Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt: Lo nguồn lực chưa được khai phá
news
Cơ hội kinh doanh đang mở rộng cùng với nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình khiến giới kinh doanh muốn tận dụng mọi nguồn lực để phát triển. Điều các doanh nghiệp cần vẫn là hệ thống pháp luật phù hợp và đáng tin cậy.
Doanh nghiệp tư nhân sốt ruột
1 triệu tỷ đồng là doanh thu mà Top 200 doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt năm 2018 đã làm ra trong năm 2018. Cũng trong năm nay, 200 doanh nghiệp này đã nộp ngân sách trên 72.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 417.000 lao động. Trong đó, Top 10 Sao Vàng Đất Việt đã tạo ra doanh thu 239.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 21.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 130.000 người lao động.
Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, doanh nghiệp Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2018 vẫn chưa hài lòng, vì các con số cần phải lớn hơn nữa.
“Tôi cảm thấy nóng lòng, vì chỉ còn 10 năm, tối đa là 15 năm nữa, Việt Nam qua giai đoạn dân số vàng, nếu không tận dụng thời điểm để tăng trưởng, phát triển, thì mối lo rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ hiện hữu”, ông Hải nói tại buổi gặp mặt Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân của Top 10 Sao Vàng đất Việt năm 2018 ngay sau Lễ trao giải diễn ra sáng 23/12.
Tất nhiên, để dám đứng ra nhận trách nhiệm này, ông Hải có cơ sở rất vững chắc, như khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng trong phát triển đất nước, nhiều bộ luật mới được ban hành, hoàn thiện dần hệ thống pháp luật…
Nhưng quan trọng hơn, ông Hải và những doanh nhân như ông nhìn thấy sứ mệnh mà các doanh nghiệp phải gánh và chung lưng cùng đất nước.
“Tôi tin rằng, khi có sự tập trung trí tuệ, lãnh đạo đất nước và lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ tìm ra chiến lược đúng đắn, chọn lựa các giải pháp tối ưu nhằm mang lại hiệu quả và thành công cao nhất cho mục tiêu đó”, ông Hải nói.
Những nguồn lực chưa được khai phá
Trước cuộc gặp trên, những bàn luận về sứ mệnh của doanh nhân trẻ nói riêng, doanh nghiệp tư nhân nói chung trong nền kinh tế đã được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bàn tới trong cuộc tọa đàm với chủ đề Doanh nhân trẻ 25 năm cùng khát vọng Việt Nam.
Không chỉ giới kinh doanh, các chuyên gia kinh tế cũng đang rất sốt ruột về những đóng góp rất không tương xứng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế so với những gì đáng ra khu vực này phải làm được.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thậm chí còn nhắc tới tỷ trọng khoảng 8% GDP mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang đóng góp là một điều lạ và cần phải thay đổi.
“Trong một nền kinh tế thị trường bình thường, khu vực kinh tế tư nhân phải đóng góp ít nhất 60 - 70% GDP, có thể lên tới 80 - 90% như nền kinh tế Mỹ. Ở Việt Nam, khoảng 32% GDP thuộc về hộ gia đình. Cấu trúc này thực sự đáng suy nghĩ, vì nền kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập thế nào, sẽ đi vào cuộc cách mạng 4.0 thế nào với phần lớn là mô hình hộ gia đình manh mún, công nghệ thấp”, ông Thiên đặt vấn đề.
Thực tế, giới kinh doanh cũng không né tránh thực trạng trên. Thậm chí, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thừa nhận, sự thiếu chuyên nghiệp trong khu vực tư nhân đang là rào cản khu vực này lớn lên.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội, ông Vương cũng đã nói đến điều này, với một đề xuất mà ông cho là đã đến lúc cần phải bàn tới cơ sở pháp lý.
“Nền kinh tế sau 30 năm đổi mới vẫn còn những nút thắt mà gỡ ra đến đâu, đau đớn và khó khăn đến đó do những lợi ích đi kèm, như việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Khu vực tư nhân cũng vậy, còn những nguồn lực được gây dựng dưới chuẩn, nếu không có những cơ sở pháp lý, sẽ rất khó đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Nguồn lực này thực sự không nhỏ”, ông Trần Anh Vương chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Lý giải, ông Vương cho rằng, nguồn lực trong dân còn rất lớn, có thể lên tới 60 tỷ USD như số liệu của ngân hàng Thế giới đã từng nhắc tới, hoặc hơn nữa, nhưng cần cơ chế, chính sách và pháp luật để người dân sẵn sàng đổ tiền vào nền kinh tế.
Đây không phải là câu chuyện mới. Vài năm trước, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vướng vào những khó khăn trong xác định sở hữu của tài sản doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt cũng đề xuất phương án này, nhằm giải tỏa khó khăn trong xác định sở hữu.
“Điều quan trọng mà tôi muốn nói là các doanh nghiệp cần sự tin tưởng và hậu thuẫn của chính sách, pháp luật, để sẵn sàng bỏ tiền, sẵn sàng đầu tư lớn. Khi đó mới có những doanh nghiệp thực sự lớn, bài bản…”, ông Vương đề xuất.
Khánh An (Báo Đầu tư ngày 26/12/2018)
Tin liên quan
Sau cả chục năm bị Coteccons áp đảo,...
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu của Hòa Bình bất ngờ vượt Coteccons, vốn hóa thị trường nhiều...
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trao học...
Sinh viên thuộc khối ngành xây dựng trên toàn quốc có cơ hội nhận học bổng Hoa Binh Blue Compass...
Giấc mơ siêu dự án của 'ông trùm' xây...
Cuộc "so găng" của hai ông lớn trên thị trường xây dựng là Hòa Bình và Coteccons được ví như...