Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát biểu tại Văn phòng chính phủ nhân dịp gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp
news
Ngày 06/7/2023, tại Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có những chia sẻ trong buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam về tình hình hoạt động của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Toàn văn bài phát biểu như sau:
“Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa Quý vị đại biểu,
Gần 40 năm nhìn lại, ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vuợt bậc mang tính đột phá. Sự phát triển thần kỳ đó đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ một quốc gia nào khác.
- Ngành xây dựng đã rất trưởng thành và có đóng góp hiệu quả cho kinh tế đất nước
Việt Nam đã khai thác hiệu quả thời cơ ngành xây dựng bùng nổ sau 50 năm không phát triển và làm chủ công nghệ bằng cách khai thác lợi thế của người đi sau. Đó quả thật là một cơ hội vô cùng quý giá mà ta không thể tìm thấy ở những quốc gia khác. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh và nay các công ty xây dựng Việt Nam đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình qui mô lớn có yêu cầu kỹ mỹ thuật cao và đã tạo nên một năng lực cạnh tranh vượt trội. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước đã trưởng thành và đủ năng lực làm tổng thầu những công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao như nhà máy thủy điện Sơn La, cầu dây văng Bãi Cháy, hầm Đèo Cả, nhà máy thép Hòa Phát, nhà máy ô tô Vinfast, cao ốc Landmark 81, Saigon Centre, Vietinbank Tower,…v.v.
Ngành xây dựng Việt Nam đã không đi theo con đường phát triển bình thường mà có thể nói là nhảy vọt khi được xây dựng trên nền tảng công cụ và hệ thống hiện đại nhất dựa vào nỗ lực học hỏi, tích hợp tinh hoa về khoa học kỹ thuật công nghệ trong ngành xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, Úc,…
Gần 10 năm trở lại đây, các nhà thầu nội với đội ngũ kỹ sư có trình độ tay nghề cao đã thay thế nhà thầu ngoại ở các công trình, dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ mỹ thuật cao. Doanh nghiệp xây dựng nội đã gần như chiếm lĩnh thị trường trong nước và đem lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho nền kinh tế khi giảm được suất đầu tư cho rất nhiều dự án được thực hiện bởi nhà thầu nội với giá thành thấp hơn rất nhiều so với các tổng thầu nước ngoài. Ví dụ vào những năm 90 của thập kỷ trước, những cao ốc được thực hiện bởi các nhà thầu ngoại giá thành không dưới 2.000 USD/m2 , trong khi hiện nay chi phí nhân công và vật tư đều tăng cao nhưng giá thành xây dựng các cao ốc hạng A chỉ trong khoảng 1.000 USD/m2.
Ngoài ra, chúng ta có một lực lượng kỹ sư xây dựng rất hùng hậu với số lượng gấp ba lần mức trung bình của thế giới: 9.000 kỹ sư xây dựng trên 1 triệu dân trong khi mức trung bình thế giới là 3.000. Hiện nay có đến 67 trường đại học có các khoa chuyên ngành liên quan đến xây dựng bao gồm kỹ sư xây dựng, cầu đường, thủy lợi, kiến trúc sư, thiết kế nội thất, quản lý dự án, kinh tế xây dựng,… Đây là một lợi thế cho công nghiệp xây dựng Việt Nam khi trên thế giới giới trẻ quay lưng với ngành xây dựng và rất nhiều nước phát triển thiếu hụt nguồn nhân lực này.
- Ngành xây dựng đang có nguy cơ tụt hậu
Từ năm 2015 đến nay thị trường xây dựng trong nước đã không còn nhiều nhà thầu xây dựng nước ngoài tham gia thi công xây dựng, chúng ta đã làm chủ thị trường nhưng lại mất cơ hội học hỏi. Trong khi đó, công tác nghiên cứu phát triển của Việt Nam còn yếu kém, chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chúng ta bị tụt hậu và không bảo vệ được thị trường nội địa. Nếu không có một chiến lược phù hợp, Việt Nam sẽ lại mất thị trường nội địa vào tay của những nhà thầu quốc tế thêm lần nữa.
Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến cho các doanh nghiệp xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Từ năm 2017 có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục nhưng nguồn việc thì không tăng mà ngược lại sụt giảm rất mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu; thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt khiến các doanh nghiệp xây dựng không còn lợi nhuận.
Trong thời gian gần đây, tình trạng chậm thanh toán của các chủ đầu tư ngày càng trầm trọng khiến nhiều nhà thầu suy yếu, điêu đứng do không thể cân đối được dòng tiền để duy trì nguồn lực sản xuất, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản.
- Cần có chiến lược để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Quốc gia
Hiện nay, thị trường xây dựng thế giới có giá trị khoảng 13.500 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi đó ở Việt Nam trong những năm gần đây tổng sản lượng ngành xây dựng chỉ khoảng 80 tỷ USD, tức là chỉ xấp xỉ 0,6% quy mô của thị trường thế giới, nếu thành công trong việc khai thác thị trường này, xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia với mục tiêu chiếm khoảng 1,8% thị trường này, tức nâng sản lượng xây dựng lên gấp 3 lần (240 tỷ USD).
Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế trên, phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu đồng thời còn giúp giải quyết bài toán dư thừa trầm trọng nguồn nhân lực.
Phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam, đảm bảo chúng ta luôn có được cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp chúng ta luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa.
Vì vậy, chúng ta cần phải có giải pháp nuôi dưỡng và nâng tầm ngành xây dựng để công nghiệp xây dựng có thể chinh phục được thị trường nước ngoài và từ đó trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng cơ hội này chỉ đến một lần nếu chậm chân chúng ta sẽ không thành công bởi giai đoạn dân số vàng với những thuận lợi về nguồn nhân lực dồi dào sẽ qua đi rất nhanh, dự báo kết thúc vào năm 2034 và chúng ta không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ, cùng các đồng nghiệp, các hiệp hội và các chuỗi cung ứng thực hiện thành công mục tiêu chiến lược nói trên.
Cuối cùng, kính chúc Thủ tướng cùng Quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng cảm ơn!”
Tin liên quan
Nhiều dự án cất nóc vượt tiến độ...
Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, các nhà thầu như Tập đoàn Hòa Bình, Coteccons, Ricons vẫn...
Liên danh DIC - HBCG đề xuất được chỉ...
(BĐT) - Liên danh Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) - Công ty CP Tập đoàn xây...
Cao ốc văn phòng thiếu hụt lớn, Cơ...
Ngày 19/5/2007, tại Tp.HCM, CTCP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình và Công ty LD Phú Mỹ Hưng...