Ông Lê Viết Hiếu: Chủ tịch Lê Viết Hải từ nhiệm là bước chuyển giao thế hệ, không hề có ý định thoái vốn hay đi khỏi Công ty

news

Chia sẻ về những thông tin tiêu cực liên quan đến HBC, ông Hiếu cho biết HBC vẫn hoạt động và đang nỗ lực bảo toàn dòng tiền. Theo ông, cần phải nhìn nhận được, doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng đang rất khó khăn. Khó khăn lần này thậm chí còn hơn cả khó khăn hồi hai năm Covid-19 vừa qua.

Ông Lê Viết Hiếu: Chủ tịch Lê Viết Hải từ nhiệm là bước chuyển giao thế hệ, không hề có ý định thoái vốn hay đi khỏi Công ty

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) vừa thông qua Nghị quyết về việc chấp thuận đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023. Song song, HĐQT cũng chấp thuận việc ông Hải xin rút khỏi HĐQT, Công ty sẽ trình ý kiến tại Đại hội đồng Cổ đông gần nhất để xem xét.

Chiều ngược lại, HBC thống nhất bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, hiện là Thành viên HĐQT độc lập và Thành viên Uỷ ban Kiểm toán làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.

HBC đồng thời xem xét bổ nhiệm lại các chức danh trong Ban điều hành, cũng như chấp thuận đề xuất của ông Hải về việc thành lập Hội đồng sáng lập.

Trước đó, ngày 23/7/2022, HBC đã có nghị quyết thông qua việc ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Nghị quyết cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực kể từ ngày 23/7/2022. Hiện, vị trí CEO của HBC vẫn còn trống.

Chúng tôi đã liên hệ phía HBC, cụ thể là ông Lê Viết Hiếu, về các quyết định của HĐQT thời gian gần đây.

Vài tháng trở lại đây, Hòa Bình có nhiều biến động. Ông chuyển từ vị trí CEO xuống Phó TGĐ, công ty lập một Tổ công tác đặc biệt và hôm qua, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải từ nhiệm. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những quyết định này?

Bắt đầu là vào tháng 7/2022, tôi từ vị trí CEO điều chuyển xuống làm Phó Tổng Giám đốc thường trực là nhằm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, tại Khoản 3 Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty”.

Liên quan đến việc Lập Tổ công tác đặc biệt, đây là phương án nhằm đối phó với khủng hoảng sắp tới. Hiện, thị trường có rất nhiều diễn biến khó lường, không chỉ khó khăn chung của thế giới mà thị trường trong nước cũng rất thách thức. Đơn cử, việc giới hạn tín dụng, lãi suất tăng làm cho giao dịch bất động sản giảm mạnh, các chủ đầu tư cũng khó khăn dẫn đến các công ty xây dựng bị hệ luỵ. Do đó, HBC quyết định lập Tổ công tác để ra biện pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế sắp tới. 

Tổ công tác đặc biệt có trách nhiệm và quyền hạn như thế nào?

Tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung vào hai vấn đề nóng nhất của Công ty hiện nay để ra phương án.

Thứ nhất là dòng tiền: Vấn đề ưu tiên của HBC là phải làm sao vượt qua được khó khăn sắp tới. Trong đó, để đảm bảo dòng tiền, HBC sẽ thúc đẩy việc thoái vốn tại các công ty bất động sản cũng như các công ty con chưa hiệu quả, tái cấu trúc theo hướng tiết giảm tối đa chi phí…

Bức tranh hiện nay vô cùng khó khăn, không riêng HBC mà tất cả các doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt sẽ do Thành viên HĐQT bổ nhiệm ứng viên, trong đó thành viên bao gồm nhân sự ở các bộ phận chủ chốt như Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, Kiểm toán nội bộ, thủ quỹ….

Thứ hai là hỗ trợ hoạch định lại chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế mà dự báo sẽ kéo dài khoảng hai năm sắp tới.

Lý do Chủ tịch Lê Viết Hải từ nhiệm là gì, thưa ông?

Đây là bước đi cho kế hoạch chuyển giao thế hệ của HBC. Như đã nói, nếu Chủ tịch và Tổng Giám đốc có huyết thống sẽ vi phạm luật hiện hành, nên ông Hải từ nhiệm và sau đó tôi sẽ được đề cử trở lại ghế Tổng Giám đốc HBC.

HBC cũng lập Hội đồng sáng lập, ông Hải sẽ là Chủ tịch vĩnh viễn, tức không có nhiệm kỳ với Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Cũng nói thêm về việc tôi trở lại vị trí Tổng Giám đốc. Tôi nhận chức vào tháng 11/2020 với nhiệm kỳ 2 năm, đến nay là 2 năm và 2 năm qua cũng là thời gian thử việc. Hiện, sau khi cân nhắc đánh giá, Hội đồng Quản trị đã đồng ý đề cử chính thức cho tôi vào vị trí Tổng Giám đốc HBC cho nhiệm kỳ 5 năm.

Ông có nói về việc ông Hải sẽ làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập, vậy quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng sáng lập là như thế nào?

Cần phải nói tại Việt Nam, việc một doanh nghiệp có Hội đồng sáng lập không hề mới. Với HBC, Hội đồng sáng lập sẽ tham gia vào những cái quyết định quan trọng của Tập đoàn như định hướng kinh doanh. Cụ thể hơn, với các phương án M&A, ký kết hợp đồng đầu tư trị giá 100 tỷ trở lại, cho vay công ty con/công ty liên kết giá trị 20 tỷ trở lên, những chính sách 5-10 năm sẽ phải thông qua ý kiến của Hội đồng sáng lập.

Hội đồng sáng lập dưới sự dẫn dắt của ông Hải cũng đảm nhận chức năng duy trì văn hoá của HBC. Theo kế hoạch, Hội đồng sáng lập của HBC sẽ có số lượng từ 5 thành viên trở lên (không bị giới hạn), trong đó Hội đồng Quản trị sẽ bầu và 2/3 thành viên HĐQT đồng ý mới thông qua.

Tân Chủ tịch là ông Nguyễn Công Phú sẽ có quyền hạn và trách nhiệm, vai trò gì?

Ông Phú hiện đang là Thành viên HĐQT độc lập của HBC. Ông cũng từng làm lãnh đạo cho một công ty của Pháp thời gian dài, có sẵn quan hệ nước ngoài và sẽ là người hỗ trợ tôi trong thời gian tới. Như vậy, có thể nói tôi sẽ có 2 “mentor” là ông Hải và ông Phú. Trong đó, ông Hải có kinh nghiệm về thị trường xây dựng còn ông Phú có kinh nghiệm về tư vấn chiến lược. Với sự hậu thuẫn này, tôi tự tin hơn với vai trò sắp tới.

Còn vai trò và quyền hạn của ông Hải lúc này như thế nào?

Quyền hạn Chủ tịch HĐQT (hiện là ông Phú) thì không thay đổi, và vai trò của ông Hải trên vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập đồng thời cùng tham gia sát vào công việc quản lý, giám sát, hỗ trợ Ban Tổng Giám đốc của Tập đoàn.

Quyền hạn của Hội đồng sáng lập thì có quyền yêu cầu mời họp, có quyền can thiệp nếu như thấy cần thiết.

Ông Hải từ Chủ tịch HĐQT chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập có thể với nhiều quan điểm là không tốt, nhưng với HBC đây là bước đệm cần thiết cho thời gian tới.

Trong bối cảnh rất nhạy cảm hiện tại, với việc Chủ tịch Hải từ nhiệm, HBC có lo ngại sẽ có phản ứng không tốt, ảnh hưởng đến Công ty không?

Ở Công ty khác, có thể nhìn đây là vấn đề tiêu cực, nhưng ở HBC thì là bước đệm chứng tỏ HBC đang chuyển mình, chuẩn bị cho hành trình sắp tới.

Tôi khẳng định Chủ tịch Hải không có ý định liên quan đến thoái vốn hay đi khỏi Công ty. Ông Hải và tôi vẫn tiếp tục gắn bó với HBC trong thời gian sắp tới. Việc chuyển đổi sang Chủ tịch Hội đồng sáng lập theo tôi, ông Hải sẽ có nhiều thời gian để tham gia vào công tác điều hành của các tổ chức ngành nghề xã hội mà ông đang đảm trách, như: Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Tp.HCM - SACA), Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam – VACC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam - VNABC,… và đóng góp tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng Việt Nam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Nhận chức CEO trong bối cảnh rất khó khăn, ông đã có định hướng gì cho bản thân và cho HBC chưa?

Nhìn chung thì chiến lược của HBC không thay đổi. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay thì ngắn hạn, ưu tiên của Công ty đến năm 2023 là củng cố dòng tiền và không để mất thanh khoản.

Trong đó, HBC sẽ phải tìm kiếm khách hàng có tài chính tốt; mở rộng sang mảng xây dựng nhà xưởng, nhà kho, nhà ở xã hội, hạ tầng (cao tốc, cầu, sân bay…) bên cạnh nhà ở thương mại. Thông tin tích cực đã chia sẻ là HBC nằm trong liên danh đấu thầu sân bay Long Thành, cùng với Coteccons (CTD) và Vinaconex.

Chúng tôi cũng đang tập trung vào mảng nhà ở xã hội, phân khúc đang được chủ đầu tư quan tâm và có nhu cầu thật rất lớn. Với mảng nhà ở xã hội, HBC đánh giá dù lợi nhuận không cao nhưng dòng tiền ổn định cho nhà thầu. Hiện, HBC đã ký kết tham gia dự án hơn 4.000 căn nhà ở xã hội tại Hải Phòng (tổng vốn đầu tư đâu đó 4.000 tỷ đồng).

Mặt khác, HBC định hướng đẩy nhanh thoái vốn khỏi dự án bất động sản để củng cố dòng tiền trong thời gian tới. Với dự án dở dang sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện và bàn giao, những dự án khác sẽ tìm đối tác chuyển nhượng thu hồi vốn.

HBC lúc này chỉ tập trung vào mảng cốt lõi là xây dựng, chúng tôi sẽ nhìn vào bức tranh nội tại và cắt giảm các chi phí không cần thiết, tối ưu các phòng ban… ví von là “cắt giảm mỡ thừa”. Bên cạnh bất động sản, những công ty con hoạt động không hiệu quả cũng sẽ thoái vốn và tái cấu trúc. Nhìn chung, HBC muốn tồn tại qua thời kỳ khủng hoảng dự kiến kéo dài tối thiểu 1-2 năm sắp tới, cần phải duy trì được dòng tiền.

Vậy còn kế hoạch ra nước ngoài sẽ ra sao?

Kế hoạch ra nước ngoài khả năng sẽ chậm lại. HBC vẫn đang triển khai công tác chuẩn bị để lên chiến lược, tạo sẵn mối quan hệ, đối tác… Tuy nhiên, việc đưa người qua để khảo sát, thực thi thì thời điểm hiện tại HBC đánh giá lại là chưa phù hợp. Trước bối cảnh chi phí huy động vốn cao, những thị trường HBC đang nhắm đến chưa thực sự thuận lợi.

2022 là năm HBC đặt kế hoạch lớn cho tiền đề tương lai, tuy nhiên 9 tháng con số % thực hiện còn khá thấp. Liệu HBC có hoàn thành mục tiêu không?

9 tháng đầu năm HBC đã rất cố gắng với doanh thu thuần đạt 7.536 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng. Sang quý 4 phải nhìn nhận là quý đặc biệt khó khăn, tôi nói như vậy không phải để biện minh, mà mọi người nhìn thấy.

Không chỉ nguồn công việc giảm do thị trường chững lại, Công ty còn khó khăn trong việc thu hồi khoản phải thu vì khách hàng cũng đang gặp khó. Mới đây, Chính phủ và Hiệp hội bất động sản đã có chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt vào phía Nam để xử lý các vấn đề hiện nay về thị trường, nhưng ít nhất phải đến quý 2/2023 mới có phương án cụ thể. Nhìn chung, việc HBC đạt được kế hoạch năm nay là một thử thách.

Vậy còn nguồn thu từ thoái vốn bất động sản , hiện có khó khăn gì không?

Đúng là đang khó khăn do thị trường chung như vậy thì chủ đầu tư sẽ dè dặt trong việc đầu tư dự án mới. Và mức giá chúng ta bán được cũng phải phù hợp với bức tranh hiện tại. Tuy nhiên, chủ đầu tư nước ngoài thì đang đi săn lùng. HBC đang làm việc với một vài đối tác nước ngoài để bán dự án. Còn một khó khăn khác liên quan đến pháp lý, nếu HBC xong sớm được thì bán lại sẽ dễ dàng hơn. HBC hiện đang hoàn thiện các pháp lý để bán lại cho chủ đầu tư mới.

Trong trường hợp cần thiết, để cân đối dòng tiền hiện tại hoặc huy động nguồn lực cho kế hoạch ra nước ngoài sau này, HBC có nghĩ đến việc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược không?

HBC có tiếp cận một vài quỹ đầu tư lớn, và đúng là có tính tới phương án phát hành. Đầu năm, HBC đã phát hành thành công 5 triệu cổ phiếu cho đối tác Nhật (với giá 32.500 đồng/cp) và đã thu tiền. Hiện, “room” ngoại tại HBC vẫn còn. Nhìn chung, phương án trước mắt HBC sẽ tập trung tái cấu trúc, cắt giảm chi phí, thu hồi công nợ cũng như thoái vốn để thu hồi tiền.

Cũng chia sẻ về những thông tin tiêu cực liên quan đến HBC, ông Hiếu cho biết HBC vẫn hoạt động và đang nỗ lực bảo toàn dòng tiền. Theo ông, cần phải nhìn nhận được, doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng đang rất khó khăn. Khó khăn lần này thậm chí còn hơn cả khó khăn hồi hai năm Covid-19 vừa qua.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Tri Túc

Theo Cafef

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại ĐÂY

 

Tin liên quan