Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình: Tỷ lệ thu hồi công nợ tăng qua các năm, bình quân đạt 89%

news

• Tỷ lệ thu hồi công nợ bình quân giai đoạn 2017 - 5/2020 đạt 89% trên doanh thu được chủ đầu tư công nhận. • Tỷ lệ thu hồi công nợ tăng qua các năm, không phát sinh nợ xấu trong 5 tháng đầu năm. • Các khoản nợ vay đều là nợ tiêu chuẩn nhóm 1 và chưa có khoản vay bị quá hạn.

Đại hội đồng cổ đông Xây dựng Hòa Bình 2020

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 diễn ra vừa qua, cổ đông của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) tiếp tục bày tỏ sự quan tâm tới tình hình xử lý nợ vay ngắn hạn và xử lý khoản phải thu. Ông Dương Đình Thanh, Phó Tổng giám đốc cho biết qua các năm, tỷ lệ thu hồi công nợ đều tăng. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ đạt 78%; 2018 là 85%, 2019 là 94% và đến cuối tháng 5/2020 là 121,5% (tính lũy kế trong kỳ bao gồm các khoản trước chưa thu được nhưng giờ đã thu).

Ông Thanh khẳng định tỷ lệ thu hồi công nợ bình quân giai đoạn 2017 - 5/2020 đạt 89% trên doanh thu được chủ đầu tư công nhận. Đây là con số “đáng vui mừng” của ban lãnh đạo công ty mặc dù kỳ vọng ở mức 92%.

Năm

   Tỷ lệ thu hồi       công nợ đạt được

Ghi chú

2017

78%

 

2018

85%

 

2019

94%

 

Đến cuối tháng 5/2020

121,5%

Tính lũy kế trong kỳ bao gồm các khoản trước chưa thu được nhưng giờ đã thu.

 

Lý giải việc thu hồi chưa đạt được theo kế hoạch, ông Thanh đưa ra các nguyên nhân gồm công tác chuẩn bị hồ sơ chưa được như mong muốn; việc theo dõi, đeo bám xử lý hồ sơ chưa tốt; hệ thống quản lý xuyên suốt chưa xuống đến cơ sở thấp nhất. Do đó, ông Thanh kỳ vọng Hòa Bình sẽ sớm đạt được tỷ lệ thu hồi công nợ 92%, khi tốc độ thu hồi công nợ ngày càng cao hơn.

Cũng theo Tập đoàn Hòa Bình, các khoản nợ vay của công ty hiện đều là nợ tiêu chuẩn nhóm 1 và chưa có khoản vay bị quá hạn. Việc giải ngân các hợp đồng mới vẫn diễn ra bình thường. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp và ảnh hưởng nhiều tới dòng tiền nhưng công ty vẫn đảm bảo được khả năng thanh toán. Các ngân hàng vẫn xếp hạng tín dụng của Hòa Bình là AA và tổng hạn mức tín dụng được cấp khoảng 13.000 tỷ đồng. "Công ty không có khoản nợ xấu nào phát sinh thêm trong thời gian đại dịch", Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Lãnh đạo công ty khẳng định, dòng tiền của Hòa Bình đảm bảo thanh khoản và thanh toán nợ vay đến hạn năm 2020, không có chuyện không trả được nợ hay để quá hạn. Ngoài ra, việc sử dụng đòn bẩy cao giúp Hòa Bình chiếm lĩnh thị phần, gia tăng trong nhiều năm, có hệ số sinh lợi trên vốn cao hơn nhiều các doanh nghiệp khác. 

Chỉ tiêu (Đơn vị: lần)

  2015

   2016

   2017

   2018

   2019

Vốn chủ sở hữu/nợ vay(ngắn hạn và dài hạn)

 0,53

  0,58

  0,53

  0,67

  0,8

Đòn bẩy tài chính (Tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu)

 6,79

  6,26 

 5,67

  5,44

  4,22

 

Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nhưng Hòa Bình vẫn trúng thầu được 3.100 tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 16.200 tỷ đồng. Ông Hải cho biết giá trị hợp đồng backlog (chuyển từ các năm trước sang năm nay và 2021) khoảng 16.000 tỷ đồng, bao gồm những hợp đồng đã ký kết chưa triển khai đang đợi các thủ tục pháp lý. Nếu trong 6 tháng cuối năm, Hòa Bình trúng thầu khoảng 15.000 tỷ đồng thì giá trị đưa vào doanh thu tối đa khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng. Ông Hải nhấn mạnh HĐQT và Ban lãnh đạo sẽ nỗ lực tìm kiếm những dự án có thể mang về sản lượng lớn trong năm nay. Trong đó, những dự án ngắn hạn triển khai nhanh, có thể có doanh thu trong năm là ưu tiên hàng đầu.

Năm 2020, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 70% so với thực hiện năm trước. Ban lãnh đạo công ty xác định mục tiêu năm nay là giữ vững thị phần, tập trung vào thị trường miền Bắc; nâng tỷ trọng mảng công nghiệp từ 4% năm trước lên 21% năm nay. Mảng hạ tầng dự kiến sẽ tăng lên, chiếm 14% tổng doanh thu. Về dài hạn, công ty triển khai chiến lược phát triển thị trường theo 3 hướng: hạ tầng, công nghiệp và nước ngoài.

Tính đến cuối quý I, Xây dựng Hòa Bình có 10.103 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 68% tổng tài sản và giảm 1.685 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản này giảm do giảm phải thu ngắn hạn của khách hàng từ 6.311 tỷ đồng đầu năm còn 4.902 tỷ đồng. Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hầu như không đổi, đạt 4.200 tỷ đồng.

Vay nợ tài chính cuối kỳ (chủ yếu là nợ ngắn hạn) đạt 4.864 tỷ đồng, giảm 97 tỷ đồng trong 3 tháng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 1,22 lần.

Khổng Chiêm

Xem link bài gốc tại ĐÂY

Tin liên quan