Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC, Chủ tịch SACA: “Đã đến lúc ngành xây dựng Việt Nam tiến ra nước ngoài”
news
Có khá nhiều thông tin thú vị tại tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, do Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1991-2021).
Có khá nhiều thông tin thú vị tại tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, do Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1991-2021). Thế nhưng câu nói: “Đã đến lúc ngành xây dựng Việt Nam tiến ra nước ngoài” của Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) kiêm Chủ tịch SACA Lê Viết Hải khiến tôi phải gặp ông để được nghe thêm về quan điểm ấy.
* Ông nói: “Đã đến lúc ngành xây dựng Việt Nam tiến ra nước ngoài”, có thể hiểu đó là sự khẳng định về năng lực của ngành xây dựng Việt Nam không thua kém nước ngoài?
- Đúng vậy. Tốc độ là yếu tố để thấy khả năng phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam. Hai mươi năm trở lại đây, ngành xây dựng Việt Nam đã bắt kịp nhịp độ và vượt qua nhiều quốc gia khác. Đó là nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tinh thần cầu tiến, học hỏi từ những nhà thầu trong nước khi tham gia thầu phụ cho nhà thầu quốc tế ở những tòa nhà có quy mô lớn, rất hiện đại. Vì thế, đã đưa ngành xây dựng Việt Nam từ lạc hậu trở nên phát triển nhanh chóng. Từng có giai đoạn các nhà thầu tư nhân lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20-30% nhờ sự học hỏi và ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến.
Có thể thấy rõ nhất tốc độ phát triển của ngành xây dựng Việt Nam khi nhìn vào con số năm 1995, sản lượng xi măng chỉ có 5 triệu tấn, nhưng đến nay là hơn 100 triệu tấn.
* Minh chứng nào cho thấy các nhà thầu trong nước đã thay thế nhà thầu ngoại, thưa ông?
- Ngành xây dựng Việt Nam bắt đầu phát triển bùng nổ từ năm 1995 trở lại đây. Từ đó đến năm 2015 là khoảng thời gian mà doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.
Từ năm 1945-1975, chúng ta phải trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước. Từ năm 1975-1995 là thời bao cấp, cấm vận. Như vậy chúng ta đã trải qua 50 năm “dậm chân tại chỗ”, cho đến sau này, các công ty xây dựng tư nhân mới có điều kiện tiếp cận, học hỏi từ những doanh nghiệp xây dựng nước ngoài, từ đó ngành xây dựng Việt Nam phát triển rất nhanh. Từ một ngành còn lạc hậu, không có thiết bị cơ giới thi công, công nhân không đủ thiết bị bảo hộ lao động, thì đến nay, chúng ta đã tổ chức chuyên nghiệp về quản lý, thi công, làm chủ công nghệ, kỹ thuật trong ngành xây dựng, thậm chí áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế với trình độ cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Từ năm 2014, khi Tập đoàn Hòa Bình trúng thầu xây dựng Saigon Centre và sau đó là Coteccon với Landmark81, đã không còn thấy nhiều nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam. Sự học hỏi và vươn lên đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc và giúp các nhà thầu trong nước dần thay thế nhà thầu ngoại ở các tòa nhà quy mô lớn, hiện đại, có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất cao tại thị trường trong nước.
* Trong bài phát biểu tại tọa đàm “Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông nói: “Các nhà thầu xây dựng Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội ở thị trường nước ngoài”. Nếu nắm bắt cơ hội này, chắc là mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cho đất nước...
- Với tốc độ phát triển như hiện nay, thị trường xây dựng trong nước đang dần trở nên chật chội, bão hòa, không đủ công trình để doanh nghiệp phát huy hết khả năng. Cùng với đó, trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, chúng ta không thể đứng im nhìn sự vận động của thế giới mà cần nỗ lực phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài - một thị trường có quy mô rất lớn so với thị trường trong nước (12.000 tỷ USD năm 2019). Tôi tin rằng, thúc đẩy phát triển ra nước ngoài, ngành xây dựng Việt Nam sẽ đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Nếu thời gian này chúng ta không làm điều đó, thì sẽ không bao giờ làm được nữa. Đây là giai đoạn rất quý giá, khi mà quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người thì đã có gần 70 triệu người đang ở độ tuổi lao động, gọi là giai đoạn “dân số vàng”.
Những quốc gia muốn bứt phá phát triển thường tranh thủ trong giai đoạn “dân số vàng”. Theo các nhà dân số học, sau năm 2034, Việt Nam sẽ không còn giai đoạn “dân số vàng” nữa. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực gấp ba lần để tranh thủ giai đoạn này để phát triển đưa ngành xây dựng ra nước ngoài.
Không thể phủ nhận, xây dựng là một trong những ngành có nhiều tiềm năng để giúp cho nền kinh tế quốc gia phát triển nhanh. Vì vậy, cần đưa ra chiến lược rõ ràng về phát triển ngành xây dựng. Theo tôi, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng các hiệp hội, các doanh nghiệp xây dựng lớn cần ngồi lại với nhau xác định mục tiêu, vạch ra con đường phải đi, làm thế nào để vượt qua những thử thách, hạn chế, đưa ngành xây dựng không những phát triển trong nước mà còn phải phát triển ra các nước.
Quy mô thị trường trong nước đang quá nhỏ và những nhà thầu phải cạnh tranh khá gay gắt. Hiện nay không còn nhiều nhà thầu nước ngoài đến Việt Nam để khai thác nữa. Đây cũng là một hạn chế vì chúng ta không có điều kiện cọ xát hằng ngày và cũng không có cơ hội để học hỏi nhiều. Chúng ta cũng chưa có những trung tâm nghiên cứu về xây dựng để đưa ra những phát minh, sáng chế. Do đó, ngành xây dựng Việt Nam rất dễ bị tụt hậu nếu chậm trễ phát triển thị trường nước ngoài.
* Nhưng mấu chốt để tiến ra thị trường nước ngoài nằm ở việc phải kết hợp chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng chứ không thể manh mún. Vậy theo ông thì việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ ngành công nghiệp xây dựng phải như thế nào?
- Chuỗi giá trị của ngành xây dựng hiện nay là rất mạnh nhưng chúng ta không nên tiếp tục chỉ bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế “hái lượm”.
Nếu các doanh nghiệp xây dựng liên kết với nhau thì chắc chắn sẽ phát triển được ra nước ngoài và chỉ cần đặt mục tiêu rất khiêm tốn là chiếm 1% thị phần của ngành xây dựng quốc tế thì đã tạo ra doanh thu rất lớn cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam. Điều quan trọng là ngành xây dựng cần triển khai khẩn trương và quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu này, bởi thập kỷ 2021 là thời cơ vàng của Việt Nam.
Mới đây, một công ty ở Trung Quốc muốn hợp tác với Hòa Bình Group để xây dựng ở Mỹ, doanh thu 30 tỷ USD. Đây cũng chính là cơ hội, lợi thế mà chúng ta chưa tự khai thác được. Vì vậy phải đặt ra mục tiêu cùng với những nhà thầu các nước tiến ra thị trường nước ngoài. Khi có lộ trình, chiến lược cụ thể, chúng ta sẽ làm được điều này.
* Ngoài lợi thế kể trên, còn có lợi thế nào khác không, thưa ông?
- Tốc độ tăng trưởng của các ngành trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng là rất cao. Từ nhập khẩu xi măng thì nay Việt Nam vươn lên thứ 5, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga với sản lượng xi măng hơn 100 triệu tấn. Lĩnh vực gỗ và đồ mỹ nghệ cũng xếp thứ nhất xuất khẩu vào Mỹ năm 2020, vượt qua nhiều nước như Trung Quốc, Malaysia, Ý, Canada.
Năng lực thi công trang trí nội, ngoại thất của Việt Nam được nước ngoài đánh giá rất cao. Công ty AA Corporation của anh Nguyễn Quốc Khanh vượt qua rất nhiều công ty hàng đầu của các nước thi công trang trí nội thất cho nhiều khách sạn 5 sao, 6 sao và các công trình đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật rất cao ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thêm nữa, trình độ tay nghề, thiết kế của Việt Nam không thua kém nước ngoài, nhiều kiến trúc sư trong nước như anh Ngô Viết Nam Sơn, anh Võ Trọng Nghĩa thường được mời chủ trì thiết kế các công trình trọng điểm ở nhiều nước. Có thể khẳng định nhân lực chúng ta có, giờ chỉ cần liên kết để tạo sức mạnh các chuỗi dịch vụ này mà thôi.
* Nhưng ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam cũng có nhiều hạn chế...
- Đúng. Chúng ta có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế, nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế và thử thách phải vượt qua thì ngành xây dựng mới thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển ra nước ngoài. Trước tiên là các nhà thầu Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng ở thị trường quốc tế, nhân lực thì yếu kém về ngoại ngữ, về giao tiếp, bị tâm lý “chưa xuống nước nên không dám nhảy để tập bơi”. Bên cạnh đó, năng lực về tài chính của chúng ta còn hạn chế so với các nhà thầu quốc tế. Thành ra dù có kinh nghiệm tích lũy nhưng khó vươn ra thị trường lớn hơn nhiều với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn.
Chúng ta còn có một số hạn chế về khả năng thành thạo các tiêu chuẩn kỹ thuật và luật lệ về xây dựng cũng như kỹ năng, tay nghề của thợ. Rất nhiều công nhân của chúng ta giỏi tay nghề nhưng lại không có chứng chỉ hành nghề, như vậy khi ra nước ngoài họ đòi hỏi chứng chỉ thì sẽ gặp khó. Một điều quan trọng là chúng ta chưa có được sự liên kết chuỗi giá trị trong ngành xây dựng nên rất cần phải thay đổi.
Xuất khẩu dịch vụ tổng thầu xây dựng ra nước ngoài cần một hệ sinh thái mà trong đó là chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp liên quan, như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, thiết kế xây dựng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển, dịch vụ thầu phụ chuyên ngành... Nhưng khi các doanh nghiệp sẵn sàng hợp lực cùng nhau, chắc chắn ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong bản đồ xây dựng thế giới.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Link bài viết gốc tại đây
Tin liên quan
Mang nụ cười đến cho 1.000 trẻ ở Trà...
Ngày 25-8, khoảng 1.000 bé trong độ tuổi từ 6 đến 10 tại Trà Vinh đã được khám, chữa răng...
HBC làm gì để vượt khủng hoảng của...
Ngành xây dựng đối mặt với khó khăn chưa từng có trong 3 năm 2018-2020 và đến 2021 thì nhận...
Xây dựng Hòa Bình ghi nhận tín hiệu...
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã trúng thầu dự án Eaton Park trị giá gần 1.900 tỉ...