Phòng chống Đại dịch Covid-19 người dân và doanh nghiệp cần chủ động theo “Công thức 7K + 3T”
news
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề xuất bổ sung 2K và 3T vào công thức 5K của Bộ Y tế phòng chống Đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 với biến chủng mới trong gần 3 tháng qua đã bùng phát quá nhanh, có thể nói là nằm ngoài mọi dự đoán. Vì vậy, theo tôi chúng ta cũng cần phải có phản ứng thật nhanh để đối phó với tình hình nguy cấp này. Chúng ta không những cần huy động tối đa nguồn lực từ phía Nhà nước mà còn cần kêu gọi sự tham gia phòng chống dịch từ phía hơn 90 triệu người dân và hàng triệu doanh nghiệp. Tất cả đều cần phải chủ động và tích cực hơn rất nhiều mới mong vượt qua được đại dịch vô cùng nguy hiểm này!
Do đó, khẩu hiệu khá thụ động Ở nhà là yêu nước” và “Thông điệp 5K” là chưa đủ.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải có ngay một công thức mới theo hướng mọi người dân với sự hỗ trợ của gia đình và doanh nghiệp đều trong tâm thế sẵn sàng ứng phó và ứng phó một cách hiệu quả nhất bất cứ lúc nào thấy mình có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc đã xác định mình đang mang bệnh. Đó là “Công thức 7K+3T”.
Trong đó 7K bao gồm : “Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế - Không khí trong lành – Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự điều trị”.
"Công thức 7K+3T” được phát triển dựa trên thông điệp 5K của Bộ Y tế và chắt lọc từ yêu cầu thực tế của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cùng những thông tin do tập thể các thành viên Hoà Bình tìm hiểu, nghiên cứu nhằm phổ biến trong nội bộ Tập đoàn và gia đình các thành viên trên tinh thần hết sức chủ động phòng chống đại dịch Covid-19
“Công thức 7K + 3T” không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh mà còn giúp cho mỗi người dân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách chủ động và có hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh cúm Covid-19.
Tôi rất mong Bộ Y tế nhanh chóng soạn thảo và công bố các hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc tự phát hiện bệnh, tự cách ly, tự điều trị. Những hướng dẫn đó cần thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh và gia đình cùng doanh nghiệp có thể thực hành 3T này một cách đúng đắn và hiệu quả nhất! Đồng thời, cần thiết lập đường dây nóng với đầy đủ đội ngũ bác sỹ, chuyên gia để kịp thời hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện 3T này.
Chúng tôi đã soạn 3T này để phổ biến trong nội bộ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất cần sự hướng dẫn chính thức với cách làm phù hợp nhất của Bộ Y tế chứ không chỉ là ý kiến của những bác sĩ và chuyên gia với rất nhiều sự khác biệt (Xem hướng dẫn đính kèm).
Mỗi người dân cần thường xuyên kiểm tra những người mình đã tiếp xúc để tự xác định mình đang ở nhóm nguy cơ nào F1, F2 hay F3 để có phương án cách ly phù hợp. Mỗi người dân cũng cần phải biết cách tự phát hiện những dấu hiệu, những triệu chứng bệnh và ngay lúc phát hiện một trong những triệu chứng bệnh thì cần phải biết cách tự làm xét nghiệm, hoặc chủ động tìm đến cơ sở y tế có dịch vụ làm xét nghiệm Covid-19. Khi thấy có nguy cơ bị lây nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh, người dân, gia đình và doanh nghiệp mà họ đang phục vụ cần phải biết phương thức tự cách ly và tự điều trị cho mình theo những hướng dẫn đáng tin cậy nhất! Sự sẵn sàng này của người dân, gia đình và doanh nghiệp là hết sức cần thiết, vì hiện nay như chúng ta đều biết tại TP HCM các bệnh viện điều trị Covid-19 kể cả các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung đều đang bị quá tải. Khi người dân và gia đình cùng doanh nghiệp làm được những điều này, chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều áp lực cho các cơ sở y tế, cho lực lượng y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống Covid-19. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng không chỉ có bệnh cúm Covid-19, mà còn nhiều bệnh hiểm nghèo khác của người dân cũng cần phải được điều trị, cứu chữa, trong khi ngay trước đại dịch Covid-19 các bệnh viện tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác hầu hết đều đã quá tải.
Công tác xét nghiệm Covid-19 theo tôi hiện đang quá tốn kém và không đem lại hiệu quả. Trong vòng 3 ngày đến 7 ngày, người có xét nghiệm âm tính được phép đi lại nhưng trong thời gian đó họ vẫn có thể phát bệnh mà không biết. Việc lây lan cho người khác có thể xảy ra cả ngay sau khi vừa có kết quả xét nghiệm âm tính. Việc cách ly F1 hiện nay cũng không còn có tác dụng tích cực để ngăn bệnh lây lan mà chính việc tập trung F1 tại một nơi không đảm bảo điều kiện cách ly làm cho số người bệnh tăng nhanh hơn và ngày càng quá khả năng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của y tế và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Những người bị cách ly đã có trường hợp phản ứng dữ dội với những người quản lý khu cách ly. Đây cũng là vấn đề Nhà nước cần đưa ra giải pháp để khắc phục ngay.
Theo tôi giải pháp hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh tối đa việc tiêm phòng và cần triển khai càng sớm càng tốt trên cả nước song song với việc triển khai hai mũi giáp công cho công tác dập dịch theo chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc họp ngày 18/7.
Công tác phòng dịch tức công tác tiêm vaccine cần được xác định là ưu tiên số một để đạt được mục tiêu kép! Ngay tại vùng dịch bùng phát mạnh như TPHCM, tôi được biết một cơ sở tiêm phòng đã dự trữ không ít vắc xin, nhưng chỉ làm việc cầm chừng với công suất khoảng 20%. Trong tình hình này đó là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực!
Chúng ta cần rút kinh nghiệm về sự chậm trễ trong việc mua vắc-xin và tiêm chủng. Chúng ta cần xác định chính xác thứ tự ưu tiên. Tiêm phòng phải là ưu tiên nhất! Nếu huy động tối đa các nguồn lực đang có trong nước, nhất định chúng ta có thể thành công trong mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số nội trong quý 1 năm 2022. Nếu không huy động mọi nguồn lực hiện có cho tiêm phòng thì mục tiêu đó rất khó thực hiện được! Một bài báo Singapore đã nói quá khi cho rằng Việt Nam cần 10 năm mới tiêm chủng Covid-19 cho 100% người dân. Tuy nhiên, đó là lời cảnh báo mà chúng ta cần tĩnh táo tiếp nhận.
Hiện nay, chắc chắn 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các cơ sở tiêm phòng nhưng không có vắc- xin Bằng ngoại giao, bằng cơ chế, chính sách và bằng những sáng kiến, những giải pháp hiệu quả nhất từ doanh nghiệp trong ngành y tế, chúng ta có thể kịp thời đưa vắc-xin về và khai thác hết năng lực của các cơ sở y tế cả công và tư. Có như thế mới mong giải quyết nhanh vấn đề tiêm chủng. Song song với việc nhập vắc xin chúng ta cũng cần bảo đảm cung cấp đủ thuốc men để trị các triệu chứng bệnh thông thường mà người dân và doanh nghiệp có thể tự mua và cho người bệnh uống theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Một hướng quan trọng khác để giải quyết cuộc chiến này là thuốc điều trị bệnh Covid-19. Ngay từ bây giờ, Chính phủ cần chủ động liên hệ với nhà sản xuất để đặt mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19. Thuốc này đã được thử nghiệm lâm sàng thành công giai đoạn 1 và 2 trên người, đang thử nghiệm giai đoạn 3 và dự kiến cuối năm nay tiến hành sản xuất đại trà.
Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, việc tiêm chủng cho trên 75% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu chiến lược cần tập trung cao độ để thực thi và để thành công trong phòng chống đại dịch chúng ta cần tạo những điều kiện tốt nhất để khai thác hết các nguồn lực từ Nhà nước cho đến người dân và doanh nghiệp.
Tôi hy vọng “Công thức 7K+3T” sẽ trở thành một giải pháp chung được sử dụng trên cả nước để giúp mọi người dân và gia đình cùng doanh nghiệp tham gia phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Hy vọng mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp đều hết sức chủ động và tích cực theo công thức phòng chống dịch mới này để chúng ta sớm đạt được miễn dịch cộng đồng với một cái giá không quá đắt. Từ đó, chúng ta có thể sống chung với dịch và nhanh chóng thiết lập cuộc sống bình thường mới.
Tin liên quan
Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trong làn...
Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật...
Chuyển giao trong thời Covid-19, thách...
Năm 2020 chứng kiến một sự kiện lịch sử của thế giới khi đại dịch Covid-19 diễn ra, gây...
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC, Chủ...
Có khá nhiều thông tin thú vị tại tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở...