HBC làm gì để vượt khủng hoảng của ngành xây dựng?
news
Ngành xây dựng đối mặt với khó khăn chưa từng có trong 3 năm 2018-2020 và đến 2021 thì nhận thêm cú bồi về đợt tăng giá nguyên vật liệu. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã đưa ra những giải pháp nào để vượt cuộc khủng hoảng chung của ngành?
Tái cấu trúc mạnh mẽ, giá trị trúng thầu 5 tháng đầu năm đã vượt cả năm 2020
Khủng hoảng của ngành xây dựng ở Việt Nam đã âm ỉ kéo dài từ năm 2017 cho đến 2019 do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp phép xây dựng, đến năm 2020 thì đại dịch Covid – 19 bùng phát khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành xây dựng và các nhà thầu xây dựng, trong đó có HBC.
Trước những khó khăn thách thức, nhiều giải pháp đã được Ban lãnh đạo HBC đưa ra, trong đó, nhóm giải pháp trọng tâm để đối phó với khủng hoảng chính là tái cấu trúc hệ thống quản lý, mô hình kinh doanh, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính song song với tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, thị trường…
Một trong những động thái cho việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh của HBC là việc thực hiện mua lại CTCP 479 (sau đó đổi tên thành CTCP 479 Hòa Bình) để lấn sân sang mảng hạ tầng, cầu đường. Đại diện HBC cho biết, sau khi sáp nhập, Công ty 479 Hòa Bình có mức tăng trưởng nhanh, dự kiến doanh thu năm nay tăng gấp 3 lần năm trước. Điều này một phần cũng nhờ vào chính sách đầu tư công của Nhà nước để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Công ty 479 đã trúng thầu tổng giá trị gần 400 tỷ đồng, một số dự án như: cầu Đài Xuyên 2, cầu Vân Tiên thuộc dự án đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (Quảng Ninh); gói thầu thi công hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bảo Ninh 1 ở Đồng Hới (Quảng Bình), gói thầu nâng cấp mở rộng cầu Vĩ Dạ ở Thừa Thiên Huế.
Hay đối với tái cấu trúc tài chính, HBC cho biết đang làm việc với các đối tác tài chính cho các gói tài trợ vốn sản xuất kinh doanh nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 2-3 năm sắp tới khi covid được khống chế và thị trường bất động sản phục hồi cùng với các khách hàng củaHBC triển khai dự án mới đón đầu cho làn sóng này.
Những giải pháp mà HBC đưa ra đã mang lại hiệu quả nhất định. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị trúng thầu của HBC đạt gần 10,000 tỷ đồng, cao hơn giá trị trúng thầu cả năm 2020.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 4 và tháng 5, HBC trúng thầu 6,182 tỷ đồng, chiếm 63%. Các dự án quy mô lớn và giá trị hợp đồng lớn phải kể đến như dự án Midori Park The Glory (hơn 1,371 tỷ đồng), The Opera Residence (hơn 2,680 tỷ đồng), dự án Ecopark Residence (1,864 tỷ đồng),…
HBC trúng thầu dự án Khu phức hợp Sóng Việt – The Opera Residence giá trị gần 2,700 tỷ đồng.
Đại diện HBC chia sẻ: “Trong nguy luôn có cơ, chắc chắn sau đại dịch nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi rất nhanh. Ở Mỹ sau khi Chính phủ kiểm soát tình hình dịch bệnh, nền kinh tế Mỹ đã khôi phục và đang trên đà tăng trưởng. Từ nền kinh tế lớn nhất này toàn cầu phục hồi, các lĩnh vực đầu tư, du lịch và các chuỗi dịch vụ cung ứng của thế giới sẽ phát triển, trong đó thị trường bất động sản sẽ hồi sinh, cơ hội cho ngành xây dựng thế giới và trong nước là rất lớn. HBC sẽ nắm bắt và đón đầu cơ hội này”.
Giải quyết bài toán giá nguyên vật liệu tăng mạnh
Dù một khởi đầu cho năm 2021 tốt hơn nhưng hiện nay, HBC lại tiếp tục đối mặt với nguyên vật liệu xây dựng tăng giá chóng mặt lại còn khan hiếm, kéo theo hàng loạt khó khăn trong tiến độ thi công và làm ngân sách dự toán bị vượt rất cao.
Trước diễn biến khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng mạnh, Tập đoàn cho biết đã và đang thực hiện một số giải pháp hạn chế ảnh hưởng thấp nhất tới hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, đối với hợp đồng đã ký và đang triển khai thi công, Công ty thương lượng các nhà cung cấp điều chỉnh giá để mua tích trữ phục vụ cho công tác thi công, đồng thời đàm phán chủ đầu tư xem xét trượt giá do biến động giá nguyên liệu tăng.
Đối với các dự án tham gia đấu thầu, HBC đánh giá và phân tích xu hướng biến động giá, đưa thêm các dự phòng rủi ro cho các vật tư tăng giá biến động lớn trong giá dự thầu. Đàm phán với các nhà cung cấp vật tư có biến động lớn về giá các chiến lược giữ giá trong khoảng thời gian 3 tháng cho đến 6 tháng nhằm ổn định giá trong thời gian tương ứng.
Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ đưa vào các điều khoản hợp đồng cho phép điều chỉnh giá các vật tư chính khi giá biến động lớn hơn hay nhỏ hơn 5% nhằm giảm thiểu một phần các rủi ro xảy ra.
Vươn ra biển lớn
Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong năm 2018 (doanh thu 18,300 tỷ đồng), HBC đã cùng các doanh nghiệp xây dựng tư nhân khác trong nước chiếm gần hết thị phần của doanh nghiệp xây dựng nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng dân dụng.
Vì vậy, Tập đoàn HBC cho rằng rất khó giữ đà tăng trưởng 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. Bởi vì nếu đúng như vậy thì đến năm 2028 doanh thu của Hòa Bình sẽ lớn hơn tổng sản lượng của cả ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 (16 tỷ USD). Đó là một điều không tốt cho nền kinh tế và cũng không thể xảy ra! Do vậy, việc hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu của Tập đoàn.
“Có như thế Hòa Bình mới thoát khỏi giới hạn của thị trường chật hẹp trong nước, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia”, Chủ tịch Lê Viết Hải nhắn gửi cổ đông tại Báo cáo thường niên 2020.
Song, bước đầu tiến ra thị trường nước ngoài của HBC gặp không ít thách thức. Đại diện Công ty cho biết dịch Covid – 19 đã khiến HBC bị chậm triển khai các dự án ở nước ngoài.
Ngoài ra, không chỉ đối với HBC mà các nhà thầu Việt nói chung khi ra nước ngoài, sẽ phải đối mặt với thách thức như nguồn tài chính hạn hẹp, chất lượng năng lực xây dựng chưa đồng bộ tiêu chuẩn, chưa có công nghệ kỹ thuật hiện đại do Việt Nam phát minh sáng chế, các hiệp hội ngành nghề chưa có sự liên kết hợp tác và quan trọng nhất là thiếu một chiến lược tầm quốc gia xuất khẩu dịch vụ tổng thầu để hỗ trợ cho các nhà thầu, các đơn vị dịch vụ cung ứng ra nước ngoài.
Riêng về phía HBC thì chưa xây dựng được một hệ sinh thái các đối tác ở nước ngoài và chưa có cơ hội để làm việc với họ, dù trong nước công ty đã từng hợp tác với 20 đối tác nước ngoài uy tín trong lĩnh vực thi công.
Dự án Connolly, tại Canada
Tuy nhiên, HBC có những lợi thế riêng của mình để có thể tự tin sẽ thành công ở chiến lược này. Theo đó, HBC đã vận dụng và làm chủ các công cụ quản lý dự án, quản lý điều hành công ty hiện đại như ERP, BIM và PMS – hệ hống quản lý dự án do chính HBC thiết kế tích hợp toàn diện các hệ thống quản lý trước đây, cho phép công ty quản lý hiệu quả và tối ưu cùng một lúc 60 – 70 công trình, hàng trăm hợp đồng thi công, không phân biệt địa lý vùng miền.
Kế hoạch của HBC đi ra nước ngoài là tham gia đầu tư dự án và làm tổng thầu dự án đó tại các nước. HĐQT Tập đoàn mới đây đã thông qua chủ trương thoái vốn ở các dự án đầu tư trong nước, và xem xét thoái vốn ở công ty con, để tăng khả năng chủ động nguồn vốn lưu động nhằm thực hiện đầu tư dự án nước ngoài cùng với các dự án hạ tầng, cầu đường trong nước; đồng thời xem xét các giải pháp huy động vốn cho từng dự án và cho Công ty.
Dự kiến trong năm 2022, HBC khởi công 2 dự án tại Hamilton và Niagara-on-the-Lake ở Canada.
Trong giai đoạn 2021-2026, HBC vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng như trong 3 thập kỷ qua, mỗi 5 năm tăng 5 lần. Trong đó, doanh thu trong nước đạt tỉ lệ tăng 10%/năm và doanh thu nước ngoài góp tỷ lệ 28%/năm vào tổng mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 38%.
Phương Châu
Theo Vietstock ngày 11/6/2021
Xem bài viết gốc TẠI ĐÂY
Tin liên quan
"Tôi sẽ đem hết nỗ lực cống hiến...
Doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Chủ...
Xây dựng Hòa Bình báo lãi quý 2 cao...
Điểm sáng từ kết quả kinh doanh HBC đến từ khoản hoàn nhập chi phí quản lý doanh nghiệp và...
CEO Lê Viết Hải mang “tuyên ngôn văn...
Từ một văn phòng xây dựng bé nhỏ, sau 30 năm, Hoà Bình (HBC) đã trở thành một tập đoàn xây...