Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và những dấu ấn trên hành trình "vượt khó, vươn khơi"

news

(Reatimes) - Xuyên suốt chặng đường phát triển của đất nước, ngành xây dựng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, là thước đo phản ánh sự phát triển, đóng góp trực tiếp vào quá trình hình thành tài sản cố định của một quốc gia. Mỗi tuyến đường, khu đô thị, nhà máy, trung tâm thương mại... là tiền đề thiết yếu để đưa các lĩnh vực khác cùng “cất cánh”. Vì lẽ đó, sự phát triển của ngành xây dựng là một quy luật tất yếu trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhìn lại chặng đường gần 40 năm đổi mới, ngành xây dựng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận - không chỉ về quy mô, mà còn về chất lượng và trình độ áp dụng khoa học công nghệ. Thị trường bất động sản và hạ tầng ngày càng khởi sắc, diện mạo đô thị thay đổi rõ nét, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước ngày càng khẳng định năng lực cạnh tranh, từng bước thay thế nhà thầu ngoại để đảm nhận vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn, yêu cầu cao về cả kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Đây không chỉ là thành công của ngành xây dựng, mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của trí tuệ và năng lực Việt Nam.

                                                                                         

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và theo dõi sự phát triển của ngành xây dựng, nhìn nhận:

“Ngành xây dựng đảm nhận nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng - yếu tố thiết yếu bảo đảm cho dòng chảy kinh tế được thông suốt. Đồng thời, ngành cũng góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua việc kiến tạo nhà ở, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa và phúc lợi xã hội. 

Không chỉ dừng lại ở vai trò phục vụ dân sinh, xây dựng còn góp phần tạo nên diện mạo hiện đại cho đất nước thông qua các công trình kiến trúc, đô thị, giao thông quy mô lớn - những biểu tượng cho sự phát triển và hội nhập. Trên phương diện kinh tế, ngành này còn đóng vai trò là động lực tăng trưởng, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư và tạo ra hàng triệu việc làm, từ đó lan tỏa tác động tích cực đến các ngành liên quan như vật liệu, thiết kế, vận tải, tài chính. 

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào một giai đoạn mới với khát vọng vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tầm quan trọng của ngành xây dựng lại càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết".

Có thể khẳng định rằng, một quốc gia muốn đi nhanh và đi xa thì không thể thiếu một ngành xây dựng hiện đại, năng động và hội nhập. Xây dựng không chỉ là dựng công trình mà là dựng tương lai, dựng bản sắc và dựng vị thế quốc gia. Trong hành trình vươn mình mạnh mẽ của đất nước, có những doanh nghiệp không chỉ làm nên những công trình bê tông cốt thép, mà còn góp phần dựng nên bản lĩnh và khát vọng Việt. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong số đó - một “cánh buồm ngược gió” đã vượt qua những con sóng lớn để từng bước khẳng định mình và đưa thương hiệu xây dựng Việt ra thế giới.

Vượt sóng gió thương trường để thấy "còn khát vọng là còn tất cả" 

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Năm 1987, trong bối cảnh đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới với muôn vàn khó khăn, doanh nhân Lê Viết Hải đã cùng 5 kỹ sư và 20 cộng sự thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình - một đơn vị chuyên thiết kế và thi công các công trình nhà ở tư nhân. Ngay từ những ngày đầu, doanh nghiệp đã trở thành một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn đầu tư trang bị máy vi tính cá nhân cho văn phòng nhằm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chuyên môn và quản lý xây dựng. Việc đầu tư này không những làm tăng hiệu suất công tác mà còn thúc đẩy, nâng cao sự năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới của nhân viên.

Từ nền tảng ban đầu ấy, Hòa Bình nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động, từng bước đảm nhận nhiều công trình thương mại như nhà hàng, khách sạn, tòa nhà văn phòng... Trong suốt 30 năm đầu tiên kể từ ngày thành lập, Hòa Bình duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với mỗi chu kỳ 5 năm lại tăng trưởng gấp 5 lần. Đến nay, Tập đoàn đã thi công gần 400 công trình lớn trải dài từ Bắc tới Nam, hiện diện nơi những dãy núi trùng điệp, cánh đồng mênh mông, dòng sông êm đềm, bờ biển nên thơ hay các đô thị sầm uất, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động.

Chính hành trình không ngừng vươn lên ấy đã giúp Hòa Bình để lại dấu ấn trên nhiều công trình tiêu biểu như khách sạn Riverside, khách sạn International, Food Center of Saigon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments... Dần dần, tên tuổi Hòa Bình được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến và tin tưởng mời tham gia dự thầu các dự án của họ. Đây cũng chính là cơ hội để Hòa Bình quy tụ được đội ngũ đông đảo kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân lành nghề, đồng thời xác định rõ hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp: Chuyên sâu vào thi công các công trình đòi hỏi kỹ - mỹ thuật cao.

Thế nhưng, “thuận buồm xuôi gió không làm nên tay lái giỏi”, khó khăn xuất hiện như để thử thách ý chí và năng lực của doanh nghiệp. Trong giai đoạn năm 2015 - 2020, Hòa Bình dồn phần lớn nguồn lực vào các dự án du lịch - nghỉ dưỡng, một lĩnh vực vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài và dễ bị tổn thương khi có biến động. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch gần như tê liệt, nhiều chủ đầu tư không còn khả năng thanh toán đúng hạn. Trong bối cảnh đó, thay vì kịp thời dừng thi công để giảm thiểu thiệt hại, Hòa Bình đã không ngần ngại dùng hạn mức tín dụng của mình hỗ trợ chủ đầu tư lúc khó khăn, đồng thời giữ chân lực lượng lao động, do đó nhiều dự án khách sạn, resort, condotel… vẫn tiếp tục được thi công. Khách quan mà nói, việc tiếp tục thi công trong giai đoạn khó khăn không đơn thuần là sự lạc quan cảm tính, mà còn phản ánh một văn hoá doanh nghiệp đặt con người và chữ tín lên hàng đầu. Dù thiếu nguồn thu, Hòa Bình vẫn ưu tiên giữ việc làm cho hàng nghìn kỹ sư, công nhân và duy trì tiến độ để bảo vệ uy tín với đối tác. Đó không chỉ là lựa chọn kinh doanh, mà còn là lựa chọn đạo đức - điều làm nên sức mạnh mềm của doanh nghiệp trong bối cảnh khắc nghiệt nhất. Hành động xuất phát từ thiện chí, nhưng lại khiến dòng tiền của doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Hậu quả càng trầm trọng hơn khi thị trường bất động sản trong nước rơi vào khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao.

Đỉnh điểm là vào đầu năm 2023, một mặt Hòa Bình không thu được nợ khách hàng, mặt khác Tập đoàn không có những dự án mới trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, cũng có nghĩa là không có thêm nhiều việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn, và cũng không có nguồn tiền bổ sung để duy trì hoạt động liên tục. Trong khi đó, những nỗ lực tái cấu trúc thị trường không thể thực hiện một sớm một chiều hay đạt được kết quả trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, việc tái cấu trúc cũng cần một nguồn tài chính đáng kể để đầu tư. Khó khăn chồng chất nhưng chưa bao giờ Hòa Bình trốn tránh mà luôn dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề để tìm cách giải quyết.

Dưới áp lực tài chính lớn sau khủng hoảng, Hòa Bình xác định tái cấu trúc toàn diện là nhiệm vụ cấp bách để vực dậy doanh nghiệp và từng bước khôi phục vị thế số 1 ngành xây dựng. Trọng tâm là tái cấu trúc tài chính: Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà cung cấp, nhà thầu phụ nhằm tăng vốn điều lệ, giảm áp lực nợ và gắn kết lợi ích các bên khi họ trở thành cổ đông chiến lược. Doanh nghiệp cũng tập trung thu hồi công nợ, tái cấu trúc khoản vay ngân hàng, tái cấp tín dụng, đồng thời định giá lại tài sản để phản ánh đúng giá trị hiện tại.

Một bước đi đáng chú ý là việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec với giá 1.100 tỷ đồng, giúp bổ sung nguồn vốn lớn cho hoạt động kinh doanh. Song song đó, Hòa Bình tiến hành tinh gọn hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường quản trị rủi ro. Chỉ những công ty thành viên có hoạt động hiệu quả mới tiếp tục được đầu tư và hướng đến IPO; các đơn vị kém hiệu quả sẽ bị thoái vốn hoặc giải thể nhằm quản lý tốt dòng tiền và thúc đẩy sự chủ động, minh bạch trong toàn hệ thống.

Bên cạnh tài chính và quản trị, Hòa Bình cũng thực hiện tái cấu trúc sản phẩm và thị trường, chọn lọc dự án dựa trên năng lực tài chính của chủ đầu tư và tính khả thi. Đồng thời, doanh nghiệp duy trì củng cố thị trường trong nước và đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế như một chiến lược nâng cao chất lượng doanh thu và biên lợi nhuận trong dài hạn.

Hành động tái cấu trúc mạnh mẽ cho thấy tính linh hoạt và tinh thần chủ động trong điều hành của Hòa Bình. Doanh nghiệp không chọn cách “án binh bất động” chờ thị trường phục hồi, mà tự tái thiết để thích ứng với thực tại. Đó là minh chứng cho thấy tư duy chiến lược dài hạn và năng lực quản trị chuyên nghiệp, trong đó khủng hoảng không chỉ được nhìn nhận là thách thức, mà còn là cơ hội để học cách xây nền tảng vững chắc hơn cho hành trình trở lại vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam.

Doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từng chia sẻ: “Dù sóng to gió lớn, dù mây đen bao phủ, nhưng không thể che lấp được tia sáng ở cuối chân trời. Chúng tôi, những con người Hòa Bình, luôn nuôi khát vọng bỏng cháy trong tim mình, cùng với tinh thần lạc quan nhìn về tương lai, vẫn không ngừng nỗ lực và quyết tâm đi tới phương trời tươi sáng đó”.

                                                                                     

Có kế sách, có hành động, những nỗ lực của doanh nghiệp cuối cùng cũng được đền đáp. Tháng 5/2024, Hòa Bình đã được BCI Asia trao giải “Top 10 nhà thầu xây dựng hàng đầu 2024 tại Việt Nam”, giải thưởng được xét duyệt và công nhận căn cứ trên tổng giá trị phần xây lắp của những dự án đang trong giai đoạn thi công được khởi công trong hai năm 2022 và 2023, kết hợp nhân hệ số đối với dự án có đăng ký chứng chỉ “Xanh”. Danh hiệu này đánh dấu thêm một cột mốc mới trên hành trình không ngừng bứt phá của doanh nghiệp. Đằng sau vinh quang là chuỗi ngày Hòa Bình kiên trì đổi mới và dám bước ra khỏi vùng an toàn. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, chính tinh thần bền bỉ và không khuất phục ấy tạo nên nội lực thật sự, giúp Hòa Bình không chỉ trụ vững mà còn phát triển bền vững trên chặng đường phía trước.

Biến khát vọng thành hiện thực trên hành trình "xuất khẩu xây dựng"

Trong các buổi làm việc với Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hải nhiều lần nhấn mạnh rằng Việt Nam cần có một chiến lược mang tầm quốc gia để đưa ngành công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với Hòa Bình, mục tiêu vị trí “nhà thầu tổng hợp số 1” tại Việt Nam không phải là đích đến cuối cùng, mà chỉ là bước đệm để hiện thực hóa một khát vọng lớn hơn, góp phần khẳng định vị thế của quốc gia, dân tộc trên bản đồ xây dựng toàn cầu.

“Sứ mệnh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là dấn thân cùng đồng nghiệp và Nhà nước đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam ra thế giới. Chúng ta hãy cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng, không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ, phát huy trí tuệ Việt Nam vào từng sản phẩm, dịch vụ để đưa ngành công nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng của nước nhà vươn ra biển lớn”, doanh nhân Lê Viết Hải bày tỏ.

Nỗi trăn trở của Chủ tịch Lê Viết Hải về việc “xuất khẩu ngành xây dựng” xuất phát từ thực tiễn: Thị trường xây dựng trong nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng biên lợi nhuận lại rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Việt Nam có khoảng 9.000 kỹ sư xây dựng trên mỗi triệu dân, cao gấp ba lần mức trung bình của thế giới. Thế nhưng, lợi thế về nhân lực này lại chưa được chuyển hóa thành giá trị kinh tế tương xứng. Các chủ đầu tư thường có vị thế “cửa trên” so với nhà thầu, đấu thầu chủ yếu dựa vào giá rẻ, khiến biên lợi nhuận gộp của các công trình rất thấp. Hòa Bình, dù là một tập đoàn có thương hiệu, có tên tuổi cũng không tránh khỏi áp lực ấy. Trong khi đó, thị trường xây dựng thế giới có quy mô rất lớn, hiện lên đến trên 12.000 tỷ USD/năm và tăng trưởng từ 2 - 3% một năm. Một số dự án xây dựng ở nước ngoài hiện đang mang lại biên lợi nhuận gộp từ 20 - 30%, cao hơn rất nhiều so với mức phổ biến trong nước (khoảng 5 - 10%). Đó chính là thị trường đáng mơ ước để Hòa Bình và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và chiếm lĩnh thị phần.

Trong bối cảnh đó, doanh nhân Lê Viết Hải khẳng định rằng hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị là phải xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp, không chỉ là xuất khẩu lao động giản đơn mà là xuất khẩu năng lực thi công, quản lý và công nghệ. Ông cho biết, nhiều thị trường nước ngoài tiềm năng rất lớn, trong khi năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với nhà thầu nước ngoài cả về tiến độ, chất lượng và an toàn.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ hội dân số vàng. Giai đoạn 2020 - 2030 là thời kỳ cuối cùng Việt Nam còn lợi thế dân số trẻ với lực lượng lao động dồi dào. Sau thời kỳ này, nếu không kịp thời bứt phá, đất nước có thể rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”, đối mặt với thiếu hụt nhân lực và rủi ro mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, thập kỷ hiện tại là cơ hội vàng không thể bỏ lỡ. Nếu có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành quốc gia phát triển với thu nhập cao.

Thực tế cũng cho thấy, mục tiêu xuất khẩu công nghiệp xây dựng là hoàn toàn có cơ sở. Từ một quốc gia từng phải nhập khẩu gần như toàn bộ vật liệu xây dựng, Việt Nam hiện đã chủ động được sản xuất trong nước và thậm chí dư thừa khoảng 10 - 30% công suất cho xuất khẩu. Nhiều nhà máy đã dành đến 90% sản lượng cho thị trường nước ngoài. Đây chính là cơ sở vật chất vững chắc để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Việt phát triển trên thị trường toàn cầu.

Với riêng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nền tảng đã được hình thành từ những ngày đầu thành lập khi doanh nghiệp đào tạo được một đội ngũ nhân sự hùng hậu, làm chủ công nghệ thi công hiện đại, liên tục cải tiến sáng tạo, đồng thời áp dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều hành và quản lý dự án. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chủ động đầu tư vào máy móc, thiết bị, công nghệ thi công hiện đại. Điều này đã giúp Hòa Bình không chỉ cạnh tranh về giá mà còn vượt trội về tiến độ, chất lượng và an toàn - những yếu tố quyết định trong ngành xây dựng toàn cầu.

Doanh nhân Lê Viết Hải khẳng định: “Với năng lực của HBC, chúng tôi tự tin có thể thay thế các nhà thầu của Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… tại các quốc gia”. Quả thực, không dừng lại ở vai trò người đi trước về tư duy, Hòa Bình là đơn vị tiên phong triển khai trong thực tiễn, mở đường cho ngành xây dựng Việt Nam bước ra thế giới.

Từ năm 2011, doanh nghiệp đã bắt đầu hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” với dự án đầu tay Le Yuan Residence tại Kuala Lumpur, Malaysia. Kể từ đó, Hòa Bình lần lượt mở rộng sự hiện diện tại Myanmar, Kuwait, Canada, Mỹ, Australia và mới đây là Kenya. Tại Mỹ, Tập đoàn đã cung cấp dịch vụ quản lý dự án và vật liệu xây dựng cho một số khách hàng, đồng thời đang trong quá trình thương thảo liên doanh với các đối tác tại bang California, kỳ vọng có thể đạt thỏa thuận vào năm 2025. Hoạt động tương tự cũng được triển khai tại Australia. Vào tháng 2/2024, doanh nghiệp đã nhận được thư dự định giao thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya với tổng giá trị hợp đồng khoảng 70 triệu USD cho 3.500 căn.

Tính đến nay, Hòa Bình đã thi công hàng trăm công trình tại hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam, hợp tác với hơn 20 nhà thầu có tên tuổi từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Australia trong một thời gian dài và hiện diện tại 6 quốc gia trên thế giới.

Tập đoàn xác định rõ mục tiêu doanh thu đối với thị trường quốc tế đến năm 2032 là 13 tỷ USD và và đặt mục tiêu vững chắc vào 4 thị trường lớn: Mỹ, Australia, Canada và châu Âu.

Với niềm tin phát triển ngành công nghiệp xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ kéo theo sự tăng trưởng đồng bộ của toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan từ sản xuất vật liệu, trang thiết bị nội ngoại thất, thiết kế kiến trúc đến tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics..., Hòa Bình đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Theo TS. Đặng Việt Dũng, nhìn ở tầm vĩ mô, việc chinh phục thị trường toàn cầu không chỉ mở rộng dư địa tăng trưởng, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tiếp cận và tích hợp tinh hoa công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế ngay tại thị trường nội địa.

Theo đó, “xuất khẩu xây dựng” không chỉ là cứu cánh cho các doanh nghiệp trước áp lực trong nước, mà còn là chiến lược bảo vệ năng lực tự chủ kinh tế nội địa. Chúng ta từng chứng kiến những dự án kỹ - mỹ thuật cao như cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế... bị nhà thầu ngoại chiếm lĩnh. Nếu không chủ động học hỏi và bứt phá, tình trạng “dự án siêu sao chê nhà thầu nội” có thể sẽ lặp lại trong tương lai.

Doanh nhân Lê Viết Hải cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp không phải là đưa lao động giản đơn ra nước ngoài, mà là xuất khẩu tổng lực các giá trị Việt từ nhân sự, công nghệ, kỹ thuật cho đến tư duy quản trị hiện đại. Chúng ta không chỉ cạnh tranh bằng giá, mà còn bằng sự vượt trội trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là công nghệ 4.0. Hòa Bình đang cho thấy con đường ấy là hoàn toàn khả thi nếu có một chiến lược quốc gia đủ dài hơi và sự đồng hành đúng lúc từ chính sách”.

Trên tất cả, Hòa Bình không ngừng nỗ lực để khẳng định vai trò là doanh nghiệp dân tộc tiêu biểu trong lĩnh vực xây dựng. Với khát vọng vươn xa và tinh thần phụng sự, Hòa Bình hướng đến trở thành tập đoàn kinh tế mang đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao niềm tự hào và giá trị thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu.....

                                                                                 

(CÒN TIẾP...)

Xem tiếp tại Reatimes

 

Tin liên quan