Bài phát biểu của Kiến trúc sư Lê Viết Hải tại Văn phòng Thủ tướng Chính phủ ngày 04/10/2024

news

Ngày 04/10/2024, nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý tổ chức Buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam năm 2024. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Ông Lê Viết Hải đã tham gia và có bài phát biểu tại sự kiện quan trọng này, cũng như có bài tham luận gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

(Ảnh: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Kính thưa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quý vị Lãnh đạo Chính phủ,

Kính thưa toàn thể Quý Doanh nhân,

Tôi xin được trình bày một số vấn đề mà tôi luôn trăn trở và có đề xuất về giải pháp mang tính chiến lược nhằm khắc phục khó khăn hiện nay cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của công nghiệp xây dựng Việt Nam. Ở đây tôi dùng từ công nghiệp xây dựng để hàm ý một hệ sinh thái bao gồm các doanh nghiệp thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyên ngành như tư vấn thiết kế, quản lý dự án, giám sát chất lượng, hệ thống các trường đào tạo nguồn nhân lực, các viện nghiên cứu, các cơ sở thí nghiệm, đo lường chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật...

Thưa Thủ tướng và toàn thể quý vị,

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, Việt Nam cần xác định rõ những ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung phát triển, đảm bảo tính hiệu quả.

Thực tế cho thấy, Việt Nam gặp nhiều thách thức khi phát triển thị trường trong các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất ô tô hoặc chip điện tử. Ngoài yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cao, những ngành này đòi hỏi chúng ta còn phải có lợi thế cạnh tranh về quy mô vốn, công nghệ lõi, uy tín thương hiệu và chuỗi cung ứng - cả hệ sinh thái ngành đủ mạnh, một yếu tố quan trọng mà Việt Nam còn thiếu và khó có thể bắt kịp trong ngắn hạn.

Xét về lợi thế cạnh tranh, ngành xây dựng nổi lên như một lựa chọn đầy tiềm năng và triển vọng có thể đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hiện nay, ngành xây dựng đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường nội địa.

Trong 2 thập niên 2000-2009 và 2010-2019, ngành xây dựng Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ! Nhiều dự án lớn được thi công bởi các công ty xây dựng nước ngoài đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước được học hỏi phương pháp quản lý tiên tiến, kỹ thuật thi công hiện đại từ các nhà thầu quốc tế. Ban đầu, những doanh nghiệp trong nước đảm nhận vai trò thầu phụ và thật nhanh chóng, trở thành thầu chính, tổng thầu và tổng thầu thiết kế thi công. Nhà thầu nội đã thay thế nhà thầu ngoại ở hầu hết các công trình qui mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao trên cả nước, trong nhiều loại công trình, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng. Nguồn nhân lực ngành xây dựng cũng phát triển rất mạnh về cả chất và lượng. Hiện đã có trên 4 triệu lao động được đào tạo, huấn luyện qua thực tế thi công tại hàng vạn công trình.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu trong ngành. Cung về nguồn lực trong ngành xây dựng đã tăng nhanh liên tục trong nhiều thập niên và nay đang vượt quá xa so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước. Để vực dậy và giúp công nghiệp xây dựng phát triển bền vững, chúng ta cần có một chiến lược đột phá giúp lấy lại cân bằng cung – cầu trong dài hạn.

Giải pháp mà tôi đưa ra chính là chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế. Không chỉ xuất khẩu vật liệu xây dựng, chúng ta còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp. Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành tổng thầu xây dựng những dự án qui mô lớn tại thị trường nước ngoài. Việc đưa dịch vụ xây dựng tổng hợp Việt Nam ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích rất to lớn mà quan trọng nhất là giải quyết tình trạng dư thừa các nguồn lực do sự mất cân đối cung cầu hiện nay.

Thưa Thủ tướng và quý vị,

Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về toàn bộ hệ sinh thái trong ngành để thực hiện thành công chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng. Những lợi thế cạnh tranh nổi bật của chúng ta bao gồm:

Thứ nhất: nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chi phí khá thấp.

Thứ hai: công nghệ và kỹ thuật xây dựng tiên tiến đã tích hợp tinh hoa của những nền công nghiệp cạnh tranh nhất cũng như tinh hoa của cả hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba: chuỗi cung ứng dịch vụ và vật liệu trong ngành xây dựng rất cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Từ một nước phải nhập khẩu hầu hết vật liệu xây dựng, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu vật liệu xây dựng đến trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với vị trí thứ hạng rất cao trên thế giới. Riêng về xi măng và clinker, Việt Nam đã đứng vị trí số một từ năm 2017 và về xuất khẩu sản phẩm gỗ và nội thất vào thị trường Mỹ đã là số một thế giới từ năm 2019.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng, chúng ta cần có định hướng chiến lược và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ về nhiều mặt. Tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

1. Xác định công nghiệp xây dựng là một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu.

2. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiếp cận thông tin thị trường nước ngoài.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp xây dựng trong các hiệp định thương mại.

4. Cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng và xuất khẩu công nghiệp xây dựng.

5. Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu công nghiệp xây dựng.

6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xây dựng theo chuẩn mực quốc tế.

7. Chú trọng ngành xây dựng trong các hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.

8. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nâng cao năng lực toàn diện.

9. Tạo cơ chế và khuyến khích liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành.

10. Chú trọng công nghiệp xây dựng trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia.

Thị trường xây dựng toàn cầu hiện nay có quy mô gấp 450 lần thị trường trong nước. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng quy mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4,5 lần nhưng quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp xây dựng và tích lũy nguồn ngoại tệ khổng lồ cho quốc gia.

Tôi tin rằng dù có hơi muộn nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam, chúng ta có thể vượt qua khó khăn hiện tại, vươn ra biển lớn và đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Kính chúc Thủ tướng và toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Trân trọng cảm ơn!

Kiến trúc sư Lê Viết Hải

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA)

Chủ tịch Danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

Tin liên quan