Luật hoàn thiện, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá
news
Đã có nhiều doanh nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, họ là những người có nhiều khao khát cống hiến cho xã hội, đất nước. Doanh nghiệp (DN) họ quản lý đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước, nên khi đại diện cho tiếng nói của khối DN tư nhân (DNTN), họ mang nhiều kỳ vọng cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Ông LÊ VIẾT HẢI, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một trong những doanh nhân được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, đã có cuộc trò chuyện với ĐTTC xung quanh vấn đề này.
Vai trò KTTN đang được phát huy
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là người quản lý DNTN ông đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN) như thế nào?
Ông LÊ VIẾT HẢI: - Hiện các cơ quan chức năng đang tổ chức lấy ý kiến nhằm bổ sung, sửa đổi một số vấn đề liên quan đến Luật DN. Một trong những nội dung được thảo luận là khi một DN có vốn nhà nước trở về dưới sự quản lý của SCIC (Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước) sẽ hoạt động như thế nào? Nhiều quan điểm cho rằng, khi về SCIC những DN có vốn nhà nước được xem là DN bình thường, không được xem là DN nhà nước (DNNN). Như vậy quan điểm của các cơ quan chức năng khá rõ, đó là đánh giá cao sự năng động, hiệu quả của DNTN. Chủ trương cổ phần hóa DNTN cũng chính là chủ trương đó, nhằm giúp DN hoạt động theo mô hình mới hiệu quả hơn. Như vậy khối DNTN hiện nay không đơn thuần là vốn của tư nhân, còn có nguồn gốc từ vốn nhà nước. Tôi khẳng định đây là chủ trương đúng và vai trò KTTN ngày càng được phát huy.
Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi là làm thế nào để DNNN có được điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và KTTN phải được xem là động lực để phát triển kinh tế đất nước. KTTN và kinh tế nhà nước phải được đối xử công bằng, cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch. Thật ra, trong quản lý DNNN cũng có nhiều khó khăn. Qua nghiên cứu tôi thấy trách nhiệm của chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc của DNNN rất nặng nề, nhưng quyền lợi chưa tương xứng, vì vậy chưa kích thích sự cống hiến của người lãnh đạo DN. Hay tiêu chí tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm người quản lý DNNN cũng chưa cụ thể, rõ ràng, nên khó tuyển chọn người tài, khuyến khích người đứng đầu DN đưa ra những chiến lược dài hạn cho công ty… Đó là những vấn đề chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo để khắc phục nhằm tuyển chọn được người tài, vận hành DN hoạt động một cách hiệu quả nhất. Thậm chí, các quy trình, nội dung này chúng ta phải cụ thể hóa trong luật, nghị định.
- Ông quan tâm đến vấn đề gì đối với phát triển KTTN?
- Hiện Nhà nước rất coi trọng khối DNTN. Song hệ thống luật pháp cần hoàn thiện hơn để phát triển KTTN, khắc phục những mặt hạn chế khi tư nhân chạy theo lợi nhuận quên đi trách nhiệm xã hội. Theo đó, luật pháp không chỉ hỗ trợ, còn phải giúp KTTN phát triển đúng hướng, phục vụ sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nếu ở cương vị là ĐBQH, không phải chỉ cá nhân mình đưa ra các giải pháp về luật lệ, mà còn phải biết cách huy động trí tuệ, tâm huyết của nhiều người để làm cho hoàn thiện. Hệ thống luật pháp cần sự sáng tạo, không rập khuôn của quốc gia nào, nhưng phải có sự kế thừa, học hỏi từ các nước phát triển. Đòi hỏi phải có sự kết hợp tinh hoa của thế giới và sự sáng tạo của người Việt để có hệ thống luật pháp phù hợp nhất.
Xác định ngành kinh tế mũi nhọn, xuất khẩu ngành xây dựng
- Theo ông, để KTTN bứt phá cần làm gì?
- Lâu nay chúng ta hay nói về sự chậm trễ, ì ạch trong hoạt động KTTN mà nguyên nhân từ thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Tuy nhiên, đó chưa phải là cái gốc của vấn đề để thúc đẩy nền kinh tế nói chung hay KTTN nói riêng phát triển. Điều cơ bản trong chiến lược phát triển là trước tiên chúng ta phải xác định cho được đâu là kinh tế mũi nhọn, vì sao đó là ngành kinh tế mũi nhọn và có những giải pháp gì để ngành đó phát triển.
Chúng ta có rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nên cần đánh giá sâu hơn từng lĩnh vực, từng ngành, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, DN, nhà quản lý để họ phân tích yếu tố cạnh tranh, thách thức cũng như cơ hội của ngành đó… Từ đó xác định những ngành nào có cơ hội trở thành ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia để có chiến lược và giải pháp phù hợp. Từ lĩnh vực tôi đã trực tiếp điều hành từ nhiều năm nay là ngành xây dựng, tôi thấy ngành này hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Suy nghĩ này cũng được tôi chia sẻ với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng nghiệp và nhận được sự quan tâm của mọi người.
Như tôi nói tháo gỡ những khó khăn chúng ta mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Xác định được nhiệm vụ chiến lược mới có thể giải quyết cội rễ của vấn đề. Vấn đề chiến lược ở đây là xác định ngành mũi nhọn, thị trường, sản phẩm kinh tế nằm trong môi trường cạnh tranh. Từ đó, từng ngành, từng DN phải trong tư thế cạnh tranh toàn cầu mới bứt phá được. Những vướng mắc về thủ tục hành chính thực ra không quá quan trọng, chúng ta phải có những bứt phá để đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
- Cụ thể trong lĩnh vực DN ông đang hoạt động thì sao?
- Trước tiên, tôi cho rằng có chiến lược để đưa Việt Nam bứt phá về kinh tế. Không phải do làm xây dựng mà tôi đưa ra đề nghị này. Nhưng tôi thấy có cơ hội rất lớn để ngành xây dựng có thể đóng góp một cách hiệu quả cho sự bứt phá của nền kinh tế, nếu ta xuất khẩu xây dựng. Thị trường xây dựng nước ngoài có quy mô lên đến 12.000 tỷ USD, gấp 750 lần quy mô thị trường trong nước (16 tỷ USD). Nếu mình có chiến lược tầm vóc quốc gia sẽ tạo điều kiện cho hiện thực hóa mục tiêu đó.
Theo tôi điều này cần làm nhanh, bởi đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương kinh tế thế giới, các nước đều chọn xây dựng là ngành chính phủ có thể can thiệp được thông qua đầu tư công. Nhiều quốc gia có chính sách hạn chế sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc, còn Nhật Bản và Hàn Quốc chủ trương không phát triển xây dựng ra nước ngoài bởi họ không còn năng lực cạnh tranh. Do đó, đây là thời điểm, là cơ hội để Việt Nam vươn lên thay thế Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thị trường xây dựng thế giới, đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nếu ở vai trò ĐBQH, tôi nghĩ tiếng nói của mình có trọng lượng hơn trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chiến lược đó.
Nếu trở thành ĐBQH…
- Nếu được góp ý về các gói hỗ trợ, ông sẽ góp ý điều gì?
- Tôi cho rằng nên tập trung cho những DN đầu tàu, dẫn đầu trong các ngành. DN đó phải vượt qua khủng hoảng, tồn tại thì các chuỗi cung ứng, phân phối, hỗ trợ theo sau mới sống được, hơn là hỗ trợ một cách đại trà các DN nhỏ và vừa lên tới hàng trăm ngàn DN. Như vậy cũng không đủ nguồn lực để đánh giá và định lượng mức hỗ trợ, nếu dàn trải quá thì nguồn lực của Nhà nước không đủ. DN dẫn đầu có công nghệ, có nguồn nhân lực, kỹ thuật, có chuỗi cung ứng, phân phối... làm cho cả hệ thống đi theo duy trì được và nếu sụp đổ thì cả hệ thống đảo lộn gây nên những bất ổn xã hội.
- Ông kỳ vọng gì khi là ĐBQH thì những trăn trở của ông về KTTN cũng như vấn đề phát triển ngành xây dựng trở thành hiện thực?
- Những vấn đề trên tôi đã phát biểu nhiều lần tại nhiều diễn đàn và được nhiều cơ quan chức năng, nhà quản lý kinh tế, chuyên gia lắng nghe. Tuy nhiên, nếu lần này được trở thành ĐBQH, tôi nghĩ tiếng nói và cơ hội chia sẻ những nội dung trên sẽ tốt hơn. Tôi phải đóng góp ý kiến cho tới nơi tới chốn, không thể làm nửa vời. Đã làm phải làm cho tròn trách nhiệm của mình, của người đại diện tiếng nói của cử tri, đặc biệt là khối DN.
Tôi biết công tác chất vấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ĐBQH. Song vấn đề phải có nhiều đóng góp về giải pháp để đưa ra những quy định pháp lý chặt chẽ, khoa học và minh bạch. Hiện nay ở nước ta còn tình trạng luật ra rồi chưa thi hành được. Vì thế cần làm thế nào luật phải đi kèm hướng dẫn thi hành, không phải chờ Chính phủ ra nghị định, thông tư hướng dẫn mới áp dụng. Sắp tới nếu có ý kiến đóng góp, tôi nghĩ tại sao Quốc hội không kết hợp với Chính phủ để ra luật và ra luôn những quy định về thi hành.
May mắn tôi vừa chuyển giao thế hệ (con trai ông Hải thay cha làm tổng giám đốc điều hành - PV), nếu tôi kiêm nhiệm vừa chủ tịch vừa tổng giám đốc sẽ không còn thời gian để đảm đương, không thể làm tròn nhiệm vụ của mình ở cả hai nơi. Còn bây giờ, tôi hoàn toàn có thời gian để tham gia nghị trường. Tất nhiên, một cánh én không làm nên mùa xuân, tôi nghĩ phải biết tập hợp trí tuệ của nhiều người trong giới DN và rộng hơn là tìm ý tưởng, sáng kiến và những giải pháp từ nhiều giới, nhiều tầng lớp để những đóng góp, giải pháp của mình có giá trị.
- Xin cám ơn ông.
TRÀ GIANG (ghi)
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Xem thông tin chi tiết tại ĐÂY
Tin liên quan
Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt: Lo...
Cơ hội kinh doanh đang mở rộng cùng với nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình khiến giới kinh...
Xây dựng Hoà Bình (HBC): Đã có đối...
Nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược, HĐQT Công ty đã thông qua...
Hòa Bình vượt bão COVID nhờ hàng loạt...
Biến những thời gian giãn cách xã hội thành khoảng thời gian quý báu để tái cấu trúc, đẩy...