý I/2022, khoản phải thu của công ty thường chiếm tới 70% tổng tài sản. Cơ cấu khoản phải thu gồm 2 khoản mục chủ yếu là “Phải thu ngắn hạn khách hàng” (131) và “Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng” (337). Khoản 337 ghi nhận phần việc HBC đã hoàn thành nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng, còn khoản 131 là đã lập hóa đơn và khách hàng có nghĩa vụ thanh toán. Giai đoạn vừa qua, tỷ trọng của khoản 337 giảm, tỷ trọng của khoản 131 tăng lên, cho thấy chất lượng khoản phải thu của HBC được cải thiện. Song mức độ cải thiện này vẫn là chưa lớn.
Trong ngắn hạn, HBC khó lòng giảm được tỷ trọng của các khoản phải thu trong cơ cấu tổng tài sản, một phần là do giới chủ đầu tư chưa dễ thoát khỏi khó khăn, một phần khác do tỷ trọng của khoản nợ bảo lưu khá lớn (chiếm 70% khoản 131 và chiếm 41% nếu tính cả khoản 337, xét năm 2021).
Đáng nói, sự tồn tại của khoản 337 khiến thời gian thu hồi công nợ bình quân của HBC rất lớn, lên tới 325 ngày (xét năm 2021). Mặt khác, thực tế cho thấy trong 3 năm trở lại đây, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của HBC không giảm được là bao, cho thấy chất lượng các khoản phải thu vẫn đang tồn tại vấn đề.
Việc các khoản phải thu có giá trị rất lớn đã ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền của HBC. Suốt các năm 2018 – 2020, dòng tiền kinh doanh của HBC luôn trong tình trạng âm nặng: năm 2018 âm 182 tỷ đồng, năm 2019 âm 706 tỷ đồng, 2020 âm 290 tỷ đồng. Đến năm 2021, dòng tiền kinh doanh mới dương 563 tỷ đồng, nhưng tới quý I/2022, dòng tiền kinh doanh lại tiếp tục âm 1.050 tỷ đồng.
Việc dòng tiền kinh doanh âm liên quan trực tiếp tới vấn đề vốn của HBC. Đây cũng là “nỗi đau đầu” của lãnh đạo doanh nghiệp này. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HBC các năm qua luôn khá cao: năm 2019 là 3,2 lần, năm 2020 là 2,7 lần, năm 2021 là 3 lần, cuối quý I/2022 là 3,18 lần.
Xét riêng nợ vay, nợ vay năm 2019 gấp 1,25 lần vốn chủ sở hữu; con số này năm 2020 là 1,23 lần, năm 2021 là 1,25 lần và quý I/2022 là 1,46 lần. Dòng tiền vay/trả hằng năm của HBC, dù đã được cải thiện gần đây, song vẫn ở mức rất lớn: đơn cử năm 2021 là 9.809 tỷ đồng/9.829 tỷ đồng.
Về lý thuyết, vốn vay rẻ hơn vốn chủ, sử dụng đòn bẩy cao sẽ giúp nâng cao tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy là một con dao hai lưỡi, sẽ tác động tiêu cực khi công ty gặp khó khăn về doanh thu. Năm 2020 và 2021, HBC chính là đã bị “dao đâm ngược” khi chi phí tài chính (khoảng 300 tỷ đồng) đã ăn mòn lợi nhuận sau thuế, khiến tỷ suất lợi nhuận ròng lần lượt chỉ đạt 0,8% và 0,9%, góp phần lớn vào sự sụt giảm của ROE năm 2020 và 2021, lần lượt là 2,1% và 2,5%. Trong khi đó, các năm 2017 – 2019, ROE đạt tới 44,5%, 25,4% và 13,2%.
Trên thực tế, HBC cũng nỗ lực tăng vốn chủ để cải thiện dòng tiền, song song với việc đốc thúc thu hồi nợ và thoái vốn. Thành tựu đã có, song vẫn còn là khiêm tốn, lãnh đạo HBC sẽ còn phải làm rất nhiều việc nếu muốn tái cấu trúc thành công tài chính của doanh nghiệp này.
Là doanh nghiệp xây dựng vĩ đại của Việt Nam, việc mất ngôi vương vào tay HBC là một trải nghiệm không hề dễ chịu đối với CTD – doanh nghiệp cũng có “thập niên như mơ” tăng trưởng bằng lần, sớm có doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng (năm 2015: 13.669 tỷ đồng) và những năm tháng đỉnh cao (2016 – 2018) có lợi nhuận sau thuế trung bình tới 1.500 tỷ đồng.
Nhưng với những người quan sát thị trường xây dựng, chuyện mất ngôi của CTD cũng không phải là điều quá bất ngờ. Thực tế, từ năm 2018, CTD đã cảm nhận rõ khó khăn đang tới. Đó cũng là lí do nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương muốn hợp nhất Ricons để đưa CTD tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng kế hoạch của ông Dương bất thành. “Nội chiến” giữa các nhóm cổ đông xảy ra, kéo dài trong 2 năm 2019 – 2020, nhấn chìm CTD vào khủng hoảng chưa từng có: nhà sáng lập bị phế truất, nhân sự biến động dữ dội, các đối tác trong “Coteccons Group” tuyên bố ly khai, khách hàng bỏ đi, doanh thu “rơi tự do” từ đỉnh cao 28.560 tỷ đồng (năm 2018) xuống chỉ còn 14.558 tỷ đồng (năm 2020).
Năm 2020, CTD gần như “trắng” hợp đồng mới – nguyên nhân trực tiếp khiến năm 2021 doanh thu của công ty rơi xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ năm 2015. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thậm chí còn là số âm (-7 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24 tỷ đồng, chỉ bằng số lẻ của những năm tháng đỉnh cao.
Không thể không xót xa cho CTD, doanh nghiệp xây dựng từng là tốt nhất. Nhưng sự sụp đổ của CTD không chỉ đến từ “cuộc chiến vương quyền” giữa các nhóm cổ đông. Sâu xa, nó đến từ mô hình kinh doanh gần như đơn nhất của công ty này – tập trung ở mảng xây dựng dân dụng, thương mại và đặc biệt phụ thuộc quá lớn vào ông Nguyễn Bá Dương. Ngoài ra, mô hình tổ chức – quản lý của CTD cũng tồn tại vấn đề, khiến công ty phát sinh nợ xấu và tồn đọng tại hàng chục dự án. Báo cáo của ban kiểm soát CTD năm 2021 thẳng thắn thừa nhận: một số dự án có tình trạng lỗ khi bàn giao và quyết toán, điều này có nguyên nhân từ khâu lập dự toán, dự phòng rủi ro và quản lý dự án. Trong khi đó, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt, tình trạnh cạnh tranh bằng mọi giá đang thực sự diễn ra, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận làm dưới giá vốn để có dự án, điều này đã đặt CTD vào thách thức rất lớn.
Kể từ khi nắm quyền tại CTD, ông Bolat Duisenov (chủ tịch HĐQT) đã vạch ra chương trình tái cấu trúc công ty. Về cơ bản, cùng một cảnh ngộ, cùng rơi vào khó khăn gần như đồng thời, chương trình tái cấu trúc của CTD cũng tương tự như HBC: tái cấu trúc mô hình kinh doanh (phát triển thêm các mảng mới, phát triển các dòng sản phẩm dịch vụ đa dạng), tái cấu trúc tài chính và nguồn vốn (huy động vốn trái phiếu), tái cấu trúc bộ máy (phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả của phòng đấu thầu)…
Tuy nhiên, khác với HBC tái cấu trúc với nội bộ ổn định, sớm cho thấy kết quả, CTD tái cấu trúc giữa khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng. Do đó, chương đầu của công cuộc tái cấu trúc tại CTD chính là việc “chuẩn hóa”, “chuyển đổi” với những nguyên tắc mới, triết lý mới, tập trung vào ổn định bộ máy, nhân sự, cải cách quản trị… Kết quả kinh doanh sẽ là hệ quả tương lai của việc chuẩn hóa, chuyển đổi này. Vì thế, không lấy làm ngạc nhiên khi hơn 1 năm nắm quyền tại CTD của ông Bolat Duisenov lại không mang lại con số doanh thu, lợi nhuận tích cực.
Điểm đáng chú ý là lãnh đạo CTD đương nhiệm thường nhắc đi nhắc lại vấn đề minh bạch – như một cách cam kết thực hiện và/hoặc chứng minh cho sự đúng đắn của việc chỉ trích nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương trước đó. Biểu hiện của sự minh bạch này, gần đây nhất và có lẽ cũng là rõ nét nhất, là ở mục tiêu lợi nhuận 2022, chỉ 20 tỷ đồng – thấp nhất lịch sử. Lãnh đạo CTD nói rằng họ hoàn toàn có thể “làm đẹp số liệu” để làm vui cổ đông, nhưng họ chọn nói thẳng, nói thật về những khó khăn của công ty. “Chúng ta sẽ thấy kết quả vào năm 2023 và những năm sau đó. Chúng tôi xác định chiến lược phát triển bền vững, dài hạn”, ông Bolat Duisenov nói tại đại hội đồng cổ đông năm 2022.
Dài hạn – đó là lời hứa của nhà cầm quyền CTD hiện tại và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn của các cổ đông. Song, cổ đông CTD có quyền lạc quan khi tình hình kinh doanh từ quý IV/2021 đã dần sáng lên: ký mới hàng chục dự án, đưa tổng giá trị ký trong năm đạt 25.000 tỷ đồng (tương đương 44 dự án), quý I/2022 ký mới tiếp 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu doanh thu 2022 hơn 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng 165% so với năm 2021.
Cũng công bằng mà nói, CTD dù khó khăn song vẫn là doanh nghiệp có nền tảng rất tốt: vốn chủ rất dày, lượng tiền rất lớn (trên 3.000 tỷ đồng), nợ vay rất ít, các khoản phải thu chỉ chiếm phân nửa tổng tài sản (đại đa số là khoản 131). Với chất lượng tài sản tốt, nguồn lực tài chính mạnh, đội ngũ tinh anh, có thể nói lời kêu gọi cổ đông hãy kiên nhấn của ban lãnh đạo đương nhiệm CTD là có cơ sở.
Tuy vậy, CTD không phải không có điểm lo ngại. Một là nợ xấu khá nhiều. CTD hiện có ít nhất 16 dự án phát sinh nợ xấu, khiến công ty phải trích lập dự phòng tương đối lớn. Năm 2022, CTD dự kiến trích lập tới 95 tỷ đồng, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận sau thuế mục tiêu chỉ ở mức 20 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính hợp nhất, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của CTD đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 2018 – quý I/2022: từ 210 tỷ đồng lên 662 tỷ đồng. Để so sánh, con số này gấp đôi HBC, dù cho chất lượng khoản phải thu của CTD được cho là tốt hơn.
Hai là biên lợi nhuận gộp ngày càng mỏng. Xét giai đoạn 2015 – 2021 (giai đoạn doanh thu trên 10.000 tỷ đồng), biên lợi nhuận gộp của CTD gần như giảm dần đều qua các năm, từ 8,1% xuống chỉ còn 3%. Tình trạng “trắng” dự án ký mới năm 2020 rồi đột ngột tăng mạnh trong quý IV/2021, trong bối cảnh biên lợi nhuận gộp suy giảm, không khỏi khiến giới quan sát đặt nghi vấn: phải chăng CTD cũng đã phải bắt đầu cạnh tranh bằng giá? Nếu quả thực đến bước đường này, với CTD, âu cũng là vạn bất đắc dĩ.
HBC và CTD đã trải qua 2 năm tồi tệ nhất trong lịch sử của mình. Rất may, cả hai đều bản lĩnh để vượt qua được khúc quanh ngặt nghèo. Đứng lên từ vũng lầy, phượng hoàng tái sinh từ tàn tro là điều giới đầu tư kỳ vọng vào hai doanh nghiệp đầu ngành này.
So sánh một chút để thấy, dường như HBC “tái sinh” nhanh hơn, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận năm 2022 của công ty ở mức 17.500 tỷ đồng và 350 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và 261% so với năm 2021. CTD chậm hơn, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận chỉ ở mức 15.010 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 165% và giảm 16% so với năm 2021.
Tất nhiên, khác biệt là có tồn tại khi HBC kỳ vọng lợi nhuận còn đến từ việc bán các dự án bất động sản. Hiện, HBC đã gần hoàn tất thoái vốn tại dự án Ascent Garden Home cho đối tác mới là Gotec Land, giá trị thu hơn 225 tỷ đồng. Ngoài ra, HBC cũng dự tính thoái vốn khỏi 3 dự án khác là Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.
Dài hơi hơn, HBC đặt mục tiêu 10 năm tới (tức năm 2032), doanh thu đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 1 tỷ USD. Còn với CTD, doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2025 doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD, vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD. Đặt mục tiêu hai bên cạnh nhau để thấy, rõ ràng HBC có tham vọng lớn hơn rất nhiều so với CTD, nhất là khi ông Lê Viết Hải rất đắm đuối với việc đầu tư ra nước ngoài.
Vẫn biết mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, song từ cuộc đổi ngôi năm 2021, CTD dường như đã chậm hơn HBC khá nhiều, ít nhất CTD cũng đã chậm hơn từ trong tham vọng.
Theo Vietnam Finance
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Ông Lê Viết Hiếu: Chủ tịch Lê Viết...
Chia sẻ về những thông tin tiêu cực liên quan đến HBC, ông Hiếu cho biết HBC vẫn hoạt động...
Giấc mơ siêu dự án của 'ông trùm' xây...
Cuộc "so găng" của hai ông lớn trên thị trường xây dựng là Hòa Bình và Coteccons được ví như...
CEO Địa ốc Hòa Bình: Không bao giờ...
Với triết lý kinh doanh như vậy, kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị,...