Doanh nhân Lê Viết Hải: Hòa Bình vững vàng vượt khó, nỗ lực đưa ngành xây dựng công nghiệp Việt Nam ra toàn cầu
news
Baoquocte.vn. Làn sóng đại dịch Covid-19 bùng phát với những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như kinh tế xã hội toàn cầu và Việt Nam. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT vững vàng vượt khó, đồng thời tích cực đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch bệnh, góp phần cùng cả nước đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Dự án Saigon Centre do Hoà Bình là tổng thầu là sự khẳng định năng lực của các nhà thầu nội Việt Nam.
Bản lĩnh thép vượt qua sóng gió
HBC là một trong số ít doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng “siêu tốc”, duy trì ổn định cứ 5 năm lại tăng gấp 5 lần trong suốt 3 thập kỷ thành lập và phát triển của mình. Đến năm 2019, thị trường của ngành bất động sản ở Việt Nam tiếp tục khó khăn kéo dài do không có nhiều dự án mới được cấp phép, HBC vẫn nỗ lực xoay sở tìm các dự án dân dụng vốn là thế mạnh của doanh nghiệp và đã tích cực chuyển hướng tiếp cận, mở rộng năng lực sang thi công các dự án công nghiệp, cuối năm dù không đạt tăng trưởng như mục tiêu song vẫn đem về cho công ty doanh thu 18.822 tỷ đồng - là công ty xây dựng trong nước có doanh thu cao nhất năm đó. Năm 2020, “cú đấm bồi” của đại dịch Covid-19 và hiện vẫn đang kéo dài tới nay đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của các ngành nghề, trong đó lĩnh vực xây dựng vốn đã gặp nhiều khó khăn từ các năm trước thì nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự xuất hiện và bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đặt ra rất nhiều thách thức và được xem như “phép thử” đối với các doanh nghiệp. Là nhà thầu tổng hợp xây dựng hàng đầu Việt Nam với lịch sử 34 năm xây dựng và phát triển, đã trải qua bao thăng trầm, một lần nữa HBC đối diện thách thức lớn này. Giống như các lần trước, HBC vẫn bình tĩnh, nhanh chóng định vị lối đi trong bão tố, tìm kiếm các giải pháp đối phó với khủng hoảng, trong đó có nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm tái cấu trúc hệ thống quản lý, mô hình kinh doanh, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính song song với tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, thị trường… Hơn 3 tháng “đóng băng” do dịch với rất nhiều công trình trong cả nước phải tạm ngưng thi công thực hiện theo chỉ thị giãn cách xã hội, HBC vẫn nỗ lực tìm kiếm các nguồn việc dự án mới và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho tái khởi động trở lại khi các thành phố tháo gỡ, nới lỏng giãn cách vào đầu tháng 10 mới đây. Thành quả đạt được là lũy kế tổng giá trị trúng thầu tính đến đầu tháng 10, HBC đã vượt kế 14,6 % kế hoạch năm 2021 đặt ra.
Ở HBC, “Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng” - câu nói được xem là kim chỉ nam và tôn chỉ hành động của doanh nghiệp, của từng thành viên. Chính những sóng gió, gập ghềnh chông gai trong hơn chặng đường 3 thập kỷ đã hun đúc một bản lĩnh thép của người Hòa Bình mà đầu tàu là người thuyền trưởng Lê Viết Hải.
Doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19
Trong 3 tháng dịch Covid-19 hoành hành, ông Lê Viết Hải vẫn luôn đau đáu trăn trở về các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân và không để kéo dài tình trạng đứt gãy sản xuất kinh tế. Không chỉ dừng ở suy nghĩ, tháng 7 ông đã gửi công văn kiến nghị đề xuất công thức “7K+3T” trong công tác phòng chống dịch bệnh (7K: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" + 3T: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc"). Công thức được phát triển dựa trên Thông điệp 5K của Bộ Y tế và chắt lọc từ những thông tin tìm hiểu, nghiên cứu theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế và sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia nhằm phổ biến trong nội bộ công ty và gia đình các thành viên trên tinh thần hết sức chủ động phòng chống đại dịch Covid-19. Ông mong muốn, khi được phổ biến và áp dụng rộng rãi, công thức “7K + 3T" không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà sẽ còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh, đặc biệt là hiện nay Chính phủ xác định mỗi người dân sống chung an toàn với dịch bệnh.
Đầu tháng 8, đại diện cho Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA) trong vai trò Chủ tịch SACA ông đã tiếp tục gửi công văn cho Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trình bày một số tồn tại, vướng mắc và kiến nghị giải pháp về công tác phòng dịch và chống dịch trong cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng. Công văn chỉ rõ sự bất cập và đưa ra các giải pháp khắc phục cần thiết. Có một số những nội dung đề xuất này đã được Chính phủ, Bộ Y tế và một số bộ ngành xem xét và áp dụng triển khai sau đó như: có kế hoạch thống nhất chỉ đạo phương án phòng chống dịch của các đơn vị trên địa bàn vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, ưu tiên tiêm vaccine chống dịch cho những người công tác tại cảng, nhân viên giao nhận, lái xe trong chuỗi cung ứng vận chuyển.
Cùng với những kiến nghị giải pháp, HBC đã tích cực tham gia đồng hành các chương trình thiện nguyện cho lực lượng y tế tuyến đầu, giúp đỡ người dân nghèo vượt qua cơn “bạo bệnh covid” bằng sự đồng cảm, giàu lòng trắc ẩn và tinh thần tương thân tương ái.
Lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Hoà Bình và đối tác Hàn Quốc Hyundai.
Tiên phong đưa ngành xây dựng Việt Nam ra toàn cầu
Tại lễ kỷ niệm trực tuyến 34 năm thành lập vào cuối tháng 9 vừa rồi, trước toàn thể CBCNV, ông Lê Viết Hải đã chia sẻ về định hướng mục tiêu của Tập đoàn trong 10 năm tới. “Tôi mong rằng cũng vào ngày này của năm 2032 khi chúng ta kỷ niệm 45 năm thành lập, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ phải là tập đoàn xây dựng của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ ra thị trường nước ngoài và tốc độ phát triển của 6 chu kỳ trước đây phải được khôi phục trở lại”.
HBC lần đầu tiên xuất ngoại cách đây đúng 10 năm vào 2011, tham gia quản lý dự án cao cấp Le Yuan Residence ở Kuala Lumpur, từ đó có bước tiến mở rộng sang Myanmar, Kuwait… từng bước thâm nhập thị trường thế giới dù gặp không ít khó khăn. Từ chỗ chỉ làm thầu phụ cho nhà thầu quốc tế ở các dự án quy mô thì đến nay năng lực của nhà thầu nội không còn thua kém bất cứ nhà thầu ngoại. Từ năm 2014 khi Hòa Bình trúng thầu dự án Saigon Centre và năm 2015 Coteccons trúng thầu dự án Landmark 81, bóng dáng các nhà thầu ngoại đã thưa dần ở thị trường xây dựng Việt Nam. “Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác thì chúng ta không còn có nhiều cơ hội để học hỏi, không có cơ hội để cọ sát đã làm cho sự tiến bộ của chúng ta bị chậm lại”, ông Hải thẳng thắn bày tỏ. Đó cũng là lý do để HBC thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ở TP. Thủ Đức, các công việc đang được rốt ráo triển khai trước khi đi vào hoạt động. Thị trường xây dựng nước ngoài rộng lớn và tiềm năng là cái đích mà HBC muốn chinh phục, là con đường phát triển kể từ khi đặt chân ra nước ngoài vào thập kỷ trước cũng như xác định cho mình vai trò tiên phong, vai trò cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng nước nhà. “HBC không thể cứ đi giải những bài toán đơn giản, không thể mãi bước đi trên con đường bằng phẳng để có được thành công rực rỡ và xứng đáng để doanh nghiệp tự hào”. Ông Lê Viết Hải vẫn thường nhắc nhở, khích lệ cho bản thân mình và nhân viên, rằng “chính những bài toán khó, chính những thử thách cam thử thách cam go mới xứng đáng để chúng ta nỗ lực”.
Tận tâm cống hiến, phụng sự xã hội để đem đến những điều giá trị nhất là sứ mệnh mà ông Lê Viết Hải luôn tâm niệm và thực thi trong cuộc đời của mình. Ông là doanh nhân luôn trăn trở, đau đáu với niềm đau của đồng loại, của nhân tình thế thái và mong muốn góp sức dù chỉ là nhỏ nhoi tài trí của mình để đưa ngành xây dựng Việt Nam vươn xa và có vị thế trên thế giới.
Chủ tịch Lê Viết Hải giới thiệu cuốn sách "Thập kỷ vàng - Trang sử mới" vào tháng 6/2020, phân tích cơ hội phát triển của ngành Xây dựng ở Việt Nam.
Thúc đẩy thực thi sáng kiến “hòa bình” bắt đầu từ giáo dục
Là người sáng lập một doanh nghiệp mang tên Hòa Bình ông Lê Viết Hải đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp để kiến tạo một nền hòa bình bền vững cho thế giới; qua đó, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam. Ông đang tích cực vận động thực thi một sáng kiến dự định sẽ được đệ trình lên Liên Hiệp quốc. Sáng kiến đó là đề nghị Liên Hiệp quốc tổ chức soạn thảo môn học “Giáo dục Công dân Toàn cầu” và thông qua Liên Hiệp quốc định hình một cơ chế nhằm đảm bảo 100% trẻ em trên toàn thế giới đều được tiếp thu một cách trọn vẹn môn học đó. Nếu kiến nghị đó được thực thi nhân loại sẽ có một thế hệ mới đầy lòng nhân ái, vị tha, biết tôn trọng luật pháp và công lý; biết yêu chuộng và gìn giữ hòa bình, biết ghê sợ và xa lánh chiến tranh. Từ đó sẽ góp phần kiến tạo hòa bình lâu dài, bền vững cho thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Theo Thế giới và Việt Nam
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Khát vọng đưa ngành xây dựng Việt Nam...
Tăng cường xuất khẩu ngành xây dựng sẽ đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đưa xây dựng sớm...
Chủ tịch HBC: Không có rủi ro làm ảnh...
"Chúng tôi khẳng định những thông tin đã công bố trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán năm...
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Top 1 Nhà...
Ngày 22.4.2022, Lễ công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2022 đã...