Thời cơ quý báu của đất nước, cần có người tiên phong
news
Ðó là chia sẻ của người đứng đầu Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch HÐQT Lê Viết Hải khi đặt mục tiêu đưa ngành xây dựng trong nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển ra toàn cầu.
Từ đó, góp phần giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành cường quốc trong thập kỷ vàng. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Viết Hải xung quanh chiến lược này.
Khát vọng vươn ra thế giới tôi đã thấy ở rất nhiều doanh nhân, nhưng tự “quàng” trọng trách phải “viết lên trang sử chói lọi”, phải “điểm thêm một dấu son vào trang sử mới của Việt Nam” liệu có quá ôm đồm không, thưa ông?
Tôi có thể hiểu được suy nghĩ của bạn và chắc chắn nhiều người cũng nghĩ như vậy khi nghe thấy điều này. Bởi chính bản thân tôi cũng đã từng tự hỏi, nói như thế có phải là quá đại ngôn, quá vĩ cuồng? Nhưng theo tôi, vấn đề của nhân loại sau biến cố lịch sử của đại dịch Covid-19 không còn của riêng ai. Mỗi chúng ta đều có phần trách nhiệm với tư cách là một công dân toàn cầu. Thực tế như bạn thấy, đại dịch Covid-19 đã làm cho thế giới thay đổi về mọi mặt; từ tư tưởng, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và công nghệ cho đến các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội. Tôi luôn tự hỏi, trong bước ngoặt lịch sử đó, Việt Nam sẽ làm gì để đóng góp cho sự tiến bộ và văn minh của nhân loại? Tập đoàn xây dựng Hòa Bình sẽ làm gì để đóng góp vào sự phát triển đó trong phạm vi doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động của mình?
- Ông nói khá nhiều về “thập kỷ vàng” của đất nước, của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, của nhân loại sau đại dịch... hình như có gì đó mang tính “nhân duyên” về thời gian, thời điểm ở đây?
Ðó chính xác là những điều khiến tôi suy ngẫm và tự thấy bản thân và tập đoàn phải có trọng trách gánh lấy. Cơ cấu dân số vàng là một điều kiện vô cùng quan trọng để một quốc gia bứt phá và trở thành một cường quốc. Ðất nước chúng ta đã trôi qua 10 năm đầu của giai đoạn cơ cấu dân số vàng (2009 - 2019). Thập kỷ thứ ba (2030 - 2040) nhiều khả năng dân chưa giàu đã già như một số nước. Do đó thập kỷ thứ hai (2020 - 2030) là thập kỷ tối ưu, tốt nhất khi có cơ cấu dân số vàng, một cơ hội cực kỳ quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Với Hòa Bình, qua hơn ba thập kỷ hình thành và phát triển, trang sử của tập đoàn vừa được sang trang vào đúng lúc khởi đầu thập kỷ vàng của Việt Nam và khúc quanh lịch sử của nhân loại sau đại dịch Covid-19. Trong thời cơ quý báu của đất nước, muốn thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế, cần phải có những con người tiên phong, dám nghĩ, dám làm. Và tôi tin rằng Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là nơi có sự hội tụ những con người như vậy.
- Trong cuốn sách Thập kỷ vàng - Trang sử mới ra mắt hồi giữa năm, ông có nói về vai trò của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược đưa công nghiệp xây dựng Việt Nam vươn tầm thế giới. Ông có thể chia sẻ cụ thể về chiến lược đó?
Từ những năm trước Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã có thời gian dài hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều đối tác nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tiên phong qua thị trường Malaysia, Myanmar, Kuwait thi công tìm hiểu. Những bài học kinh nghiệm đầy quý giá từ các nước này giúp cho tập đoàn thêm vững tin nhưng cũng đầy trách nhiệm với vai trò tiên phong trong chiến lược vươn ra toàn cầu. Ở vai trò đó, Hòa Bình mong muốn kéo theo các nhà thầu khác, các chuỗi cung ứng dịch vụ khác cùng ra nước ngoài. Làm được như vậy sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Tôi ví dụ, một năm tập đoàn đầu tư xây dựng 30 tỉ USD trong nước thì giá trị sản lượng trong nước chỉ 30 tỉ USD. Nhưng nếu xuất khẩu được dịch vụ xây dựng tổng thầu và sản phẩm ra nước ngoài, con số thu về cho ngân sách quốc gia sẽ nhân lên gấp nhiều lần.
- Nghe ông nói thì mọi cái có vẻ “ngon lành”, thế nhưng là một nước đi sau, chúng ta có năng lực và lợi thế gì để cạnh tranh với các nhà thầu tên tuổi lẫy lừng thế giới, thưa ông?
Riêng lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng cao tầng, có thể khẳng định Việt Nam đang có một số lợi thế cạnh tranh cao. Ðầu tiên là về giá cả. Giá thành xây dựng nhà cao tầng cho giới trung lưu của nước ta rất cạnh tranh, nằm trong khoảng từ 400 - 600 USD/m2, trong khi các nước phát triển dao động từ 1.800 - 3.000 USD/m2. Ðặc biệt, có những nước rất nghèo nhưng giá xây dựng vẫn rất cao vì họ không đủ năng lực để xây dựng đội ngũ và sở hữu công nghệ xây dựng hiện đại nên phải sử dụng dịch vụ tổng thầu của nước ngoài. Thứ hai là năng lực của nhà thầu. Khi tôi đi tham quan nước ngoài, khó tìm được một công ty có khả năng thi công cả trăm tòa nhà cao tầng trong một năm. Ngay cả Mỹ, Canada, Úc hay châu Âu cũng không có công ty xây dựng nào thi công số lượng nhiều tòa nhà như thế. Vậy mà hiện nay Tập đoàn xây dựng Hòa Bình đã và đang thi công cả trăm tòa nhà cao tầng trong một năm. Tôi có thể khẳng định, từ các yếu tố chất lượng, tốc độ, an toàn và giá thành hợp lý của các công ty xây dựng trong nước, năng lực ngành xây dựng Việt Nam đang hội tụ các điều kiện cần và đủ để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
- Chúng ta đã có nhiều ngành mũi nhọn, chúng ta cũng có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, ông sẽ nói gì để thuyết phục mọi người rằng công nghiệp xây dựng sẽ góp phần giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ vàng này?
Ðúng thế, chọn đúng ngành mũi nhọn để tập trung phát triển là yếu tố vô cùng quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định đến sự phát triển của một quốc gia. Nhật Bản và Hàn Quốc có sự phát triển thần tốc, chỉ hơn 3 thập kỷ đã đưa đất nước lên tầm cao mới cũng chính bằng công nghiệp hóa các ngành kinh tế mũi nhọn. Trung Quốc là nước có sự phát triển kinh tế thần tốc hơn 3 thập niên với chiến lược bốn hiện đại hóa. Ðó là những bài học mà chúng ta cần tham khảo. Trở lại câu hỏi của bạn, tại sao lại là ngành xây dựng? Vì ngành công nghiệp xây dựng liên quan mật thiết với chuỗi cung ứng và các ngành kinh tế khác như ngân hàng, tài chính, vận tải, bảo hiểm... Nên khi ngành này phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển, tạo nên tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Nhưng tôi nhấn mạnh, phải phát triển tốc độ cao và đúng trong thời cơ vàng mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Về năng lực và lợi thế của ngành xây dựng trong nước thì như tôi vừa nói, chúng ta có đủ khả năng để cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu, một sân chơi có giá trị khổng lồ. Tổng sản lượng ngành xây dựng của thế giới năm 2018 là 11.400 tỉ USD, tương đương 750 lần tổng sản lượng toàn ngành xây dựng Việt Nam năm 2019. Dự báo năm 2022 là 12.900 tỉ USD. Nếu khai thác được, ngành xây dựng có thể đóng góp để đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thập kỷ vàng này.
Chúng ta phải hết sức quyết liệt và mạnh dạn, bởi đây là cơ hội ngàn vàng, con đường tốt nhất đóng góp cho sự phát triển quốc gia. Mỗi cá nhân sẽ đưa thu nhập của ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam ngang bằng với thu nhập quốc tế. Con đường tất yếu của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình phải dấn thân, tiến bước cùng đồng nghiệp và nhà nước, quyết tâm đưa ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển ra thị trường toàn cầu.
Mai Ka
Theo Thanh Niên
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY
Tin liên quan
Hợp tác chiến lược - Vươn tới đỉnh...
Ngày 12/8, mặc dù là Chủ Nhật, nhưng tại Caravelle Hotel Tp.HCM, Công ty tài chính dầu khí Chi nhánh...
Thị trường BĐS tăng trưởng mạnh mẽ,...
Liên tục trong 3 năm 2015 - 2017, ngành xây dựng đạt mức tăng trưởng khá và nhịp độ này...
Những nhà thầu “ruột” của chủ...
Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã có trên 30 năm kinh nghiệm, là nhà thầu chính trong nhiều dự án...