Giấc mơ siêu dự án của 'ông trùm' xây dựng Lê Viết Hải
news
Cuộc "so găng" của hai ông lớn trên thị trường xây dựng là Hòa Bình và Coteccons được ví như Messi và Ronaldo trong bóng đá hay giữa hai đối thủ truyền kiếp là Coca và Pepsi trên thị trường nước giải khát thế giới.
Một trong hai nhân vật chính, "ông trùm" xây dựng Lê Viết Hải nói gì về "đối thủ", về thị trường xây dựng chỉ có hai "ông lớn" đấu với nhau, về khát vọng thực hiện những siêu dự án? Thanh Niên đã có buổi phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ngay sau khi ông vừa đáp chuyến bay từ Pháp về Việt Nam.
Cuộc "so găng" của hai ông lớn
* Hầu hết các công trình lớn ở TP.HCM và trên cả nước, không Hòa Bình thì Coteccons làm tổng thầu thi công. Thậm chí nhiều những con đường, cứ đan xen công trình này Hòa Bình tổng thầu thì công trình kia thuộc về Coteccons... Lẽ nào các cuộc đấu thầu hiện nay thực chất chỉ là cuộc "so găng" giữa hai ông trùm xây dựng Việt Nam?
- Thường thì chủ đầu tư đều mời nhiều công ty tham gia. Có đầy đủ công ty lớn - nhỏ; trong nước - nước ngoài nhưng đến khi xét hồ sơ thì năng lực, kinh nghiệm, biện pháp tổ chức công trình... cuối cùng chỉ còn lại Hòa Bình và Coteccons là sáng giá nhất. Cũng có khi họ chọn công ty nhỏ hơn để có giá tốt hơn nhưng thành thật mà nói thì các công trình có quy mô lớn đòi hỏi rất nhiều thứ mà công ty nhỏ khó đáp ứng được. Nên cuối cùng thì Hòa Bình và Coteccons vẫn là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư. Điều này cũng khó tránh bởi về xây dựng dân dụng, Hòa Bình và Coteccons chiếm thị phần ngang ngửa nhau và đều là những công ty lớn nhất trên thị trường hiện nay. Cuộc "so găng" theo cách nói của mọi người hình thành một cách tự nhiên thôi. Nó cũng giống như chính trường Mỹ có nhiều đảng nhưng lớn nhất vẫn là đảng Dân chủ và Cộng hòa; Coca Cola - Pepsi trên thị trường nước giải khát...
* Sân chơi chỉ có hai doanh nghiệp (DN) liệu quá ít sự cạnh tranh hay không thưa ông?
- Thị trường xây dựng vẫn còn công ty thứ 3 - 4 chứ không phải chỉ có Hòa Bình và Coteccons. Nhưng theo tôi luôn duy trì sự cạnh tranh giữa hai công ty quy mô lớn vẫn thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường thay vì có quá nhiều công ty. Như vậy, năng lực xây dựng của Việt Nam sẽ được tập trung. Nếu chia ra manh mún quá nhiều công ty thì khả năng phát triển ngành xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ bị hạn chế. Bởi doanh số của Hòa Bình và Coteccons có thể lên đến hàng tỉ USD trong thời gian tới nhưng so với thế giới vẫn chưa là gì hết. Nhiều công ty xây dựng lớn của Trung Quốc hiện có doanh thu hàng trăm tỉ USD mỗi năm; các công ty của châu Âu cũng vài chục tỉ USD. So với họ, chúng tôi còn rất nhỏ. Đã nhỏ mà còn bị phân tán nguồn lực thì càng yếu và mất năng lực cạnh tranh quốc tế.
Không chỉ ở Việt Nam, ngành xây dựng ở nhiều nước cũng tương tự. Ví dụ như Pháp có hai công ty lớn nhất là Bouygues Construction và Vinci Construction cũng vượt xa công ty thứ 3 - 4; Nhật cũng chỉ có 4 - 5 công ty lớn vượt trội so với các công ty còn lại. Tôi nghĩ ở nhiều ngành khác cũng thế. Có nhiều ngành thậm chí Chính phủ còn yêu cầu các công ty nhỏ phải sáp nhập để trở thành công ty lớn để đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc tế.
* Nhưng ở Việt Nam từng xảy ra tình trạng, sau thời gian cạnh tranh, một vài "ông lớn" lại tạo thành độc quyền nhóm, thống lĩnh và bắt tay nhau khiến người tiêu dùng thiệt hại?
- Có những lĩnh vực đòi hỏi phải có những tập đoàn lớn mạnh để có thể tập trung được nguồn lực, đảm bảo năng lực làm ra các sản phẩm phức tạp. Với ngành xây dựng, một sản phẩm có thể lên tới hàng trăm triệu USD và các công ty nhỏ không thể đủ năng lực làm. Thay vì hai công ty, nếu chia ra 10 công ty thì như tôi vừa nói, nguồn lực sẽ bị phân tán, không có công ty nào có khả năng làm những công trình quy mô, trong nước thôi chứ chưa nói đến cạnh tranh quốc tế. Nếu không tập trung nguồn lực, sẽ không có công ty đủ khả năng thực hiện dự án vài trăm triệu USD. Lúc đó, chúng ta sẽ phải nhờ đến công ty nước ngoài. Chủ đầu tư sẽ phải trả chi phí rất cao, dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ.
* Đó có phải là lý do anh đã chúc mừng đối thủ dù thua thầu dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam The Landmark 81 của Tập đoàn Vingroup?
- Đúng thế. Thua thì cũng buồn nhưng nếu Hòa Bình trúng thầu, chúng tôi chỉ chiếm 40% thôi vì chúng tôi liên doanh với nước ngoài, họ chiếm 60%. Trong dự án này, Coteccons liên danh cùng nhà thầu Obayashi (Nhật) nhưng họ giữ vai trò chủ đạo, Obayashi chỉ tư vấn về kỹ thuật nên Conteccons trúng thầu cũng là một công ty hoàn toàn Việt Nam trúng thầu. Đây là một điều đáng mừng. Nó khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam có thể đứng độc lập để nhận một công trình quy mô lớn như thế. Vì thế tôi chúc mừng họ.
* Nếu chỉ có hai "ông lớn" cạnh tranh nhau, để thắng thầu có lẽ chỉ cần tập trung nghiên cứu đối thủ thay vì dự án phải không thưa ông?
- (Cười). Chạy trên đường đua thì cũng phải nhìn đối thủ xem họ chạy tới đâu, chạy với tốc độ nào nhưng với Hòa Bình, chúng tôi xác định chủ yếu là phải nâng năng lực cạnh tranh của chính mình lên để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn. Năng lực của công ty phải tiến bộ hằng ngày. Hơn nữa, mục tiêu của Hòa Bình không phải là cạnh tranh với các công ty trong nước, kể cả Coteccons. Chúng tôi xây dựng một nền tảng, một hệ thống để hướng tới cạnh tranh quốc tế.
Tôi muốn thực hiện các dự án tỉ đô
* Cụ thể kế hoạch cạnh tranh quốc tế của Hòa Bình là gì, có liên quan gì đến chuyến đi Pháp vừa rồi không?
- Tôi vừa gặp hai đối tác cũng là hai công ty xây dựng lớn nhất của Pháp là Bouygues Construction và Vinci Construction cùng một số công ty tư vấn, một số nhà sản xuất vật liệu xây dựng của nước này. Trước đây chúng tôi làm thầu phụ cho Bouygues và mua vật liệu xây dựng của mấy công ty bên Pháp.
* Từ thầu phụ, Hòa Bình đã trở thành đối tác của công ty xây dựng lớn nhất Pháp. Sự "chuyển vai" này có ý nghĩa thế nào? Ông đánh giá thế nào về năng lực của các nhà thầu xây dựng trong nước?
- Xây dựng những công trình phức tạp như tàu điện ngầm, nhà máy điện nguyên tử hay những nhà máy công nghiệp nặng như lọc dầu... thì chúng ta có thể còn kém hơn nước ngoài nhưng về công trình nhà ở, khách sạn, resort, bệnh viện, trường học... thì năng lực của ta không hề thua kém, thậm chí kinh nghiệm của mình còn nhiều hơn nhiều công ty lớn ở nước ngoài. Nếu như trước đây, các nhà thầu trong nước chỉ làm thầu phụ ở các dự án lớn ngay tại chính sân nhà nhưng bây giờ, sân chơi này đã về tay doanh nghiệp Việt. Thậm chí Hòa Bình đã xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài.
* Xuất khẩu xây dựng, cụ thể là gì?
* Hòa Bình đã xuất khẩu xây dựng ra những nước nào thưa ông?- Xuất khẩu xây dựng của Việt Nam lâu nay chỉ là xuất khẩu vật liệu, nhân công... nó cũng giống xuất khẩu thô, chưa gia công chế biến gì nên hiệu quả không cao. Nhưng xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp thì mang lại hiệu quả cao, nó sẽ giúp sản lượng ngành xây dựng sẽ tăng lên nhiều lần. Hiện sản lượng xây dựng của Việt Nam vào khoảng 60 tỉ USD/năm trong khi ngành xây dựng trên thế giới lên đến hơn chục ngàn tỉ USD. Nếu mình chiếm 1% trong tổng giá trị sản lượng này thôi, cũng đã hơn sản lượng của cả nước rồi. Nếu chỉ cạnh tranh trong nước thì năm nay 60 tỉ USD, năm sau tăng lên 5% - 10% thì cũng chỉ đạt 65 - 70 tỉ USD không thể tăng quá nhiều vì nhu cầu phát triển chỉ thế thôi. Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước thì ngành xây dựng cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho nền kinh tế. Vì vậy, phải phát triển ra nước ngoài để tăng sản lượng ngành xây dựng và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
- Trước đây chúng tôi có làm quản lý xây dựng ở Malaysia, Myanmar. Hiện nay chúng tôi làm hai dự án ở Kuwait, sắp tới thêm Ả Rập Xê Út, chúng tôi cũng đang trở lại Myanmar với một dự án lớn.
* Ông thường thể hiện mong muốn được làm siêu dự án, xuất khẩu xây dựng có phải con đường để thực hiện giấc mơ này?
- Dự án càng lớn thì độ khó cũng tỷ lệ thuận và đòi hỏi năng lực, thử thách với nhà thầu cũng lớn hơn. Qua đó, chúng tôi sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Những dự án lớn cũng giúp công ty tạo được một "lý lịch" đẹp hơn và sẽ nhận được các công trình lớn hơn.
* Siêu dự án mà ông mong muốn được thực hiện có quy mô thế nào?
- Hiện chúng tôi mới thực hiện dự án quy mô 300 - 400.000 m2 là lớn, giá xây dựng Việt Nam cũng chỉ 100 - 200 triệu USD là nhiều. Trong khi ở thị trường quốc tế, nhiều công ty xây dựng nhận dự án lên tới vài tỉ USD. Tôi muốn thực hiện những dự án lớn như vậy. Nhưng để cạnh tranh với các công ty như thế thì phải đủ năng lực quản lý các dự án lên đến tỉ USD. Nên chúng tôi phải đi nhanh, đi vững, chuẩn hóa hệ thống...để cạnh tranh với các công ty quốc tế "lấy" những dự án quy mô lớn như vậy.
Nguyên Hằng
(Báo Thanh Niên, Ngày 11/6/2018)
Tin liên quan
Ông Lê Viết Hải: Xác định đúng...
Tại hội thảo Vực dậy bất động sản thúc đẩy phục hồi kinh tế ngày 27/04, Chủ tịch Tập...
Luật hoàn thiện, kinh tế tư nhân sẽ...
Đã có nhiều doanh nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, họ là những người...
Hòa Bình nhận giải thưởng về...
Tại Diễn đàn giao lưu quốc tế “Văn hóa doanh nghiệp – lan tỏa văn hóa dân tộc”, ông Lê...