Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trong làn sóng "mang quân đi đánh xứ người"
news
Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sau hơn 10 năm học tập và phát triển, doanh nghiệp ngành xây dựng đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với tất cả nhà thầu nước ngoài, kể cả Hàn Quốc hay Nhật Bản. Từ nhà thầu phụ các doanh nghiệp xây dựng đã thành công trở thành nhà thầu chính hoặc hợp tác phân chia lợi nhuận, làm chủ những dự án siêu cao và đã đủ lực vươn ra các nước có ngành công nghiệp xây dựng phát triển.
Chẳng hạn, hai công trình xây dựng nổi bật nhất Việt Nam trong vài năm trở lại đây đều thuộc về nhà thầu Việt Nam. Dự án Saigon Center – tòa nhà có 6 tầng hầm và 44 tầng cao được Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bao thầu tất cả từ thi công, quản lý, giám sát… Còn việc Coteccons thắng thầu dự án The Landmark 81 vào năm ngoái là một trong những mốc son của ngành xây dựng Việt Nam. Theo thiết kế, tòa nhà The Landmark 81 sẽ cao 461 m, đứng thứ 8 thế giới do Vingroup chính là chủ đầu tư.
Theo chia sẻ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC, thị trường bất động sản, xây dựng lúc lên lúc xuống giống hình Sin và việc đưa ra các giải pháp ứng phó cũng không hề đơn giản, có nhiều lúc các nhà thầu tưởng chừng khó vượt qua được, nhất là vào thời điểm lãi suất vay ngân hàng lên đến hơn 20% và nếu kéo tiếp tục dài lâu hơn thì khó có doanh nghiệp nào đứng vững nổi. Nhưng bằng sự tự thân nỗ lực, cùng đồng hành với nhà đầu tư, cộng với việc Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn bằng các chính sách mở đã giúp cho thị trường vượt qua khủng hoảng.
"Theo đánh giá và sự trải nghiệm gần 30 năm của chúng tôi, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp. Lợi thế đáng kể của chúng ta là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ (thấp 2 – 3 lần, thậm chí 4 lần)", ông Hải cho biết thêm.
Theo đó, tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác. Một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành Xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần bình quân thế giới. Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân; phần còn lại của thế giới là 3.000.
Cái mà vị CEO này tâm đắc nhất và quyết tâm ra nước ngoài từ rất sớm khi mà công việc ở trong nước làm không hết và vẫn ngổn ngang là: "Mình sẽ có nhiều chuyên gia xây dựng quốc tế thực sự, trình độ của công ty nói chung sẽ nâng lên một bậc, khác biệt thật sự và mở ra những cơ hội rất lớn trong tương lai", ông Hải nhấn mạnh.
Saigon Center - Tòa nhà có 6 tầng hầm và 44 tầng cao do Hòa Bình làm tổng thầu đang hoàn thiện
Trước đây, Lào, Thái Lan và Campuchia gần như là sân nhà của các công ty xây dựng lớn ở Việt Nam do lợi thế láng giềng gần gũi. Nhưng bây giờ, với sự cạnhtranh gay gắt khi có sự xuất hiện của nhiều "ông lớn" trong ngành xây dựng từ các nước khác, mọi chuyện đã thay đổi. Do đó, Vinaconex, An Phong, Coteccons hay Hòa Bình đang chuyển sang khai phá thị trường mới, ví dụ như Malaysia, Myanmar hay thậm chí mới đây là Nhật Bản và xa hơn là các nước Trung Đông.
Được biết, HBC vừa ký kết hợp tác với công ty xây dựng lớn thứ 2 tại Kuwait là United Guft Construction Company (UGCC) thi công gói thầu bê tông cốt thép trong một phần của Dự án Lọc dầu Al Zour Refinery Project của Chính phủ Kuwait, với giá trị trúng thầu 20 triệu USD (450 tỷ đồng). Đây là dự án lọc dầu có quy mô lớn nhất Kuwait với tổng trị giá đầu tư khoảng 30 tỷ USD.
Trước đó, ngày 21/12 tại Kuwait, HBC cũng đã đàm phán thành công gói thầu đầu tiên của dự án Trụ sở Chứng cứ hình sự (Criminal Evidence Headquarters) trị giá khoảng 35 triệu USD (800 tỷ đồng) với đối tác chiến lược Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT (HOT Engineering and Construction). Dự án có tổng giá trị đầu tư khoảng 155 triệu USD (3.500 tỷ đồng).
Theo HBC, với những dự án đầu tiên này, HBC đặt nền móng tại thị trường Kuwait, là tiền đề chuẩn bị cho các dự án tiếp theo vào năm 2018 và giai đoạn tới tại thị trường giàu tiềm năng này. Đây cũng là thành công bước đầu của chiến lược mở rộng xuất khẩu năng lực xây dựng của HBC ra thị trường Trung Đông.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, có 3 lý do chính mà các nhà thầu trong nước cần mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Thứ nhất, hiện tại số lượng lao động ngành xây dựng của Việt Nam đang rất lớn, khoảng 9 nghìn kỹ sư, chuyên gia trên 1 triệu dân, gấp 3 con số các nước lân cận. Để giảm áp lực, cũng là cách để tăng năng suất lao động, không có cách nào khác là… “mang chuông đi đánh xứ người”.
Thứ hai, sức nóng của ngành xây dựng song hành cùng biến động của thị trường bất động sản. Mà đây lại là thị trường biến động không ngừng. Trong giai đoạn “nông nhàn” của thị trường bất động sản, việc tham gia đấu thầu ở nước ngoài cũng là cách tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng.
Thứ ba, vô cùng quan trọng là khi tham gia đấu thầu tại nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đứng trước cơ hội và áp lực nâng cao trình độ, năng lực thi công. Vượt qua áp lực đó, doanh nghiệp trong nước mới đủ mạnh để đứng vững trước sự “xâm lăng” của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn mở cửa hiện nay.
Tuy nhiên nếu muốn đứng vững và phát triển trong tình hình cạnh tranh không biên giới, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần xác định xây dựng là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia và có nhiều biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành. Cụ thể là cần quyết liệt hơn nữa để đơn giản hoá các thủ tục xây dựng và đầu tư, đồng thời cho phù hợp theo thông lệ quốc tế càng sớm càng tốt.
Trong đàm phán các hiệp định quốc tế, cần quan tâm đưa vào yêu cầu cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước sở tại, được miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư và phương tiện thi công...
Chủ tịch của công ty xây dựng có kinh nghiệm quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam chia sẻ: "Nhu cầu xây dựng trong nước rồi cũng đến lúc bão hoà khi cơ sở hạ tầng về cơ bản được xây xong. Khi đã qua thời bùng nổ mà các công ty mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn".
Ví dụ điển hình đã diễn ra tại Hàn Quốc khi những doanh nghiệp xây dựng chỉ quanh quẩn ở trong nước lúc thị trường xây dựng bùng phát mà không chuẩn bị cho các cơ hội quốc tế. "Hàng loạt công ty xây dựng phá sản, rất nhiều công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp… là những bài học nhãn tiền khi không tìm trước các cơ hộ ở nước ngoài", ông Hải cho biết.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
Tin liên quan
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trao học...
Sinh viên thuộc khối ngành xây dựng trên toàn quốc có cơ hội nhận học bổng Hoa Binh Blue Compass...
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - Phát...
20 năm thành lập, 7 năm cổ phần hóa, Hòa Bình Corporation đã có những bước tiến dài trong sự...
Hòa Bình vượt bão COVID nhờ hàng loạt...
Biến những thời gian giãn cách xã hội thành khoảng thời gian quý báu để tái cấu trúc, đẩy...