Hòa Bình - Top 10 doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2020

news

Trong số hơn 500 doanh nghiệp lọt qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất và đi đầu trong phong trào thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được trao chứng nhận Top 10 Doanh nghiệp bền vững 2020 ở lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ.

Tối ngày 10/12/2020, Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã được tổ chức long trọng và thành công tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng hơn 200 đại biểu đại diện các bộ ngành, tổ chức trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp được biểu dương Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2020.

Hòa Bình - Top 10 doanh nghiệp bền vững việt nam năm 2020

Ông Nguyễn Hồng Mạnh - Phó Tổng Giám đốc đại diện Hòa Bình đón nhận danh hiệu Top 10 Doanh nghiệp Phát triển bền vững

Năm nay, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị, Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động. Cùng với đó, CSI 2020 đã được nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã ký kết gần đây cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện.

Tuy gặp nhiều khó khăn, thử thách từ đại dịch Covid-19 nhưng năm nay, Hòa Bình vinh dự được nằm trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững trong lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ. Việc Hòa Bình được vinh danh là doanh nghiệp bền vững Việt Nam 3 năm liên tiếp (kể từ năm 2018) không bất ngờ bởi trong quá trình phát triển, Hòa Bình luôn thực hiện và đáp ứng được nhiều chỉ tiêu đưa ra.

Trải qua hơn ba thập kỷ xây dựng và phát triển, cho đến hiện tại, Hòa Bình đã khẳng định được sự phát triển nhanh và bền vững với chu kỳ cứ 5 năm, doanh thu tăng gấp 5 lần. Theo đó, đến cuối năm 2019, con số này được ghi nhận hơn 18,6 ngàn tỷ đồng.

Hòa Bình - Top 10 doanh nghiệp bền vững việt nam năm 2020

Hòa Bình đã đi tiên phong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001 cũng như chủ động nghiên cứu và ứng dụng hệ thống quản lý PMS độc quyền của Tập đoàn. Hệ thống PMS cho phép các cấp quản lý kết nối trực tiếp với công trường, tương tác với nhau dù ở bất kỳ đâu, thông qua thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính, đặc biệt có thể cùng lúc quản lý 600 hợp đồng với tần suất cấp dữ liệu phân tích 3 tiếng/lần.

Ngoài hệ thống PMS, Hòa Bình cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng những công nghệ khác vào quy trình quản lý, hoạt động, đào tạo. Năm 2019 vừa qua, Hòa Bình đã khởi động dự án “Hòa Bình E-learning”. Đây là chương trình đào tạo, học tập trực tuyến ứng dụng công nghệ truyền thông đa chức năng (multimedia) có nhiều nội dung đa dạng, phong phú với kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng mềm một cách đầy đủ ở mọi lúc mọi nơi, phù hợp với điều kiện hoạt động rộng khắp trên 47 tỉnh thành trong cả nước và trên nhiều quốc gia khác trong tương lai của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Cuối tháng 3/2020, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ mạnh mẽ, công ty ngay lập tức áp dụng triệt để hệ thống quản lý công việc TMS để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường.

Hòa Bình - Top 10 doanh nghiệp bền vững việt nam năm 2020

Là một doanh nghiệp phát triển bền vững, Hòa Bình cũng tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào của Tập đoàn; các chương trình đồng hành thường niên “Chạy vì trái tim”, “Đi bộ Lawrence S.Ting”,… Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Hòa Bình tổ chức chương trình hiến máu cho CBCNV, hỗ trợ các đơn vị máu chữa bệnh, cứu người cho ngân hàng máu ở các bệnh viện.

Phát biểu tại Lễ công bố, TS. Vũ Đình Lộc, Chủ tịch VCCI, Đồng chủ tịch VBCSD chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp đều có thể tạo ra những SDGs cho riêng mình, theo công thức: S-strategy (chiến lược), D-determination (quyết tâm), G-governance (quản trị) hay S-strength (điểm mạnh), D-difference (khác biệt), G-growth (tăng trưởng)... nhằm “biến thách thức thành cơ hội,” tạo sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững”.

Tin liên quan