Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi 585 tỷ đồng - cao gấp 8,5 lần cùng kỳ, đâu là nguyên nhân?
news
2 yếu tố chính: Biên lợi nhuận gộp tăng đột biến và lợi nhuận khác đột biến từ thanh lý tài sản đã đem lại lợi nhuận cho Hòa Bình mặc dù hoạt động kinh doanh chính vẫn lỗ.
Sau khi báo lỗ gần 2.600 tỷ trong năm 2022 và hơn 440 tỷ trong quý 1/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã báo lãi trở lại trong quý 2/2023. Kết quả có lãi đến từ 2 yếu tố chính: Biên lợi nhuận gộp tăng đột biến và lợi nhuận khác đột biến từ thanh lý tài sản.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 2/2023 của Hòa Bình đạt gần 2.300 tỷ đồng – giảm 44% so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lợi nhuận gộp bất ngờ lên tới 18% trong khi quý 2/2022 chỉ chưa đầy 5%. Biên lợi nhuận gộp của Hòa Bình trong quá khứ chỉ dao động quanh mức 6-9%.
Mặc dù sự đột biến này tạo ra mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi lên 423 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 70 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỷ đồng.
Công ty không thuyết minh chi tiết về khoản dự phòng này.
Nhờ 656 tỷ từ thanh lý tài sản cố định, Hòa Bình báo lãi trước thuế 585 tỷ đồng – cao gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước.
Thuyết minh cho biết công ty đã thanh lý 1.293 tỷ đồng máy móc thiết bị trong kỳ. Phần máy móc thiết bị này đã khấu hao hơn 857 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 17/6/2023, HĐQT đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Tập đoàn) cho nhà đầu tư Ashita Group mua lại một phần số máy móc thiết bị trên với giá 1.100 tỷ đồng. Hòa Bình cũng thông qua việc bán toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Một Thành Viên Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình (HBIC) là 167 tỷ.
Danh sách đầu tư vào công ty liên kết của Hòa Bình xuất hiện thêm Công ty Thành Ngân với vốn góp 193 tỷ đồng. Đây là công ty sở hữu dự án 127 An Dương Vương, P. 10, Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư vào Thành Ngân là một trong 6 quyết định lớn mà Hòa Bình tuyên bố thực hiện nhằm lấy lại vị thế.
Tổng nợ của Hòa Bình giảm gần 1.000 tỷ. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm 455 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn giảm 670 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm 284 tỷ đồng.
Tại Báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết, tính đến ngày 30/6, đã có 98 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 1.000 tỷ đồng.
Lan Hạ
Theo Cafef
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Doanh nhân Lê Viết Hải, CEO địa ốc...
Không giống như những gì người ta vẫn hình dung về một ông chủ doanh nghiệp xây dựng, thẳng...
Hòa Bình vững vàng vượt khó, an toàn...
Xuất hiện ổ bệnh đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc, bóng đen Covid-19 đã bao phủ toàn cầu...
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình Lê Viết...
Tại sao một quốc gia đã xuất sắc chiến thắng “giặc” Covid-19 khiến cho cả thế giới phải...