Ông Lê Viết Hải: 'Tôi từ chức để tạo cơ hội cho con trai'
news
Rời ghế chủ tịch để dọn đường cho con trai vào vị trí CEO, ông Hải vẫn là "linh hồn" của Hòa Bình và phản biện những quyết sách quan trọng với tư cách người sáng lập.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) hôm nay công bố đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Lê Viết Hải. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Hải quanh quyết định này.
- Điều gì khiến ông từ nhiệm vị trí cao nhất tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình?
- Tôi sẽ không giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 1/1/2023, nhưng vẫn là thành viên Hội đồng quản trị cho đến kỳ họp đại hội đồng cổ đông gần nhất. Điều này để đảm bảo tính pháp lý cho con trai tôi là Lê Viết Hiếu từ phó tổng giám đốc thường trực trở thành tổng giám đốc. Bởi theo quy định của luật, nếu tôi là thành viên Hội đồng quản trị thì người trong gia đình không được giữ chức tổng giám đốc.
Hòa Bình đang trống chức vụ tổng giám đốc và Hiếu cũng trong tình trạng "danh không chính, ngôn không thuận". Lên tổng giám đốc cho Hiếu có điều kiện phát huy vai trò của mình hơn.
Song song từ nhiệm, tôi lập ra Hội đồng sáng lập để tham mưu, tư vấn và phản biện cho hội đồng quản trị và ban điều hành. Những gì chiến lược và trọng yếu mà Hội đồng quản trị đưa ra phải được sự đồng ý của Hội đồng sáng lập. Tất cả thành viên hội đồng quản trị đã nhất trí thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng sáng lập. Với cách làm như vậy, tôi vẫn kiểm soát công ty chứ không mất quyền hoàn toàn.
Rời ghế chủ tịch, tôi cũng có thêm thời gian cho hoạt động ở các tổ chức, hiệp hội để truyền lửa cho thế hệ kỹ sư xây dựng trẻ.
Ông Lê Viết Hải giải thích lý do từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, tối 13/12. Ảnh: Thanh Tùng
- Vì sao ông chọn thời điểm này, nhất là khi thị trường xây dựng đang khó khăn, để đưa ra quyết định "dọn đường" cho con trai?
- Thực tế tôi chuyển giao quyền điều hành cho Hiếu hồi tháng 7/2020 (vị trí tổng giám đốc) khi đại dịch đã nghiêm trọng. Hai năm sau, vì vướng quy định của luật, Hiếu từ nhiệm CEO, đảm trách phó tổng giám đốc thường trực. Từ đó đến nay, tuy chức vụ thay đổi, Hiếu vẫn luôn là người lèo lái công ty vượt qua khó khăn do đại dịch và tác động của chiến tranh Nga - Ukraine.
Ưu điểm lớn của Hiếu là rất thật thà, liêm chính và cái gì lươn lẹo là không chấp nhận. Đó là những đức tính rất cần ở người lãnh đạo, trong kinh doanh thì giữ được điều này vô cùng khó.
Hiếu cũng rất khéo xoay xở, gặp khó khăn là tìm hết phương án này đến phương án khác để vượt qua. Có nhiều việc tôi chưa tìm ra giải pháp, Hiếu đã chủ động vì không muốn tôi vất vả hay bận tâm.
Vượt được giai đoạn thử thách vừa qua đã chứng minh năng lực và bản lĩnh của Hiếu. Tôi cho rằng thời điểm này là lúc sức trẻ, tính năng động của Hiếu cần phát huy hơn nữa.
Có một điều trùng hợp là tôi viết đơn từ nhiệm để rút lui đúng sinh nhật 30 tuổi của Hiếu, còn ngày chính thức thôi chức là 1/1 – trùng ngày sinh nhật của tôi. Tôi không mê tín nhưng tôi tin vào những điều mầu nhiệm như được sắp xếp trước.
- Điều gì khiến ông luyến tiếc nhất trước khi rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị?
- Gần đây có tin đồn tôi "rút ruột", "hút máu" Hòa Bình, thực tế hoàn toàn ngược lại. Tôi đã hy sinh tất cả từ khi thành lập đến nay để công ty phát triển, cán bộ nhân viên có đời sống tốt hơn, cổ đông được gia tăng lợi ích và đóng góp cho ngành xây dựng trong nước. Khi con thuyền của mình ở trong tâm bão mà thêm tứ phía tấn công nữa thì vô cùng khó khăn.
Sự thật không thể đổi trắng thay đen nên tôi không sợ những lời vu khống, chỉ lo điều đó ảnh hưởng đến uy tín của công ty và khiến những người chưa hiểu về Hòa Bình bị nhiễu động.
Ông Lê Viết Hải tại văn phòng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tối 13/12. Ảnh: Thanh Tùng
- Ông nghĩ đâu là di sản lớn nhất mình để lại cho Hòa Bình?
- Tôi nghĩ mình để lại di sản về tinh thần và những điều vô hình nhiều hơn hữu hình. Tôi đúc kết được bốn giá trị cốt lõi sau 35 năm điều hành là tử tế, tiên phong, kỷ cương và kiên cường. Triết lý kinh doanh, cách hành xử và nề nếp ở Hòa Bình cũng khác biệt những doanh nghiệp khác.
Phong cách lãnh đạo cũng là một di sản làm tôi tự hào. Từ xưa đến nay, khi ra quyết định, tôi luôn được đồng thuận 100%. Các phiên họp đại hội cổ đông từ khi niêm yết đến giờ cũng chưa có một nội dung của tờ trình nào bị bác bỏ. Tôi không áp đặt, nhưng nếu nội bộ có nhiều người không đồng ý thì tôi tạm hoãn để tìm giải pháp khác hoặc đưa ra phương án tốt hơn mà không ai chống đối.
- Ông kỳ vọng gì ở thế hệ lãnh đạo tiếp theo, đặc biệt là con trai mình?
- Tôi muốn những người kế nhiệm phải cam kết tiếp tục lãnh đạo công ty trên nguyên tắc đồng thuận như vậy.
Ông Nguyễn Công Phú, người thay tôi ở vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã tán thành sẽ cùng tôi thảo luận giải pháp đối với các vấn đề trọng yếu cũng như định hướng hoạt động của công ty theo nguyên tắc này.
Nếu chưa tìm được tiếng nói chung thì tiếp tục bàn tính, chứng minh, trình bày khúc chiết để đối phương hiểu. Người lãnh đạo phải trình bày, phân tích vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc, có tính hệ thống, logic, khoa học để mọi người hiểu, thấy được quyết định đó đúng đắn và đồng lòng ủng hộ. Có đồng thuận mới có đoàn kết, có đoàn kết thì mới mạnh và có mạnh mới cạnh tranh được trong một thị trường khốc liệt.
Phương Đông
Theo VnExpress
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY
Tin liên quan
Để không lãng phí một mũi vắc-xin...
Bài viết là góc nhìn của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây...
Mang nụ cười đến cho 1.000 trẻ ở Trà...
Ngày 25-8, khoảng 1.000 bé trong độ tuổi từ 6 đến 10 tại Trà Vinh đã được khám, chữa răng...
Phòng chống Đại dịch Covid-19 người...
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đề xuất bổ sung 2K và 3T vào công...