CEO Địa ốc Hòa Bình Lê Viết Hải: “Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng”

news

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, không ít lần đứng trước những khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua được. Tuy nhiên, với sự từng trãi và những gì học được từ đức tính kiên nhẫn từ người cha của mình, ông Lê Viết Hải đã vượt qua được những sóng gió trên thương trường.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau một thời gian làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP.HCM, năm 1987, ông Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình. 3 năm sau, Văn phòng nhỏ bé này đã hoàn thành một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ, đó là khách sạn Riverside. Từ cột mốc ấy, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center…

Trải qua hơn 29 năm dấn thân và đưa công ty Hoà Bình (HBC) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, thăng trầm theo phong vũ biểu của nền kinh tế. Ông có thể bắt đầu câu chuyện Hòa Bình ra đời thế nào?

Khi thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình vào năm 1987, tôi đã có suy nghĩ mình phải phát triển công ty có quy mô lớn, xác định trở thành công ty xây dựng tư nhân hàng đầu trong nước. Có thể nói ý tưởng này tại thời điểm đó xem ra khá viển vông, táo bạo trong khi đa số các công ty xây dựng bấy giờ đều thuộc nhà nước, thành phần kinh tế tư nhân còn hoạt động trong điều kiện rất hạn chế.

Chuyện đặt tên Hòa Bình tôi đã suy nghĩ trăn trở rất nhiều. Các công ty xây dựng đa phần được đặt tên gắn liền với các con số và còn ít được chú trọng đến tên riêng, ít có quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu, trong khi lĩnh vực xây dựng thì không thể nhìn thấy, sờ tận tay sản phẩm ngay từ đầu như các sản phẩm hàng hóa khác. Vì thế, tôi nhận thấy muốn phát triển bắt buộc phải dựa trên uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Tên gọi cũng cần phải phù hợp với đặc điểm ngành nghề đó nữa.

Thời kỳ đó đất nước vừa mới thoát khỏi chiến tranh không lâu và mọi thứ cần phải xây dựng lại, nếu chiến tranh là sự hủy diệt thì Hòa Bình là dựng xây, kiến thiết. Ngoài ra, hòa bình không chỉ là mơ ước của Việt Nam sau khi trải qua nhiều cuộc chiến tranh với nhiều mất mát đau thương, cũng còn là niềm mơ ước chung của toàn nhân loại, nên ý nghĩa của thương hiệu này có thể vươn ra phạm vi toàn cầu.

Muốn lãnh đạo thành công thì phải "miệng nói tay làm", trong khi người khác cho rằng làm lãnh đạo giỏi chỉ cần định hướng giỏi. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

Tôi luôn tâm niệm rằng một doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên đều sẵn sàng phục vụ cho khách hàng bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội với tất cả tài năng cùng lòng nhiệt huyết.

Thành công không phải là kết quả mà là một quá trình nỗ lực liên tục và không có điểm dừng, trong đó người lãnh đạo cần phải gương mẫu đi đầu. Chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau và khắc ghi lời giáo huấn của Cha mình, nhà giáo Lê Mộng Đào “Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng” trong mọi lúc, dù mỗi khi thành công hay khi gặp khó khăn thách thức, từ đó luôn tự đặt cho mình những mục tiêu cao hơn để vươn tới.

“Miệng nói tay làm” ở người lãnh đạo chính là chỉ ra được định hướng giỏi, câu nói ở đây không có gì mâu thuẫn. Bởi lãnh đạo có định hướng giỏi là họ đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình rồi. Có thể nói định hướng giỏi là một việc quan trọng nhất của người lãnh đạo bên cạnh các công việc điều hành và chèo lái con thuyền doanh nghiệp.

Ngành xây lắp có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường bất động sản. Khi thị trường địa ốc rơi vào khó khăn, ông đã làm cách nào để đưa HBC "vượt vũ môn"?

Thị trường bất động sản, xây dựng lúc lên lúc xuống giống hình Sin và việc đưa ra các giải pháp ứng phó cũng không hề đơn giản, có nhiều lúc chúng tôi tưởng chừng khó vượt qua được, nhất là vào thời điểm lãi suất vay ngân hàng lên đến hơn 20% và nếu kéo tiếp tục dài lâu hơn thì khó có doanh nghiệp nào đứng vững nổi.

Tại thời điểm khó khăn, chúng tôi luôn tích cực chủ động chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư trên tinh thần cứu người cũng là cứu mình, cũng như giải quyết các mâu thuẫn bằng sự thiện chí và lợi ích phù hợp của mỗi bên. Công ty còn mở rộng thị trường nước ngoài, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tốt trong điều kiện thị trường xây dựng trong nước đóng băng, điều này không những giúp mở rộng thị phần mà còn có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực giúp bảo vệ thị phần trong nước.

Lợi thế cạnh tranh của HBC hiện nay đang ở đâu, dựa trên những nền tảng cốt lõi nào?

Chúng tôi biết rằng thời gian qua HBC đã bị một doanh nghiệp cùng ngành khác bỏ một khoảng cách khá xa về giá thị trường. Tuy nhiên, xét về uy tín, thương hiệu thì hai công ty này vẫn ngang ngữa nhau. Trong thời gian thị trường BĐS khủng hoảng, công ty đã có những chia sẻ với các chủ đầu tư, khiến cho tình hình tài chính công ty gặp khó khăn. Trong suốt thời gian đó công ty vẫn có lợi nhuận dù thấp, nhung kết quả đạt được là thiện cảm, uy tín, chất lượng công trình của Hòa Bình...

Công ty cũng đã tái cấu trúc hoạt động theo những chuẩn mực quốc tế, dựa trên những nền tảng, giá trị bấy lâu thi Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Con số trên thị trường chứng khoản chỉ nói một phần rất nhỏ, trong khi công ty đang đầu tư kỳ công cho một tương lai dài hạn. Hiện Công ty đã mở rộng thị trường sang Malaysia, Trung Đông, Mỹ hay Myanmar với vai trò tư vấn dự án, quản lý xây dựng cho các nhà đầu tư.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016, ông khẳng định rằng HBC thời điểm này phải chinh phục những dự án siêu sao bằng chính nội lực của mình. Tuy nhiên dường như điều này quá khó trong bối cảnh ngành xây dựng của chúng ta hiện nay?

Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động cốt lõi của Hòa Bình vẫn tập trung vào lĩnh vực xây dựng. Công ty hiện đang đảm nhiệm vai trò tổng thầu của nhiều dự án siêu sao, những dự án có quy mô đẳng cấp quốc tế của các chủ đầu tư nước ngoài, tư vấn quốc tế quản lý và đáp ứng đầy đủ, tốt nhất các yêu cầu của họ đề ra. Tham gia vai trò tổng thầu các dự án siêu sao là một thành công của chúng tôi, không chỉ chứng minh cho năng lực chuyên môn của công ty mà còn của các nhà thầu nội nói chung.

Để đáp ứng và thực hiện đồng thời nhiều dự án siêu sao, công tác nhân lực là một nhiệm vụ hàng đầu. Chúng tôi xây dựng chiến lược nhân sự, tuyển dụng và thu hút các nhân tài, chuyên gia giỏi ở trong nước và nước ngoài. Phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo quản lý dự án cho nhân viên, đưa lực lượng kỹ sư đi đào tạo ở nước ngoài bằng các hợp đồng quản lý dự án tại các nước.

Những tập đoàn xây dựng lớn của Hàn Quốc thường được chính phủ nước họ hỗ trợ nhiều mặt khi ra nước ngoài hoạt động. Theo ông, DN Việt Nam cần chính sách gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?

Theo đánh giá và sự trải nghiệm gần 30 năm của chúng tôi, ngành xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp. Lợi thế đáng kể của chúng ta là khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng lại rất thấp, chỉ sau Ấn Độ (thấp 2 – 3 lần, thậm chí 4 lần).

Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan khác. Một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành Xây dựng Việt Nam cao gấp 3 lần bình quân thế giới. Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân; phần còn lại của thế giới là 3.000.

Vì thế, Chính phủ cần xác định xây dựng là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia và có nhiều biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành. Cụ thể là cần quyết liệt hơn nữa để đơn giản hoá các thủ tục xây dựng và đầu tư, đồng thời cho phù hợp theo thông lệ quốc tế càng sớm càng tốt.

Trong đàm phán các hiệp định quốc tế, cần quan tâm đưa vào yêu cầu cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước sở tại, được miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư và phương tiện thi công...

Xin cám ơn ông!

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

Tin liên quan