Nhà thầu Việt Nam đến Texas để kiếm ‘lãi tỷ đô’
news
Theo kế hoạch dự kiến, vào quý IV, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bắt đầu xây dựng dự án tại nhiều khu vực ở Australia nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.
Một nhà thầu lâu năm của Việt Nam là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) có kế hoạch đấu thầu tại Mỹ và Úc để tăng doanh thu hàng năm lên 20 tỷ đô la và thu về khoản lợi nhuận đến 1 tỷ đô la trong vòng 10 năm.
“Để đạt được các cột mốc này thì Hoà Bình không thể không ra nước ngoài”, tờ VnExpress dẫn lời ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, nói tại phiên họp thường niên ngày 25/4, đồng thời cho biết thêm rằng hai văn phòng tại Sydney và Brisbane, Australia và ở Texas, Hoa Kỳ, của tập đoàn sẽ bắt đầu hoạt động trong quý này.
Theo kế hoạch dự kiến, vào quý IV, tập đoàn sẽ bắt đầu xây dựng dự án tại nhiều khu vực ở Australia nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.
Tại Hoa Kỳ, tập đoàn Hoà Bình cho rằng Texas là bang có tăng trưởng kinh tế đáng kể, thị trường xây dựng sôi động, và các điều kiện và chính sách thuế của bang cũng rất thuận lợi cho các công ty nước ngoài hoạt động. Đặc biệt, cảng quốc tế Houston là một điều kiện thuận lợi để vận chuyển vật liệu xây dựng.
Nhà thầu Việt Nam đặt ra mục tiêu doanh thu đến năm 2032 là 20 tỷ USD và lợi nhuận là 1 tỷ USD, tương đương 437.000 tỷ đồng và 21.800 tỷ đồng. Tập đoàn hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trên bằng cách đưa ra mức giá cạnh tranh dựa trên khả năng tiếp cận vật liệu và công nghệ chi phí thấp, cùng với số lượng lớn công nhân mà họ có thể huy động.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được thành lập vào năm 1987 và đã được hưởng lợi từ nền kinh tế đang phát triển mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái vì đại dịch Covid-19.
Theo lời ông Lê Viết Hải, tham vọng ra nước ngoài của tập đoàn Hoà Bình có từ nhiều năm trước nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Nguyên nhân một phần là do dịch bệnh nên công ty tạm ngưng rót vốn vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, dân dụng suốt hai năm qua để bảo toàn vốn. Lý do còn lại là vì công ty thiếu và yếu về một số mặt như tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, nhân lực có trình độ ngoại ngữ và chứng chỉ chuyên môn quốc tế, vẫn theo tường thuật của VnExpress.
Tại cuộc họp thường niên năm ngoái, ông Hải cho biết năm 2020 là năm khó khăn nhất trong suốt 33 năm hoạt động của tập đoàn, bao gồm cả việc giá cổ phiếu rớt đến 42%.
Theo VOA
Tin liên quan
Sao đổi ngôi ngành xây lắp: Hòa Bình...
Hòa Bình đã vượt qua Coteccons cả về doanh thu, lợi nhuận, lẫn giá trị vốn hóa trên thị...
Thị trường BĐS tăng trưởng mạnh mẽ,...
Liên tục trong 3 năm 2015 - 2017, ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng khá và nhịp độ này...
Tham vọng chữ ‘EP’ của Tập đoàn...
Với mục tiêu biến lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp trở thành 1 trong 3 mũi nhọn cốt lõi,...