Bài tham luận của Kiến trúc sư Lê Viết Hải tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ ngày 04/10/2024
news
Ngày 04/10/2024, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý tổ chức Buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam năm 2024. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Ông Lê Viết Hải đã tham gia và có bài phát biểu tại sự kiện quan trọng này, cũng như có bài tham luận gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
(Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
Kính thưa Thủ tướng và Quý vị Lãnh đạo Chính phủ,
Kính thưa toàn thể Quý Doanh nhân,
Tôi xin được trình bày một số vấn đề mà tôi luôn trăn trở và có đề xuất về giải pháp mang tính chiến lược nhằm khắc phục khó khăn hiện nay cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của công nghiệp xây dựng Việt Nam. Ở đây tôi dùng từ công nghiệp xây dựng để hàm ý một hệ sinh thái bao gồm các doanh nghiệp thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyên ngành như tư vấn thiết kế, quản lý dự án, giám sát chất lượng, hệ thống các trường đào tạo nguồn nhân lực, các viện nghiên cứu, các cơ sở thí nghiệm, đo lường chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật...
Thưa Thủ tướng và toàn thể quý vị,
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, Việt Nam cần xác định rõ những ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển, đảm bảo tính hiệu quả.
Thực tế cho thấy, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi phát triển thị trường trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất ô tô hoặc chip điện tử. Ngoài yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cao, những ngành này đòi hỏi chúng ta còn phải có lợi thế cạnh tranh về quy mô vốn, công nghệ lõi, uy tín thương hiệu và chuỗi cung ứng - cả hệ sinh thái ngành đủ mạnh, một yếu tố quan trọng mà Việt Nam còn thiếu và khó có thể bắt kịp trong ngắn hạn.
Xét về lợi thế cạnh tranh, ngành xây dựng nổi lên như một lựa chọn đầy tiềm năng và triển vọng có thể đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hiện nay ngành xây dựng đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường nội địa.
Trong 2 thập niên 2000-2009 và 2010-2019, ngành xây dựng Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ! Nhiều dự án lớn được thi công bởi các công ty xây dựng nước ngoài đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được học hỏi phương pháp quản lý tiên tiến, kỹ thuật thi công hiện đại từ các nhà thầu quốc tế. Ban đầu, các doanh nghiệp trong nước đảm nhận vai trò thầu phụ và thật nhanh chóng, trở thành thầu chính, tổng thầu và tổng thầu thiết kế thi công. Nhà thầu nội đã thay thế nhà thầu ngoại ở hầu hết các công trình qui mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao trên cả nước, trong nhiều loại công trình, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng. Nguồn nhân lực ngành xây dựng cũng phát triển rất mạnh về cả chất và lượng. Hiện đã có trên 4 triệu lao động được đào tạo, huấn luyện qua thực tế thi công tại hàng vạn công trình.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu trong ngành. Cung về nguồn lực trong ngành xây dựng đã tăng nhanh liên tục trong nhiều thập niên và nay đang vượt quá xa so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước. Để vực dậy và giúp công nghiệp xây dựng phát triển bền vững, chúng ta cần có một chiến lược đột phá giúp lấy lại cân bằng cung – cầu trong dài hạn.
Giải pháp mà tôi đưa ra chính là chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế. Không chỉ xuất khẩu vật liệu xây dựng, chúng ta còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp. Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành tổng thầu xây dựng những dự án quy mô lớn tại thị trường nước ngoài. Việc đưa dịch vụ xây dựng tổng hợp Việt Nam ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích rất to lớn mà quan trọng nhất là giải quyết tình trạng dư thừa các nguồn lực do sự mất cân đối cung cầu hiện nay.
Kính thưa Thủ tướng và toàn thể Quý vị,
Việc đưa dịch vụ xây dựng tổng hợp Việt Nam ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn:
Thứ nhất, đây là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn lực và mất cân đối cung cầu hiện nay. Khi mở rộng thị trường ra quốc tế, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, tận dụng tối đa năng lực sẵn có.
Thứ hai, xuất khẩu xây dựng sẽ giúp ngành tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Khi tham gia vào các dự án ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế cao hơn, từ đó nâng cao trình độ và năng lực của mình.
Thứ ba, xuất khẩu xây dựng sẽ mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, đóng góp tích cực vào cán cân thanh toán và tăng trưởng kinh tế. Ngành xây dựng hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia trong tương lai.
Thứ tư, việc đưa ngành xây dựng ra nước ngoài sẽ giúp quảng bá hình ảnh và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội để khẳng định năng lực và vị thế của đất nước trong lĩnh vực xây dựng và uy tín chung của thương hiệu Việt Nam nếu các nhà thầu Việt Nam đều hoàn thành xuất sắc các công trình của mình.
Thưa Thủ tướng và quý vị,
Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng và lợi thế để thực hiện thành công chiến lược xuất khẩu xây dựng. Những lợi thế cạnh tranh nổi bật của chúng ta bao gồm:
Thứ nhất là nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chi phí cạnh tranh. Với hơn 4 triệu lao động (theo số liệu của Bộ Xây dựng năm 2020), ngành xây dựng Việt Nam có lực lượng lao động lớn, chi phí thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Ví dụ, lương trung bình của công nhân xây dựng Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc và 1/5 so với Malaysia. Bên cạnh đó, thị trường lao động ngành xây dựng ở rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam thì ngược lại - cung lớn hơn cầu. Hầu hết các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hoạt động từ khoảng 50 đến 70% công suất, rất nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp. Không những vậy, đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế tại thị trường trong nước, đội ngũ công nhân được huấn luyện kỹ năng tay nghề qua thực tế tại nhiều công trình quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao. Họ cần cù và sáng tạo, thừa hưởng những phẩm chất đáng tự hào của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Đây là lợi thế rất lớn so với nhiều quốc gia khác.
Thứ hai là công nghệ và kỹ thuật xây dựng tiên tiến. Nền kinh tế và ngành xây dựng Việt Nam may mắn trải qua thời kỳ bùng nổ tái thiết đất nước sau 50 năm chìm trong chiến tranh, bao cấp và cấm vận (1945- 1995). Trong thời kỳ ngành xây dựng bùng nổ, nhiều nhà thầu hàng đầu trên thế giới đã đến Việt Nam và những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã có cơ hội tuyệt vời mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia nào khác. Đó là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam được tiếp xúc, hợp tác, học hỏi, qua đó tích hợp tinh hoa những công nghệ xây dựng, phương pháp quản lý dự án, quản lý doanh nghiệp mới nhất từ những nước đã phát triển. Nhờ vậy, hiện nay, những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp tiên tiến nhất, phong phú nhất, sở hữu máy móc trang thiết bị hiện đại nhất trong xây dựng. Điều này tôi đã nhận ra rõ ràng nhất khi có dịp đi nhiều nước ở nhiều châu lục khác nhau; đặc biệt là các nước ở Châu Phi.
Thứ ba là chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng cạnh tranh. Chúng ta tự hào về chuỗi cung ứng xây dựng đồng bộ và hiệu quả của Việt Nam.
Với nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có, nguồn lao động dồi dào, hệ thống cảng biển nằm sát các khu công nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển đều rất thấp. Đồng thời, do sinh sau đẻ muộn nên các nhà máy ở Việt Nam hầu hết đều sử dụng những công nghệ sản xuất và phương thức quản lý mới nhất nên chất lượng và hiệu suất rất cao. Những yếu tố đó đã giúp ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển như vũ bão trong khoảng 25 năm qua.
Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10% đến 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài. Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điển hình, trong ngành xi măng, từ nước nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới, với công suất sản xuất đạt khoảng 100 triệu tấn vào năm 2022, đứng thứ 3 thế giới. Các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành này bao gồm Tập đoàn Xi măng The Vissai và Xi măng Vicem. Ngành gỗ cũng không kém phần ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD mỗi năm, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 5 thế giới về chế biến và xuất khẩu, thâm nhập hơn 120 thị trường quốc tế. Về gạch ốp lát, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 thế giới và dẫn đầu ASEAN, với công suất sản xuất khoảng 700 triệu m2/năm, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Ngành thép cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với sản lượng xuất khẩu đạt 1,54 triệu tấn trong đầu năm 2024, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN, EU và Mỹ. Đáng chú ý, lĩnh vực gia công lắp đặt kết cấu thép cũng đang phát triển nhanh chóng, với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty CP Kết cấu Thép ATAD và Tập đoàn Đại Dũng. Những thành tựu này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam, với sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực.
Điều này giúp chúng ta chủ động được nguồn vật liệu chất lượng cao với giá cạnh tranh khi xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài, góp phần hình thành một hệ sinh thái ngành xây dựng hoàn chỉnh khi xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài, trong đó các mắt xích của chuỗi cung ứng đều có lợi và hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài vật liệu xây dựng, Việt Nam còn có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ trong công nghiệp xây dựng như cung cấp dịch vụ BIM, dịch vụ thiết kế và cả dịch vụ quản lý dự án cho những Nhà thầu nước ngoài ở những công trình xây dựng ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là công ty Apave và Archetype – 2 công ty chuyên đào tạo Nhà quản lý là người Việt Nam để đưa nguồn nhân lực này ra nước ngoài và quản lý dự án xây dựng.
Sự phát triển đồng bộ này không chỉ nâng cao năng lực của ngành xây dựng Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với những lợi thế đó, tôi tin rằng ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Trung Đông. Thậm chí, chúng ta còn có thể vươn tới những thị trường phát triển như Australia, Mỹ, Nga... - những nơi có nhu cầu rất lớn về nhà ở và cơ sở hạ tầng, ở đó có những điều kiện thuận lợi và khả năng mang lại hiệu quả cao.
Tại sao những Nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp được mà những doanh nghiệp Việt Nam lại không làm được? Chắc chắn, với những lợi thế cạnh tranh không một quốc gia nào có, cùng nguồn nhân lực mang truyền thống chăm chỉ, cần cù, chịu khó, cũng như với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh của người Việt Nam, Việt Nam sẽ mang cả hệ sinh thái và xuất khẩu thành công dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường xây dựng thế giới. Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam quyết tâm trở thành Nhà thầu chính, Tổng thầu cho các dự án xây dựng tại nước ngoài. Khi cả chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc xuất khẩu xây dựng tại những miền đất mới.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Chính phủ đóng vai trò định hướng chiến lược, tạo ra môi trường pháp lý và hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác thị trường quốc tế một cách hiệu quả và bền vững. Tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
1. Xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu xây dựng: Chính phủ cần xác định rõ xuất khẩu xây dựng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có các chính sách hỗ trợ toàn diện và dài hạn.
2. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường: Thành lập cơ quan chuyên trách để nghiên cứu, cung cấp thông tin về thị trường xây dựng quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng.
3. Tạo điều kiện thuận lợi trong các hiệp định thương mại: Đưa lĩnh vực xây dựng vào các đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp.
4. Cải cách thủ tục hành chính: Đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu lao động, vật liệu và thiết bị xây dựng.
5. Hỗ trợ tài chính: Có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xây dựng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường.
6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ và làm việc trong môi trường đa văn hóa.
7. Xúc tiến thương mại: Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế.
8. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực: Có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đổi mới quản trị, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
9. Tạo cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp: Khuyến khích sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để tạo sức mạnh tổng hợp khi tham gia các dự án lớn ở nước ngoài.
10. Quảng bá thương hiệu quốc gia: Xây dựng và quảng bá thương hiệu "Xây dựng Việt Nam" trên trường quốc tế, tạo niềm tin cho khách hàng nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng, tôi kiến nghị những giải pháp:
1. Tái cấu trúc toàn diện: Các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cần tiến hành tái cấu trúc toàn diện, bao gồm việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường và đổi mới mô hình kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng mới của ngành và nâng cao khả năng cạnh tranh.
2. Tham gia diễn đàn và hội chợ: Tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tạo cơ hội học hỏi, cập nhật công nghệ và nắm bắt xu hướng mới nhất của ngành.
3. Xác định thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được trong đó có những vấn đề quan trọng như điều kiện thuận lợi về văn hóa, khí hậu - thời tiết, tiêu chuẩn kỹ thuật, ... Đặc biệt chú trọng những thị trường đang thiếu nguồn cung trong lĩnh vực xây dựng.
4. Hợp tác và chia sẻ: Các doanh nghiệp nên mạnh dạn hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Thay vì cạnh tranh đơn thuần, việc nâng đỡ nhau cùng tiến bộ sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành, tối ưu hóa nguồn lực và mang lại lợi ích chung.
5. Kết nối với doanh nghiệp Việt kiều: Việc kết nối với doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài có thể mở ra cơ hội mới về thị trường, công nghệ và vốn đầu tư, đồng thời tận dụng được kinh nghiệm quốc tế của cộng đồng doanh nhân Việt kiều. Đây là một lợi thế không dễ tìm thấy ở những quốc gia khác.
6. Đầu tư nghiên cứu và phát triển: Chú trọng đầu tư vào R&D, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng AI và công nghệ xanh. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao về bảo vệ môi trường.
7. Xây dựng uy tín ngành: Mỗi doanh nghiệp cần có trách nhiệm xây dựng, gìn giữ và nâng cao uy tín chung của ngành xây dựng Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự cam kết về chất lượng, tiến độ và đạo đức kinh doanh từ mỗi thành viên trong ngành.
8. Đóng góp cho phát triển bền vững: Các doanh nghiệp cần nỗ lực đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn góp phần nâng cao vị thế của ngành xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế.
Chỉ khi áp dụng được những giải pháp trên và có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng thì nhiệm vụ chiến lược của xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường nước ngoài mới có thể thành công, tạo lợi ích cộng hưởng cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thưa Thủ tướng và quý vị,
Giải pháp xuất khẩu xây dựng sang nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi tích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng. Đó là một thị trường đầy tiềm năng, có quy mô gấp 450 lần thị trường trong nước. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng quy mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4-5 lần nhưng quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và tích lũy nguồn ngoại tệ cho quốc gia.
Tôi tin rằng với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn hiện tại, vươn ra biển lớn và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Xuất khẩu xây dựng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả quý vị đã chú ý lắng nghe những trăn trở và chia sẻ về chiến lược, giải pháp của tôi. Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối tới sự quan tâm của Thủ tướng và Chính phủ đối với ngành xây dựng. Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, cam kết sẽ nỗ lực hết mình, đoàn kết một lòng để hiện thực hóa khát vọng đưa ngành xây dựng Việt Nam vươn tầm thế giới, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Xin kính chúc Thủ tướng và toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn!
Kiến trúc sư Lê Viết Hải
Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình
Tin liên quan
Hòa Bình đồng hành cùng chương trình...
Trong vai trò nhà tài trợ chính, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đồng hành cùng chương trình...
Hợp tác nâng cao kỹ năng nghề trong...
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ cùng nhau xúc tiến các...
Hòa Bình lọt Top 50 Thương hiệu Nhà...
Đây là kết quả dựa trên khảo sát hơn 23.000 sinh viên đến từ 93 trường đại học lớn trên...