Bài phát biểu của Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch SACA kiêm Chủ tịch HĐQT Hòa Bình tại Diễn đàn Australia - Việt Nam 2024

news

Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi xin nói về đề tài "Chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam", cụ thể bao gồm: Tính cạnh tranh của Vật liệu Xây dựng, Tính cạnh tranh của Dịch vụ Xây dựng tổng hợp, Kiến nghị về những nhiệm vụ chiến lược. Tính cạnh tranh ở đây tôi muốn nói về cạnh tranh ở thị trường quốc tế nói chung và cạnh tranh ở thị trường Australia nói riêng.

Kính thưa Quý Ông, Quý Bà

Cùng toàn thể quý vị đại biểu đang tham dự tại sự kiện quan trọng ngày hôm nay. Lời đầu tiên, thay mặt cho Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. HCM (SACA) và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành về sự tham dự của toàn thể quý vị tại sự kiện hôm nay.

Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật Liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội nghị ngày hôm nay, tôi xin nói về đề tài "Chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng Việt Nam", cụ thể bao gồm: Tính cạnh tranh của Vật liệu Xây dựng, Tính cạnh tranh của Dịch vụ Xây dựng tổng hợp, Kiến nghị về những nhiệm vụ chiến lược. Tính cạnh tranh ở đây tôi muốn nói về cạnh tranh ở thị trường quốc tế nói chung và cạnh tranh ở thị trường Australia nói riêng.

Thưa Quý vị,

Có thể khẳng định: vật liệu xây dựng Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao trên thị trường toàn cầu và sẽ ngày càng cạnh tranh hơn.

Với nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có, nguồn lao động dồi dào, hệ thống cảng biển nằm sát các khu công nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng bởi chi phí sản xuất và vận chuyển đều rất thấp. Đồng thời, do sinh sau đẻ muộn nên các nhà máy ở Việt Nam hầu hết đều sử dụng những công nghệ sản xuất và phương thức quản lý mới nhất nên chất lượng và hiệu suất rất cao. Những yếu tố đó đã giúp ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển như vũ bão trong khoảng 25 năm qua.

Từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, đến nay Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và dư ra khoảng 10% đến 30% công suất phục vụ cho xuất khẩu. Có nhiều nhà máy phục vụ lên đến 90% cho thị trường nước ngoài.

Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã xuất khẩu được trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Điển hình về sự phát triển năng lực sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam có thể kể tới là xuất khẩu xi măng. Việt Nam từ nước phải nhập xi măng và clinker trở thành nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng xi măng của Việt Nam vào năm 2022 đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới và đặc biệt, đứng hạng nhất về xuất khẩu xi măng. Những doanh nghiệp lớn về sản xuất xi măng tại Việt Nam có thể kể tới Tập đoàn Xi măng The Vissai, Xi măng Vicem…

Đáng chú ý, Australia đang là thị trường tích cực đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này khi chi hơn 23,4 triệu USD để nhập khẩu 470.000 tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tăng 135% về lượng và tăng 120% về giá trị trong năm 2023 vừa qua. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tuy nhu cầu sử dụng xi măng tại Australia tăng cao nhưng do giá thành sản xuất cao nên hàng năm Australia vẫn nhập khẩu một lượng lớn xi măng từ Việt Nam.

Với ngành gỗ, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, là quốc gia thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ và đứng thứ hạng cao nhất xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác (như dăm mảnh, viên nén). Thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản...

Hiện tại, ngành gạch ốp lát tại Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 4 trong top 10 nước sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới và đứng đầu ASEAN. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Việt Nam đang có khoảng hơn 80 doanh nghiệp sản xuất gạch men ốp lát với công suất khoảng 700 triệu m2/năm. Về tạo hình sản phẩm gạch ốp lát, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ cán ép liên tục (công nghệ Continua+) để tạo ra các sản phẩm tấm phẳng kích thước lớn trên 5m2/tấm; sử dụng công nghệ in men màu kỹ thuật số cho sản phẩm với chất lượng và thẩm mỹ.

Ngành thép cũng ghi nhận nhiều sự phát triển đột phá trong thời gian gần đây. Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 2 của Việt Nam đạt 1,54 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ 2023, lượng sắt thép xuất khẩu tăng 65%, trong khi kim ngạch tăng 66,2%.

Được biết, ASEAN là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% thị phần xuất khẩu. Kế tiếp đó là EU và Mỹ lần lượt đứng thứ 2 và 3, chiếm 28% và 9%. Đáng chú ý, trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắt thép tăng trưởng ấn tượng tới 3 con số từ một số thị trường như: Italy, Hoa Kỳ và Malaysia. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2024, xuất khẩu sang Italy đạt 203 nghìn tấn, tăng 114% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 139 nghìn tấn, tăng 419%; Malaysia đạt 120 nghìn tấn, tăng 625%.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, lĩnh vực gia công lắp đặt kết cấu thép tại Việt Nam cũng có những bước tiến lớn. Những doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhà máy lớn với công nghệ dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị hiện đại, có thể cung cấp giải pháp trọn gói gồm thiết kế, sản xuất và lắp dựng sản phẩm kết cấu thép chất lượng cao như hạ tầng giao thông, nhà thép tiền chế, kết cấu thép công nghiệp nặng, bồn bể, kết cấu thép sân bay, dầu khí, năng lượng, hóa chất… như Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tập đoàn Đại Dũng…

Với quy mô thị trường vật liệu xây dựng ngày càng mở rộng tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong những năm gần đây, ngành Vật liệu Xây dựng Việt Nam đã chú trọng đầu tư công nghệ tiến tiến, thiết bị hiện đại tiệm cận các nước lớn trên thế giới, từ đó cải tiến chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam ngày càng đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, chất lượng được nâng cao rõ rệt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vật liệt xây dựng Việt Nam so với những doanh nghiệp ngoại khác. Điển hình là gạch xi măng Secoin, gạch thạch anh Á Mỹ.

Các dây chuyền sản xuất chế biến đá ốp lát được đầu tư đồng bộ, hiện đại để có thể cưa các tấm đá kích cỡ lớn, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm, có thêm hệ thống tự động mài và đánh bóng.

Dự báo trong thời gian tới, vật liệu xanh sẽ lên ngôi và thu hút các nhà đầu tư có xu hướng phát triển công trình xanh. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Trong sản xuất xi măng, nhờ cải tiến công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại mà có thể pha được phụ gia, chất độn với tỉ lệ cao. Trước đây, quá trình nghiền ra xi măng thông thường chỉ pha được 20%, bây giờ đã có thể pha được 35 -40%, thậm chí lên tới 45%. Tỉ lệ đá vôi, xác núi giảm đi rất nhiều, giảm lượng tài nguyên khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các nhà máy xi măng tại Việt Nam đã lắp đặt hệ thống khí thải nhiệt dư, có thể hồi lưu tận dụng nhiệt từ khí thải để phát điện, phục vụ nhu cầu của chính nhà máy, giảm tiêu thụ điện, giảm phát thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất vật liệu xây không nung cũng có những bước đột phá vì Việt Nam đã có chính sách hạn chế gạch nung và phát triển vật liệu xây không nung.“Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tạiViệt Nam đến năm 2030” đã được phê duyệt nhằm mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu…như xi măng Xuân Thành, Xi măng Thăng Long.

Nhiều nhà sản xuất vật liệu xây dựng đã nghiên cứu vật liệu mới nhằm tăng độ cứng, độ mài mòn, cách nhiệt ... và các tính chất cơ lý của vật liệu như sử dụng vật liệu graphene tăng độ cứng bề mặt sơn lên nhiều lần, như Sơn Hoa Việt, Sơn Hitech, dùng các công nghệ sinh học để sản xuất gạch nâng cao chất lượng môi trường sống . Như nghiên cứu sản xuất gạch chống sự bám dính của vi khuẩn, thậm chí có khả năng diệt khuẩn trong môi trường, chống mọc rêu như gạch Á Mỹ ...

Thưa Quý vị,

Không chỉ có xuất khẩu vật liệu xây dựng, tôi tin rằng doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn có thể xuất khẩu cả dịch vụ xây dựng tổng hợp ra nước ngoài. Tức: doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành Tổng thầu xây dựng những dự án bất động sản tại Australia nói riêng và thế giới nói chung bởi những lý do sau đây:

1. Nền kinh tế và ngành xây dựng Việt Nam may mắn trải qua thời kỳ bùng nổ tái thiết đất nước sau 50 năm chìm trong chiến tranh, bao cấp và cấm vận (1945-1995). Trong thời kỳ ngành xây dựng bùng nổ nhiều nhà thầu hàng đầu trên thế giới đã đến Việt Nam và những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã có cơ hội tuyệt vời mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia nào khác. Đó là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam được tiếp xúc, hợp tác, học hỏi, qua đó tích hợp tinh hoa những công nghệ xây dựng, phương pháp quản lý dự án, quản lý doanh nghiệp mới nhất từ những nước đã phát triển. Nhờ vậy, hiện nay, những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang sở hữu công nghệ kỹ thuật cũng như phương thức quản lý xây dựng, quản lý doanh nghiệp tiên tiến nhất, phong phú nhất, sở hữu máy móc trang thiết bị hiện đại nhất trong xây dựng. Điều này tôi đã nhận ra rõ ràng nhất khi có dịp đi nhiều nước ở nhiều châu lục khác nhau; đặc biệt là các nước ở Châu Phi.

2. Doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam không chỉ có năng lực cạnh tranh cốt lõi về thi công xây dựng mà còn có lợi thế về chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng cạnh tranh nhất. Như tôi đã trình bày ở phần trước, kim ngạch xuất khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Hiện tại, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vật liệu xây dựng mạnh, top đầu tại khu vực ASEAN và trên toàn thế giới. Ngoài vật liệu xây dựng, Việt Nam còn có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ trong công nghiệp xây dựng như cung cấp dịch vụ BIM, dịch vụ thiết kế và cả dịch vụ quản lý dự án cho những Nhà thầu nước ngoài ở những công trình xây dựng ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là công ty Apave và Archetype – 2 công ty chuyên đào tạo Nhà quản lý là người Việt Nam để đưa nhân sự ra nước ngoài và quản lý dự án xây dựng.

3. Nguồn nhân lực dồi dào, giàu tinh thần học hỏi và đổi mới, sáng tạo. Thị trường lao động ngành xây dựng ở Australia cũng như rất nhiều nước hiện cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam thì ngược lại - cung lớn hơn cầu. Hầu hết các công ty xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng chỉ hoạt động từ khoảng 50 đến 70% công suất, rất nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp. Không chỉ dồi dào về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đội ngũ kỹ sư xây dựng Việt Nam được đào tạo qua thực tiễn, có trình độ chuyên môn cao, ham học hỏi và có tinh thần đổi mới sáng tạo, thừa hưởng những phẩm chất đáng tự hào của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

Tại sao những Nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp được mà những doanh nghiệp Việt Nam lại không làm được? Chắc chắn, với những lợi thế cạnh tranh không một quốc gia nào có, cùng nguồn nhân lực mang truyền thống chăm chỉ, cần cù, chịu khó, cũng như với tinh thần đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh của người Việt Nam, Việt Nam sẽ mang cả hệ sinh thái và xuất khẩu thành công dịch vụ xây dựng tổng hợp sang Australia nói riêng và thị trường xây dựng thế giới nói chung. Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam quyết tâm trở thành Nhà thầu chính, Tổng thầu cho các dự án xây dựng tại nước ngoài. Khi cả chuỗi cung ứng, hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam phát triển đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc xuất khẩu xây dựng tại những miền đất mới.

Chúng tôi, những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, tự tin khi đi ra nước ngoài nhưng cũng hiểu rõ sẽ có nhiều thách thức phải vượt qua. Điều khó khăn ở thị trường xây dựng nước ngoài, đặc biệt tại những nước đã phát triển như Australia không phải là sự cạnh tranh về giá mà là những khó khăn về hàng rào kỹ thuật và pháp lý trong việc nhập khẩu nguồn nhân lực, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công, ... Đặc biệt là vấn đề xuất khẩu lao động. Vì vậy, cần phải có chiến lược hợp lý. Cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, đồng bộ, một môi trường hợp tác, tương trợ hiệu quả giữa doanh nghiệp xây dựng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Như vậy sẽ đem lại một sức mạnh to lớn và hiệu quả sẽ rất cao. Bởi sự hợp tác đó không đơn thuần là sự hợp lực mà còn là sự cộng hưởng.

Nhiệm vụ chiến lược của xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu để thực hiện thành công sẽ cần sự hỗ trợ từ cả phía Chính phủ và Doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, tôi kiến nghị những nhiệm vụ chiến lược như sau:

1. Hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu

2. Tạo điều kiện thuận lợi trong các hiệp định thương mại

3. Cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế

5. Thiết lập hệ sinh thái kinh doanh tối ưu cho ngành

6. Tạo điều kiện tốt hơn cho nhà thầu trong nước làm tổng thầu

7. Quảng bá thương hiệu quốc gia

Về phía doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng, tôi kiến nghị những nhiệm vụ chiến lược như sau:

1. Tái cấu trúc toàn diện (sản phẩm, thị trường, mô hình kinh doanh...)

2. Tích cực tham gia các diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế

3. Mạnh dạn hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nâng đỡ nhau cùng tiến bộ

4. Kết nối với doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài

5. Quan tâm đầu tư nghiên cứu và phát triển, chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng AI, công nghệ xanh.

6. Xây dựng, gìn giữ và nâng cao uy tín chung của ngành xây dựng Việt Nam

7. Nỗ lực đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững, cho hoà bình và thịnh vượng toàn cầu

Chỉ khi áp dụng được những giải pháp trên và có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng thì nhiệm vụ chiến lược của xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thị trường nước ngoài mới có thể thành công, tạo lợi ích cộng hưởng cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thưa Quý vị,

Giải pháp xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, cho ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng. Thành công này sẽ đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Đặc biệt, Australia là một trong những thị trường rất thuận lợi mà chúng ta cần hướng tới. Theo thống kê của Australian Bureau of Statistic, dân số Australia năm 2023 là 26.5 triệu người, mỗi năm tăng 624,000 người, trong đó số lượng người nhập cư khoảng 518,000 người. Với sự tăng trưởng nóng về dân số, sự thiếu hụt về nhà ở đang trở thành vấn đề nan giải trên toàn Australia.

Theo báo cáo của Statista 2024, thị trường xây dựng Australia được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh với những con số ấn tượng, dự kiến mức tăng trưởng hàng năm của ngành xây dựng Australia đạt 8,8 tỷ AUD. Theo đó, doanh thu dự kiến năm 2024 của ngành xây dựng Australia đạt 444 tỷ AUD; đến năm 2029 con số này đạt khoảng 488 tỷ AUD, gấp khoảng bốn lần ngành xây dựng Việt Nam tính trên tổng sản lượng. Nếu tính trên giá trị gia tăng thì gấp khoảng 10 lần. Có thể nói Úc là thị trường tiềm năng nhất cho ngành xây dựng Việt Nam, nơi mà giá thành xây dựng cao gấp rất nhiều lần so với Việt Nam! Nhưng nếu muốn xuất khẩu ngành xây dựng sang thị trường nước phát triển như Australia thì rất cần sự đoàn kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cần sự kết nối của các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam với các doanh nghiệp người Việt trong cả hệ sinh thái ngành xây dựng ở Australia, và đặc biệt cần biết tận dụng những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) để mở rộng xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có ưu thế sang thị trường này.

Trên đây là đề tài và ý kiến mà tôi muốn trình bày tại diễn đàn của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tin rằng xuất khẩu vật liệu xây dựng, đặc biệt là dịch vụ xây dựng tổng hợp sẽ là giải pháp giúp đưa ngành xây dựng của Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời giúp giải quyết nhu cầu lớn về nhà ở tại Australia. Tiến vào thị trường xây dựng Australia thành công là cơ sở để khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới, một thị trường có quy mô gấp 450 lần so với quy mô thị trường xây dựng trong nước.

Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả quý vị đã chú ý lắng nghe những chia sẻ của tôi.

Kính chúc quý vị luôn tràn đầy năng lượng tích cực, giữ được tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh, giàu ý chí và bản lĩnh để vượt qua mọi thử thách vẫn luôn đến với chúng ta, có được nhiều niềm vui, nhiều thành công trong kinh doanh và thật nhiều hạnh phúc trong cuộc sống.

Xin chúc cho sự kiện ngày hôm nay diễn ra thành công tốt đẹp!

Trân trọng cảm ơn!

 

Kiến trúc sư Lê Viết Hải

Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh (SACA)

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

 

Tin liên quan