Tôi ứng cử để đóng góp cho đất nước
news
TTO - 5 doanh nhân vừa được Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM đề cử ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM bày tỏ nguyện vọng với Tuổi Trẻ.
Nhiều doanh nhân muốn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội nói rằng mục tiêu của họ là chuyển tải kinh nghiệm thực tế đến quá trình hoạch định chính sách. Trong ảnh: các dự án bất động sản đang xây dựng trong khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều doanh nhân đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Họ mang nhiều kỳ vọng khi đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp (DN) tư nhân, mong góp sức xây dựng hệ thống pháp luật thực sự hiệu quả, minh bạch, khoa học từ những kiến thức, trải nghiệm thực tế của bản thân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Viết Hải - chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiêm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM - nói:
- Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội hay làm chính trị, mà tập trung cho việc kinh doanh. Tôi cũng từng được giới thiệu vào Đảng, song không làm chính trị nên tôi không tham gia. Lần này tinh thần của Đảng rất cởi mở, tìm kiếm những người có tâm huyết đóng góp cho đất nước dù không phải là đảng viên, nên tôi tham gia.
Đó là tinh thần cầu thị rất đáng quý, đáng trân trọng và tôi nghĩ mình cần phải đáp lại, và đó cũng là trách nhiệm của tôi trong vai trò lãnh đạo một hiệp hội và một tập đoàn dẫn đầu của ngành kinh tế khá quan trọng là xây dựng.
Góp chiến lược đưa kinh tế VN bứt phá
Ông Lê Viết Hải
* Khi biết ông sẽ đại diện cho khối DN tư nhân ứng cử đại biểu Quốc hội, ông có được các DN gửi gắm gì chưa?
- Có rất nhiều lời chúc mừng, lời gửi gắm, kỳ vọng của nhiều người và nhiều giới chứ không riêng gì giới DN. Họ tin với trải nghiệm của mình, tôi có thể đóng góp cho đất nước, có thể góp sức cho sự phát triển tốt hơn nữa.
Song một cánh én không làm nên mùa xuân, tôi nghĩ phải biết tập hợp trí tuệ của nhiều người trong giới DN và rộng hơn là tìm ý tưởng, sáng kiến và những giải pháp từ nhiều giới, nhiều tầng lớp để những đóng góp, giải pháp của mình có giá trị.
* Nếu là đại biểu Quốc hội, ông quan tâm đến vấn đề gì đối với phát triển kinh tế tư nhân?
- Ngày nay Nhà nước coi trọng khối DN tư nhân song hệ thống luật pháp cần phải hoàn thiện hơn để phát triển kinh tế tư nhân, khắc phục những mặt hạn chế khi tư nhân chạy theo lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội. Do đó, luật pháp không chỉ hỗ trợ mà còn phải giúp kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, phục vụ sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Nếu ở cương vị là đại biểu, không phải chỉ là cá nhân mình đưa ra các giải pháp về luật lệ mà mình còn phải biết cách huy động trí tuệ, tâm huyết của rất nhiều người để mình làm cho hoàn thiện.
Hệ thống luật pháp cần sự sáng tạo, không rập khuôn của một quốc gia nào nhưng phải có sự kế thừa, học hỏi từ các nước phát triển. Đòi hỏi phải có sự kết hợp tinh hoa của thế giới và sự sáng tạo của người Việt để có hệ thống luật pháp phù hợp nhất.
* Mục tiêu trước mắt của ông là gì, nếu trở thành đại biểu Quốc hội?
- Trước tiên, tôi cho rằng có chiến lược để đưa VN bứt phá về kinh tế. Không phải do tôi làm xây dựng mà tôi đưa ra đề nghị này, nhưng tôi thấy có cơ hội rất lớn để ngành xây dựng có thể đóng góp một cách hiệu quả cho sự bứt phá của nền kinh tế nếu ta xuất khẩu xây dựng.
Thị trường xây dựng nước ngoài có quy mô lên đến 12.000 tỉ USD, gấp khoảng 750 lần quy mô thị trường trong nước (16 tỉ USD). Nếu mình có một chiến lược tầm vóc quốc gia thì có thể hiện thực hóa mục tiêu đó. Cần làm nhanh hơn nữa bởi thời điểm COVID-19 làm tổn thương kinh tế thế giới, các nước đều chọn xây dựng là ngành mà chính phủ có thể can thiệp được thông qua đầu tư công.
Nhiều quốc gia có chính sách hạn chế sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc, còn Nhật Bản và Hàn Quốc chủ trương không phát triển xây dựng ra nước ngoài bởi họ không còn năng lực cạnh tranh. Do đó, đây là thời điểm chín muồi, cơ hội để VN vươn lên thay thế Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thị trường xây dựng thế giới, đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nếu ở vai trò đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ tiếng nói của mình có trọng lượng hơn trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chiến lược đó.
Có dám quyết liệt không?
* Nhiều DN chịu tổn thương nặng nề do COVID-19, không ít DN đã phá sản. Nếu được góp ý về các gói hỗ trợ, ông sẽ góp ý điều gì?
- Tôi cho rằng nên tập trung cho những DN đầu tàu, dẫn đầu trong các ngành. DN đó phải vượt qua khủng hoảng, tồn tại thì các chuỗi cung ứng, phân phối, hỗ trợ theo sau mới sống được, hơn là hỗ trợ một cách đại trà các DN vừa và nhỏ lên tới hàng trăm nghìn DN.
Như vậy cũng không đủ nguồn lực để đánh giá và định lượng mức hỗ trợ, nếu dàn trải quá thì nguồn lực của Nhà nước không đủ. DN dẫn đầu có công nghệ, có nguồn nhân lực, kỹ thuật, có chuỗi cung ứng, phân phối... làm cho cả hệ thống đi theo duy trì được và nếu sụp thì cả hệ thống đảo lộn gây nên những bất ổn xã hội.
* Ông đánh giá ra sao về các hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Tôi có theo dõi các phiên chất vấn nhưng không thường xuyên lắm. Tôi thấy có nhiều đại biểu có ý kiến tốt, hay. Đặc biệt có những phiên chất vấn thú vị, các đại biểu nói những vấn đề rất trực diện, quyết liệt để lưu ý đối với Chính phủ trong điều hành.
* Ông là chủ một DN, liệu rằng trên nghị trường ông cũng có thể quyết liệt như thế?
- Đã tham gia nghị trường, tôi phải đóng góp ý kiến cho tới nơi tới chốn chứ không thể làm nửa vời. Đã làm thì phải làm cho tròn trách nhiệm của mình, của người đại diện tiếng nói cử tri, đặc biệt là khối DN.
Tôi cho rằng chất vấn Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội, song vấn đề phải có nhiều đóng góp về giải pháp để đưa ra những quy định pháp lý logic, khoa học, chặt chẽ và minh bạch.
Hiện nay ở nước ta còn tình trạng luật ra rồi mà chưa thi hành được, làm thế nào luật phải đi kèm hướng dẫn thi hành, không phải chờ Chính phủ ra nghị định, thông tư hướng dẫn mới được áp dụng. Sắp tới nếu có ý kiến đóng góp, tôi nghĩ tại sao Quốc hội không kết hợp với Chính phủ để mà ra luật và ra luôn những quy định về thi hành.
* Bản thân DN của ông cũng gặp khó khăn chung do dịch bệnh, liệu rằng thời gian tới vừa chèo lái con thuyền DN vừa tham gia nghị trường ông có đủ thời gian để đảm đương?
- May mắn tôi vừa chuyển giao thế hệ (con trai ông Hải thay cha làm tổng giám đốc điều hành - PV), nếu tôi kiêm nhiệm vừa chủ tịch vừa tổng giám đốc, tôi không còn thời gian để đảm đương, không thể làm tròn nhiệm vụ của mình ở cả hai nơi. Còn bây giờ, tôi hoàn toàn có thời gian để tham gia nghị trường nếu trúng cử.
* Ông Trịnh Chí Cường (tổng giám đốc Công ty CP nhựa Đại Đồng Tiến):
Đặt lợi ích quốc gia trên hết
Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi hi vọng đóng góp trí tuệ, ý kiến để xây dựng cho cái chung. Tôi cho rằng DN mạnh phải là sức mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế, do đó tôi mong muốn đóng góp ý kiến sao cho quốc gia tốt hơn, cạnh tranh quốc tế tốt hơn, môi trường làm việc hiệu quả hơn...
Nếu là đại biểu Quốc hội, tôi phải đặt lợi ích quốc gia trên hết, làm sao các DN có thể cạnh tranh trên trường quốc tế chứ không gói gọn trong lợi ích của DN hay lợi ích ngành nghề.
Ứng cử Đại biểu HĐND TP.HCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19
Chia sẻ với Tuổi Trẻ khi ứng cử làm đại biểu HĐND TP.HCM, 3 doanh nhân nhấn mạnh mong muốn cũng như trăn trở để phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
* Ông Trần Việt Anh (tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn):
Tập trung hỗ trợ phục hồi DN hậu COVID-19
Nếu tham gia HĐND TP.HCM, tôi sẽ tập trung vào chương trình phục hồi DN hậu COVID-19, đầu tiên là bảo vệ và giữ vững việc làm cho người lao động trong giai đoạn COVID-19 bị lung lay.
Tiếp đến tập trung tạo công việc cho cộng đồng DN, DN cá thể, nhỏ và vừa, đưa dần vào hoạt động kinh tế số bởi đây là nhóm yếu nhất, dễ tổn thương nhất.
Cuối cùng, tôi sắp là chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải VN, do đó tôi mong muốn tập trung vào tái chế và xử lý chất thải TP.HCM. Đây là vấn đề vướng mắc từ lâu, nhiều người làm nhưng chưa làm đến nơi đến chốn.
* Ông Nguyễn Đặng Hiến (tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh):
Nói lên tiếng nói DN vì cái chung
Ở vị trí của một đại biểu HĐND TP, tôi phải chú trọng đóng góp vào những gì các DN đang cần, các lĩnh vực kinh tế TP.HCM đang cần và làm sao khai thông ách tắc, khó khăn mà DN đang gặp phải.
Ở góc độ DN, tôi thấy rằng mình phải có trách nhiệm thể hiện tiếng nói của đại đa số của các DN TP.HCM bởi đây không phải là cho bản thân một DN, một ngành nghề mà cho sự phồn vinh của TP.HCM.
* Ông Nguyễn Viết Toàn (giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật tự động ETEC):
Tăng chuyển đổi số trong DN
Tôi ứng cử HĐND TP với mong muốn mình cũng là đầu mối để các cơ quan ở TP.HCM nắm được tình hình DN chuyển đổi số trong các nhà máy sản xuất, trong các DN nhỏ và vừa, các khó khăn thách thức của cộng đồng DN.
Tôi phải chuyển tải những khó khăn của DN, giúp các nhà hoạch định chính sách tiếp cận sát hơn với những trăn trở của cộng đồng DN, mong đợi của DN.
Chuyên môn của tôi là lĩnh vực tự động hóa, đang làm nhiều chương trình chuyển đổi số cho Hội Tự động hóa TP.HCM nên tôi cũng là một đầu mối để giúp HĐND, các lãnh đạo tiếp cận trong việc chuyển đổi số ở các nhà máy sản xuất. Khi đó năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các DN cũng được nâng cao nhiều lần.
TP.HCM: 16 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết đã đề cử hai doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) là ông Lê Viết Hải (sinh năm 1958) - chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiêm chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM, cùng ông Trịnh Chí Cường (sinh năm 1982) - tổng giám đốc Công ty CP nhựa Đại Đồng Tiến.
Ba doanh nhân được hiệp hội đề cử để tham gia ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) và ông Nguyễn Viết Toàn - giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật tự động ETEC.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri nơi công tác giới thiệu người ứng cử vừa được tổ chức, các doanh nhân trên đều đã được 100% cử tri biểu quyết tán thành.
Đến 17h chiều 14-3 (hạn cuối nhận hồ sơ), Ủy ban bầu cử TP.HCM đã nhận 54 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và 173 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP. Trong đó, 16 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 13 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP. Đặc biệt, có 8 người vừa tự ứng cử đại biểu Quốc hội vừa ứng cử đại biểu HĐND TP.
Theo quy định, TP.HCM sẽ bầu ra 30 đại biểu Quốc hội và 95 đại biểu HĐND TP.
Theo Tuổi Trẻ
NGỌC HIỂN thực hiện
Xem lin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Hòa bình là giải pháp cho tất cả
TTO - "Mối quan tâm lớn nhất của tôi là hòa bình", chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình...
Tân CEO Hòa Bình: ‘Tôi không áp lực khi...
9X Lê Viết Hiếu, người vừa được bổ nhiệm CEO Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết không...
Design & Build: Chiến thuật đấu thầu...
Hai năm trúng 2 gói thầu lớn tại cụm dự án Ecopark với tổng giá trị hơn 3.300 tỷ đồng, Tập...