'Ông trùm' xây dựng Lê Viết Hải: Tài sản cá nhân không quan trọng
news
Dù được cô nhân viên phụ trách đối ngoại dặn trước "sếp nói nhỏ lắm" tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ bởi sự quá khác biệt so với hình dung của mình về một trong những "ông trùm" xây dựng Việt Nam.
Trong cả cuộc nói chuyện, tôi đã nhiều lần điều chỉnh khoảng cách của máy ghi âm bởi giọng nói quá nhẹ, quá nhỏ của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Nhưng ẩn sau vẻ khiêm nhường đó vẫn toát lên bản lĩnh của một doanh nhân đã đưa Hòa Bình từ một "văn phòng" với vài chục người trở thành một trong những công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Không phải các ông chủ xây dựng đều có chung mẫu số
* Khi bước vào tòa nhà này và đi lên văn phòng của ông, tôi cứ tự hỏi, phải chăng ông quá mải mê với việc xây dựng các dự án lớn cho khách hàng, cho đối tác mà quên cả "xây nhà" cho mình ?
- Cũng đúng một phần, vì tất cả vốn liếng chúng tôi đều dành cho thi công. Nhưng hiện Hòa Bình đã có kế hoạch xây dựng một dự án nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM, vừa là trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), đồng thời làm văn phòng của công ty. Thực ra từ năm 2008 - 2009 chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng văn phòng công ty nhưng do khủng hoảng kinh tế, Hòa Bình đã phải bán công trình để lấy tiền duy trì hoạt động kinh doanh, một phần hỗ trợ khách hàng để dự án không bị ngưng lại.
* Xin lỗi vì phải thú nhận, tôi rất bất ngờ với phong thái của ông. Trong hình dung của tôi, những người làm xây dựng sự mạnh mẽ thường bộc lộ hẳn ra bên ngoài; thậm chí ăn to, nói lớn nhưng anh thì quá "dịu dàng". Anh có thấy anh khác với "dân xây dựng" không?
- (Cười nhẹ) Ông tôi, bố tôi đều làm nghề giáo nên tính cách, phong thái của tôi ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Tôi cũng thấy khác nhưng tôi nghĩ, không nhất thiết các ông chủ xây dựng phải có chung một mẫu số.
* Vậy sao ông không nối nghiệp gia đình mà lại rẽ sang nghề xây dựng?
- Tôi học kiến trúc. Dù kiến trúc và xây dựng là hai nghề khác nhau nhưng tôi đã chọn xây dựng ngay từ đầu vì thời tôi thi đại học là sau giải phóng, nhu cầu của xã hội trong ngành xây dựng rất lớn. Với lại hồi đó trong nhà tôi có mấy chị theo nghề giáo nên tôi không cần nối nghiệp nữa.
* Ông "hiền" như vậy nhưng thời gian vừa qua công ty của ông lại gặp khá nhiều tin đồn thất thiệt. Từ tin đồn làm ăn với Vũ "nhôm", tin đồn bị Khaisilk bùng nợ cả ngàn tỉ đồng... Theo ông tin đồn này xuất phát từ đâu, hay ông lỡ "đắc tội" với ai?
Tôi nghĩ nhiều phía có mục đích khi đưa ra những tin đồn bất lợi cho Hòa Bình. Có thể là những người đầu tư trên sàn muốn thao túng giá cổ phiếu; cũng có thể là đối thủ không muốn mình mạnh hơn... nhưng tôi cũng không thể khẳng định được từ bên nào. Tôi chỉ có thể khẳng định các thông tin đó là hoàn toàn không đúng sự thật. Chúng tôi chưa bao giờ làm ăn với Khaisilk, Vũ "nhôm".
* Nhưng giá cổ phiếu Hòa Bình đã bị ảnh hưởng khá nặng, ông đối mặt với các cổ đông thế nào trong đại hội vừa rồi của công ty?
- Cổ đông có chất vấn về vấn đề này bởi ngoài những tin đồn hoàn toàn sai sự thật nói trên, còn có những thông tin thật nhưng đã bị bóp méo, xuyên tạc. Ví dụ trong đại hội cổ đông chúng tôi nói sẽ bán một số dự án thì họ lại tung tin Hòa Bình bán tháo dự án. Rồi thông tin về nợ phải thu, nợ ngân hàng... cũng bị bóp méo, xuyên tạc khiến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng. Thậm chí họ còn tung tin tôi bị bệnh hiểm nghèo...
Nhưng cái đó không phải vấn đề lớn, chúng tôi đều lý giải được hết và cổ đông cũng thông cảm. Hơn nữa, giá cổ phiếu chỉ phản ánh phần nào chứ không thể hiện hết năng lực của công ty.
* Vậy tại sao ông lại bỏ gần 100 tỉ đồng mua cổ phiếu, động thái được nhìn nhận là để "cứu giá"?
- Đa số thông cảm nhưng vẫn có những cổ đông và nhà đầu tư hiện hữu của Hòa Bình bị tác động tâm lý bởi tin đồn thất thiệt. Họ vẫn chưa thật sự yên tâm. Tôi nghĩ phải có biện pháp để họ thực sự tin tưởng. Đó là lý do tôi mua cổ phiếu.
* Mấy năm trước ông từng viết thư kêu gọi cán bộ công nhân viên, những người giữ cổ phiếu Hòa Bình khi giá lao dốc, khuyến khích họ "nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận, qua sàn để đỡ giá". Nay thì chính ông đứng ra cứu giá, biện pháp đó có hiệu quả không?
- Cũng có tác dụng tâm lý, giá cổ phiếu không giảm sâu thêm, có lúc cũng hồi phục một phần nhưng về đúng giá trị của nó thì chưa.
Tỷ lệ sở hữu chỉ để công ty phát triển đúng định hướng
* Là một trong những "ông trùm" xây dựng Việt Nam, doanh số của Hòa Bình cũng đang tiến tới ngưỡng 1 tỉ USD nhưng sao chưa bao giờ thấy tên ông trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán?
- Tỷ lệ sở hữu cổ phần của tôi ở công ty không lớn, chưa tới 17% nên top 100 thì có nhưng top 10 thì không.
* Tại sao tỷ lệ sở hữu của ông lại thấp vậy?
- Vì ngay từ khi cổ phần hóa tôi đã có kế hoạch để anh em trong công ty trở thành cổ đông. Đến năm 2006 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chúng tôi phát hành thêm để tăng vốn thì tỷ lệ sở hữu của tôi cũng giảm xuống.
* Ông có cảm thấy hối tiếc về việc sở hữu tỷ lệ cổ phần quá ít khi công ty đã lớn mạnh thế này?
- Năng lực tài chính cá nhân đối với tôi không quan trọng, quan trọng là công ty. Vấn đề tôi quan tâm nhất là công ty phát triển đúng chiến lược của mình, tỷ lệ sở hữu với cá nhân tôi, chỉ có giá trị trong trường hợp này. Nếu mình không giữ cổ phần chi phối, nhiều khi cũng khó. Nhưng tôi tin, những cổ đông tham gia vào để cùng xây dựng, phát triển công ty chứ không nhằm các mục đích khác.
* Đã từng xảy ra xung đột khiến ông phải sử dụng quyền của cổ đông lớn và đã bao giờ vì tỷ lệ sở hữu không đủ để ông bảo vệ quan điểm cá nhân trong quá trình điều hành, quản lý và phát triển công ty chưa?
- Cũng có một vài lần nhưng không quá căng thẳng. Còn hầu hết các bước đi lớn, những chủ trương lớn ở Hòa Bình đều có được sự đồng thuận. Tôi tin là những bước đi, những quan điểm đúng đắn thì sẽ được mọi người ủng hộ. Cái gì mình làm đúng thì anh em sẽ nghe thôi.
* Dù với ông, tài sản cá nhân không quan trọng, nhưng quyền quyết định chính là giá trị của việc giữ một tỷ lệ cổ phần đủ lớn. Đặt trường hợp nếu ông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn, nếu ông là tỉ phú USD ông sẽ làm gì?
- Như tôi đã nói, ngành xây dựng có đặc thù là cần nguồn lực lớn. Nếu không có nguồn lực lớn sẽ không đủ khả năng thực hiện dự án lớn. Từ trước tới nay, tất cả tài sản của tôi đều tập trung cho công ty. Nếu có vốn lớn, tôi sẽ đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện các siêu dự án và mang về nhiều tỉ USD cho đất nước.
Năm 2017, doanh thu thuần của Hòa Bình (HBC) đạt 16.037 tỉ đồng, tăng trưởng 49% so với năm 2016, vượt 0,2% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 860,5 tỉ đồng, tăng trưởng 51,5% so với năm 2016 và vượt 3,9% so với kế hoạch. Năm 2018, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu đạt 20.680 tỉ đồng, tăng 28,9%, lợi nhuận sau thuế 1.068 tỉ đồng, tăng 24,3% so với năm 2017.
Ông Lê Viết Hải đang sở hữu 32.143.530 cổ phiếu HBC, chiếm tỷ lệ 16,5%.Với giá đóng cửa cuối ngày 11.6 là 26.800 đồng/cổ phiếu, tài sản cổ phiếu của ông Hải trị giá hơn 861,4 tỉ đồng.
Ông Hải đã đăng ký mua vào thêm 2 triệu cổ phiếu HBC từ ngày 30.5 - 28.6, nếu mua thành công số CP của ông Hải sở hữu sẽ tăng lên 34.143.530 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 18,04% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Nguyên Hằng
(Báo Thanh Niên, Ngày 12/6/2018)
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ong-trum-xay-dung-le-viet-hai-tai-san-ca-nhan-khong-quan-trong-972389.html
Tin liên quan
HBC hoàn tất thu hồi 304 tỷ đồng công...
Theo thông báo từ CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), đơn vị được ủy thác đã hoàn...
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - Phát...
20 năm thành lập, 7 năm cổ phần hóa, Hòa Bình Corporation đã có những bước tiến dài trong sự...
Từ COVID – 19 suy nghĩ về nhiều...
LÊ VIẾT HẢI - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch...