Câu chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở một đơn vị
news
Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nó luôn mang nét đặc trưng riêng. Sự thành công của một đơn vị được bắt nguồn từ nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.
Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Lê Viết Hải – ông Nguyễn Hữu Hiền, Trưởng Ban Tích hợp Tinh hoa đồng thời là Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình – một trong những đơn vị dẫn đầu trong ngành Xây dựng Việt Nam đã có những chia sẻ rất thú vị về điều này với phóng viên.
Xin ông cho biết những yếu tố nào đã tạo nên thương hiệu Hòa Bình trong lĩnh vực xây dựng ngày hôm nay?
Ông Nguyễn Hữu Hiền: Có 3 yếu tố giúp Hoà Bình phát triển bền vững và tạo nên uy tín thương hiệu trong ngành Xây dựng: (1) Hoà Bình có văn hóa doanh nghiệp độc đáo được đúc kết và trình bày khá rõ nét trong Tuyên ngôn giá trị, bao gồm: Hoài bão, Sứ mệnh, Triết lý kinh doanh và những giá trị cốt lõi. Có thể nói văn hóa Hòa Bình đã kết hợp được một cách hài hòa giữa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với những giá trị tinh hoa được hội tụ, cộng hưởng và giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây. (2) Trên nền tảng văn hóa tốt đẹp của mình, Hòa Bình đã quy tụ được nguồn nhân lực và những đối tác tốt nhất và nhờ vậy Hòa Bình có thể triển khai thành công mọi kế hoạch hành động, mọi chương trình đổi mới trong quản trị và kỹ thuật công nghệ, để chỉ trong một thời gian ngắn có thể nói Hòa Bình đã đuổi kịp sự tiến bộ về công nghiệp xây dựng của thế giới, đặc biệt là trong xây dựng nhà cao tầng. (3) Hòa Bình ra đời đúng vào thời kỳ đất nước mở cửa có nhiều chính sách được cải cách, sự khác biệt đó lại được chính sách đổi mới khuyến khích thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển; đây là điều kiện quan trọng và hết sức cần thiết tạo nên sự nổi bật và thành công cho thương hiệu Hòa Bình hôm nay.
Triết lý kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là gì? Việc hình thành và xây dựng văn hóa trong Tập đoàn được thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Hữu Hiền: Có thể nói, triết lý kinh doanh của Tập đoàn Hoà Bình hoàn toàn hướng đến mục tiêu phục vụ cho khách hàng, cộng đồng và xã hội một cách tốt nhất: Một doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên đều sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội bằng tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình.
Về khía cạnh văn hoá, con người thông qua thái độ, hành vi ứng xử và lao động sản xuất… sẽ hình thành nên văn hoá. Trong mọi tổ chức của xã hội, dù lớn hay nhỏ đều có nét văn hoá độc đáo riêng, được hình thành bởi nhân cách của những con người trong chính tổ chức ấy và nhân cách người đứng đầu có vai trò ảnh hưởng sâu rộng và chi phối mạnh mẽ nhất. Gia đình có văn hoá gia đình, họ tộc có văn hoá họ tộc, doanh nghiệp có văn hoá doanh nghiệp, vùng miền có văn hoá vùng miền, quốc gia có văn hoá quốc gia… Ở phạm vi rộng hơn thì có văn hoá khu vực và bao trùm tất cả đó là nền văn hoá thế giới hoặc văn hoá nhân loại hay nền văn minh của loài người.
Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp được hình thành từ những người lãnh đạo cao nhất (vai trò kiến tạo tầm nhìn) và phải được truyền đạt từ trên xuống đến từng thành viên trong toàn hệ thống tổ chức của doanh nghiệp. Sự nhất quán trong toàn hệ thống cả hàng dọc lẫn hàng ngang là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của doanh nghiệp. Sự chuẩn mực, gương mẫu của cấp trên là tấm gương cho cấp dưới học tập và làm theo. Tất cả mọi hành vi từ lời nói đến việc làm của từng thành viên trong doanh nghiệp được gọi chung là văn hóa doanh nghiệp.
Văn hoá của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng vậy, được hình thành, phát triển và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ phẩm hạnh, nhân cách và đức độ của người lãnh đạo đứng đầu là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Lê Viết Hải cũng như các cấp lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Với ông Lê Viết Hải, người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền tảng văn hóa của gia đình và dòng tộc; từ suối nguồn của triết lý Phật giáo. Do vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, văn hoá Hòa Bình đã được xác định dựa trên ba trụ cột chính đó là chân – thiện – mỹ, ba trụ cột đó cũng giống như định lý trong hình học: ba điểm không thẳng hàng xác định một mặt phẳng nó tạo ra thế đứng vững vàng như kiềng ba chân vậy! Logo Hoà Bình cũng được thiết kế có ba vòng tròn tượng trưng cho ba trụ cột chính được đề cập phần trên.
Theo ông, bằng cách nào Hoà Bình đã có thể thu hút nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực trong và ngoài nước trong thời gian qua cũng như trong tương lai?
Ông Nguyễn Hữu Hiền: Nguồn vốn và nguồn nhân lực là hai trong ba loại nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực). Để khai thác, thu hút nguồn lực phải cần đến uy tín. Uy tín doanh nghiệp được biểu hiện trong văn hoá doanh nghiệp! Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta thường nhắc nhở: Mất tiền mất bạc có thể kiếm lại được – Còn mất uy tín là mất tất cả! Như đã nói ở trên, nhờ có nền tảng văn hóa tốt đẹp, Hòa Bình đã quy tụ được nguồn nhân lực và những đối tác tốt nhất và nhờ vậy Hòa Bình đã góp phần rút ngắn khoảng cách tụt hậu và đuổi kịp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng so với thế giới và có thể thay thế hoàn toàn các nhà thầu ngoại trên thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, UVBCT – Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trao tặng bức tranh mang dòng chữ “HÒA BÌNH Bản lĩnh – Sáng tạo, Táo bạo – Tiên phong, Hòa đồng – Nhân ái”.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm về vai trò văn hóa doanh nghiệp có tác động đến vận mệnh đất nước trong tương lai. Văn hóa là chất kết dính giữa con người với con người, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các quốc gia với nhau; cũng chính nhờ văn hóa mà có thể biến xa lạ thành thân thuộc gần gũi, biến thù thành bạn, biến quan hệ “thắng – thua” (win – lose) thành “cùng thắng” (win – win), biến “đối đầu” thành “đối tác” và ngược lại. Ở vị trí địa lý đặc biệt của dải đất hình chữ “S” nước Việt Nam, tôi tin rằng Quyết định: 1846/QĐ-TTg, ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, với chủ trương quyết liệt trong việc triển khai xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, nếu Thủ tướng quan tâm đúng mức, tổ chức triển khai đúng tầm, chúng ta thực hiện nghiêm túc thì chủ trương này sẽ biến Việt Nam trở thành nơi hội ngộ Đông – Tây, nơi giao lưu văn hóa thế giới, nơi giao thoa của mọi nền văn minh của nhân loại và có thể hóa giải được các cuộc xung đột, đối đầu đem lại cuộc sống an lạc và thái bình cho nhân loại trong khu vực và trên toàn thế giới.
Ngoài những vấn đề trên, anh tâm đắc nhất những gì thuộc về lịch sử, văn hóa của Hòa Bình dưới góc nhìn của anh vừa là Trợ lý Chủ tịch Lê Viết Hải, Trưởng Ban Tích hợp Tinh hoa và đồng thời là Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn?
Ông Nguyễn Hữu Hiền: Có thể khái quát tất cả những gì tôi tâm đắc nhất về Tập đoàn Hoà Bình, đó là một tập thể gồm những con người xuất sắc, họ đã viết nên trang sử với truyền thống văn hóa 30 năm thật tuyệt vời, về một Hoà Bình “Bản lĩnh – Sáng tạo, Táo bạo – Tiên phong, Hoà Đồng – Nhân ái!” như ông Nguyễn Thiện Nhân, UV BCT, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá. Bằng cảm xúc của mình, tôi xin giải mã về Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bằng bài thơ khoán thủ 12 câu, bắt đầu từ dòng lệnh gồm 12 chữ mà anh Nguyễn Thiện Nhân đã tặng cho Hòa Bình:
Bản lĩnh – Sáng tạo, Táo bạo – Tiên phong, Hoà đồng – Nhân ái!
Bản Hoà Bình ca – anh hiến dâng đời
Lĩnh xướng tuyệt vời – lòng vẫn thảnh thơi
Sáng một góc trời – rạng ngời chân lý
Tạo nơi ứng thí – vị trí Rồng Tiên
Táo Quân bút nghiên – biên liền sử ký
Bạo phát năm Tý – chuẩn bị Sửu giao
Tiên tri quà trao – anh hào góp mặt
Phong ba dẫn dắt – lối tắt nẻo chơn
Hoà Bình khảy đờn – qua cơn giông tố
Đồng hành gắng cố – lố dạng anh tài
Nhân nghĩa triển khai – đổi thay tuồng mới
Ái Quốc mong đợi – cho cuộc thới lai
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị này!
Đối với Hoà Bình, chúng ta không khó nhận biết những nơi dấu chân của Hoà Bình đi qua, khi trên khắp cả nước chúng ta có thể nhìn thấy logo của Hòa Bình ở những công trình lớn nhất. Chúng ta cũng không khó để tìm hiểu về tiềm lực của Hoà Bình bởi Hoà Bình đã trở thành công ty đại chúng trên 10 năm nay (mã chứng khoán HBC) và mọi thông tin đều được minh bạch hoá, công khai hoá trên các phương tiên thông tin đại chúng.
Chúng ta còn biết đến Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình là doanh nghiệp duy nhất trong ngành Xây dựng liên tục đạt thương hiệu Quốc gia 10 năm liền qua 5 lần bình xét, từ 2008 – 2018; Đơn vị nằm trong Top 100 doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam 2015 và 2016; nhiều năm liền nằm trong Top 1.000 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam…Hiện nay, Hòa Bình có tổng số nhân viên 12.369 người; đầu tư máy móc thiết bị 8.000 tỷ đồng; đang thi công 71 công trình; có mặt tại 39 tỉnh thành với tổng tài sản gần 13.000 tỷ đồng, giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán gần 8.000 tỷ đồng. Năm 2016 HBC đạt doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50% và lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỷ đồng tăng gấp gần 7 lần so với năm 2015. Kế hoạch năm 2017, HBC dự kiến đạt mức tăng: Doanh thu 16.000 tỷ đồng tăng 50% so với năm 2016, trong đó mảng xây dựng đóng góp chủ lực là 14.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ước đạt 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với năm 2016. Tính đến tháng 9/2017 tổng giá trị trúng thầu đạt 17.000 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 10,7 ngàn tỷ đồng, LNST ước đạt 580 tỷ đồng. Những công trình tiêu biểu, nổi bật của Hoà Bình, trong đó có các siêu dự án như: Cocobay Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng mang tầm vóc châu Á, dự án Vinhome Golden, Casino Phú Quốc, Solei Ánh Dương Đà Nẵng, Sheraton Resort Đà Nẵng, Imperia Sky Garden Hà Nội, German House, Saigon Centre, Estella Hights TP. Hồ Chí Minh …
Chiến lược phát triển giai đoạn từ nay – 2024, Hoà Bình tiếp tục tiên phong thực hiện sứ mệnh của mình, mở rộng thị trường xây dựng ra nước ngoài
Phạm Loan
Trang tin Văn hóa Doanh nghiệp
Nguồn: https://vanhoadoanhnghiepvn.vn/cau-chuyen-ve-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-o-mot-don-vi/