Tham vọng chữ ‘EP’ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
news
Với mục tiêu biến lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp trở thành 1 trong 3 mũi nhọn cốt lõi, hiển nhiên tham vọng của Hòa Bình không đơn giản chỉ dừng lại ở việc thi công, xây dựng lắp đặt công trình nhà máy KCN thuần túy.
Mũi chiến lược quan trọng của Hòa Bình
Xưa nay, mỗi khi nhắc tới Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, người ta thường liên tưởng tới một nhà thầu thi công xây dựng dân dụng hàng đầu Việt Nam đáp ứng chuẩn mực quốc tế và thắng thầu nhiều dự án của các tập đoàn bất động sản lớn như VinGroup, Novaland, Keppel Land, Sun Group,… Cũng vì thế, giới đầu tư phần nào bất ngờ khi Hòa Bình đã đề ra chiến lược kinh doanh năm 2020 với 3 mũi nhọn: Khu công nghiệp (KCN), hạ tầng giao thông và đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý khi Hòa Bình đặt mục tiêu mảng xây dựng KCN cùng với xây dựng dân dụng sẽ đóng góp 60-65% trong cơ cấu lợi nhuận năm 2020.
So với mảng xây dựng dân dụng (cao tầng) vốn được tạo dựng bằng uy tín từ suốt nhiều năm, thì lĩnh vực xây dựng KCN của Hòa Bình dường như mới mẻ và mờ nhạt. Có chăng, giới đầu tư thường sẽ nhắc đến việc Hòa Bình từng thi công dự án nổi danh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (Dung Quất, Quảng Ngãi).
Thực tế, Hòa Bình đã tham gia vào lĩnh vực xây dựng KCN từ năm 1997 đến nay, khởi đầu với dự án Cảng cá Vũng Tàu. Trao đổi với Tạp chí Nhà Đầu tư, ông Hồ Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công nghiệp Hòa Bình cho biết, trước đây khi chưa có Khối công nghiệp riêng, mảng xây dựng KCN được tích hợp và đi liền cùng lĩnh vực xây dựng dân dụng. Từ giai đoạn 2017 đến nay, Hòa Bình đã thực hiện nhiều dự án KCN như: Nhà máy Nitori Bà Rịa – Vũng Tàu (Doanh thu 200 tỷ đồng), nhà máy gang thép Hòa Phát Dung Quất (DT 1.800 tỷ), nhà máy sản xuất bán gạo Want – Want (DT 500 tỷ đồng); còn trước đó là một số dự án quy mô, như: Nhà máy sản xuất may mặc Esquel ở tỉnh Hòa Bình (DT 180 tỷ đồng), nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh (DT 1.500 tỷ đồng),….
Do đó, việc thành lập Khối công nghiệp (Nghị quyết HĐQT số 19/2020/NQ-HĐQT.HBC ngày 9/7/2020) và bổ nhiệm Phó giám đốc khối công nghiệp (ông Hồ Ngọc Phương) là những bước đi cho thấy Hòa Bình định hướng phát triển mảng xây dựng KCN một cách chiến lược và bài bản.
Tham vọng chữ E và P của Hòa Bình
“Triển vọng lĩnh vực khu công nghiệp tại Việt Nam được giới chuyên gia nhận định khả quan nhờ vào nhiều yếu tố, như: Đại dịch COVID-19 thúc đẩy động lực dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc, chiến tranh thương mại trở thành mối lo của các nhà sản xuất tại Trung Quốc, hay Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam,… Tất cả những điều này là động lực thúc đẩy Hòa Bình quyết định lựa chọn phát triển mảng xây dựng KCN một cách chiến lược và bài bản”, ông Hồ Phương chia sẻ.
Giới đầu tư đánh giá cao nước đi phát triển mảng xây dựng KCN của Hòa Bình. Bởi, lĩnh vực này vừa theo kịp xu thế đất nước đón luồng vốn FDI, vừa tận dụng được những thế mạnh nội tại của Tập đoàn.
Một ưu thế đáng chú ý của xây dựng KCN là yếu tố dòng tiền. Với mảng dân dụng, cần phải bán được nhà mới có thể thanh toán cho nhà thầu, do đó sẽ khó tránh được việc phát sinh công nợ do các vấn đề từ phía chủ đầu tư. “Mảng xây dựng KCN của tập đoàn thời điểm hiện tại có thể không tạo doanh thu tăng trưởng đột biến (so với mảng xây dựng dân dụng), nhưng dòng tiền sẽ ổn định và đều. Các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp đã có sẵn nguồn vốn, nguồn tài chính, cái họ cần là nhà thầu thi công xong càng sớm càng tốt để bắt tay vào sản xuất”, ông Hồ Phương nói.
Dù vậy, đưa mảng xây dựng KCN trở thành một mũi chiến lược quan trọng đồng nghĩa tham vọng của Hòa Bình sẽ không dừng lại ở xây dựng nhà máy KCN đơn thuần.
Hợp đồng EPC (tiếng Anh: Engineering, Procurement and Construction) là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ (E) thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; (P) cung ứng vật tư, thiết bị; và (C) thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
Hiện tại, những gì Hòa Bình thực hiện mới dừng ở thi công xây dựng hạng mục công trình (bê tông, cốt thép,..). “Chữ C” này chiếm một phần nhỏ chừng 1/8 – 1/6 tổng mức đầu tư một dự án. Nếu chỉ dừng lại ở đây, khối lượng công việc thi công không nhiều, và rõ ràng doanh thu, lợi nhuận công ty khó có sự tăng trưởng đột biến.
“Trong 1-3 năm tới, một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi là nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ, xây dựng nguồn lực cơ sở hạ tầng để đi đến tương lai tập trung vào mảng công nghiệp nặng, đủ năng lực thực hiện chữ ‘E’, ‘P’, và đi vào thay thế các nhà thầu ngoại quốc ở thị trường công nghiệp nặng. Riêng thị phần đó, giá trị sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Đây mới là những nhân tố tạo ra đóng góp lợi nhuận lớn hơn nữa cho tập đoàn”, ông Phương chia sẻ.
Trong tương lai, Hòa Bình sẽ tham gia siêu dự án nhà máy ở Thừa Thiên Huế. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 6 tỷ USD, dự kiến sẽ khởi công xây dựng quý I/2021.
Hòa Bình đã làm việc một thời gian dài với chủ đầu tư dự án nhà máy này. “Tham gia dự án với vai trò thầu phụ, chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội lớn cho tập đoàn. Bởi ngoài câu chuyện doanh thu và lợi nhuận, đó còn là kinh nghiệm chúng tôi có thể học hỏi và tích lũy”, ông Phương nhận định.
Dù vậy, để cụ thể hóa những tham vọng của mình, Hòa Bình sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Mà ở đó, một trong các vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất là nguồn lực tài chính của Hòa Bình.
Việc nới lỏng tín dụng, chấp nhận thu hồi công nợ chậm hơn, giãn tiến độ thu nợ, của Hòa Bình từng được đánh giá cao. Đây là một nét hấp dẫn của Hòa Bình, cho thấy chính sách sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng chủ đầu tư. Mặt khác, nó cũng tạo ra sự tăng trưởng nhanh về mặt doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian dài.
Đi kèm với đó, công nợ khách hàng cũng tăng trưởng tương ứng và ít nhiều gây khó khăn cho dòng tiền hoạt động, yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Do vậy, để cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng KCN, Hòa Bình sẽ dùng nguồn vốn vay, phát hành cổ phần hay sẽ tiếp tục nới lỏng tín dụng?
Ông Hồ Phương nhận định, với hạn mức cho vay tín dụng lên đến 13.000 tỷ, Hòa Bình rõ ràng vẫn còn nhiều nguồn lực để thực hiện tham vọng, cũng như đảm bảo dòng tiền lưu chuyển trong quá trình hoạt động.
Mặt khác, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Hòa Bình đã thông qua phương án phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, thời hạn 5 năm. Trước đó, Hòa Bình đã có thỏa thuận hợp tác cùng các quỹ Hàn, dự phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1.200 tỷ đồng).
“Ngoài tiền, vốn huy động, nguồn lực quan trọng nhất của chúng tôi là hệ thống, quy trình được tích lũy qua nhiều năm hoạt động. Hòa Bình có tiềm lực về máy móc, các hệ thống, quy trình chặt chẽ, con người của Hòa Bình cũng được đào tạo bài bản về thi công xây dựng, cũng như tư duy tối ưu hóa biện pháp thiết kế thi công”, ông Phương nói.
Với định hướng chiến lược hợp lý và rõ ràng, Hòa Bình nắm trong tay nhiều lợi thế để trở thành một “case-study” thú vị, một khi hiện thực hóa được các dự án hiện tại. Chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu tư, Giám đốc một công ty chứng khoán nhìn nhận, “Trong 2 năm tới, khi pháp lý các dự án bất động sản được tháo gỡ, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát,…, HBC sẽ là một cổ phiếu thú vị trên thị trường”.
Theo Nhà Đầu tư
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Đại diện duy nhất Việt Nam vào chung...
Ngày 05/10/2020, Tin từ cuộc thi AEC Awards 2020, kỹ sư xây dựng Đỗ Hải Nhân – Phụ trách quản...
Chủ tịch tập đoàn xây dựng Hòa Bình...
"Công nghiệp xây dựng nhất định sẽ đóng góp phần xứng đáng giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu...
Kiến nghị gỡ khó cho các doanh nghiệp...
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành...