Đại dịch COVID-19: Phép thử ‘sức đề kháng’ của ông lớn ngành xây dựng
news
Giữa thời điểm “nhạy cảm” khi kinh tế tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ từ doanh nghiệp “về Nhì” lại trở thành Nhà thầu xây dựng có uy tín cao nhất cả nước (theo Vietnam Report). Phải chăng đại dịch chính là một phép thử cho thực lực của các ông lớn ngành xây dựng?
Giữa thời điểm “nhạy cảm” khi kinh tế tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ từ doanh nghiệp “về Nhì” lại trở thành Nhà thầu xây dựng có uy tín cao nhất cả nước (theo Vietnam Report). Phải chăng đại dịch chính là một phép thử cho thực lực của các ông lớn ngành xây dựng?
Phép thử năng lực của các doanh nghiệp xây dựng
Không thể phủ nhận được rằng dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Báo cáo của IMF công bố vào ngày 24/06 báo động đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu, khiến GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9% so với năm 2019.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo báo cáo đánh giá, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và dự báo thời gian còn lại của năm 2020 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư vào đầu tháng 4, diễn biến của dịch Covid-19 đã có tác động to lớn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý 1 đạt khoảng 903.788 tỉ đồng, giảm 17,7%; trong khi đó, có tới 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất kinh doanh.
Ảnh hưởng sâu sắc của dịch Covid -19 đến tất cả các ngành đều có thể nhìn thấy rõ như hàng không, du lịch, bất động sản… Ngành xây dựng cũng không tránh khỏi tình trạng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ước tính, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hơn trong quý 2, do đó làm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ còn đạt 2,98%.
Tuy nhiên, nhìn theo mặt tích cực, những tác động xấu đến nền kinh tế của dịch Covid -19 như một quá trình "thanh lọc tự nhiên" trên thị trường, đồng thời cũng được coi như một phép thử đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xây dựng. Trong khi có những công ty tuyên bố phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn thì cũng có những doanh nghiệp tiếp tục khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình trong giai đoạn đầy cam go này.
Theo đó, mới đây, nằm trong danh sách Top 10 Công ty Uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình được xếp vị trí số 1 Top 10 Nhà thầu Xây dựng Uy tín năm 2020. Giữa đại dịch covid, danh hiệu càng đặc biệt và ý nghĩa cho doanh nghiệp trong lần vươn lên dẫn đầu và rất xứng đáng này.
Dự án Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - Giai đoạn 2 Nhà Triển lãm B do Hòa Bình thầu chính
Biến trở lực thành động lực
Là một nhà thầu lớn cung cấp đến hơn 30.000 việc làm cho người lao động vào năm 2019, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chịu những tác động không nhỏ của đại dịch vào nửa đầu năm nay. Trong thời điểm đỉnh dịch, theo khuyến nghị dừng, giãn cách hoạt động tại các công trường xây dựng của chính phủ, Hòa Bình đã “đóng băng” rất nhiều hoạt động, từ đó gây ảnh hưởng lớn đối với doanh nghiệp.
Trong khó khăn vậy, Tập đoàn Hòa Bình đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng này bằng một loạt những giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cho hàng nghìn lao động tại hơn 80 công trình lớn nhỏ trên khắp cả nước, đồng thời đưa ra những giải pháp tái cấu trúc hệ thống vận hành của Tập đoàn cho phù hợp với thời điểm bùng phát dịch bệnh.
Giữ nguyên quan điểm về sự tối quan trọng của an toàn, Hòa Bình luôn thắt chặt những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chia sẻ về công tác ứng phó với dịch Covid -19, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó tổng Giám đốc phụ trách thi công khu vực Phía Bắc cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tiên khi dịch bệnh diễn ra, Hòa Bình đã cùng các chủ đầu tư lên các kịch bản, triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm khoảng cách phòng dịch, đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, kiểm tra thực hiện phòng dịch như đo thân nhiệt công nhân, đeo khẩu trang… trước khi vào công trường”.
Ngay đầu thời điểm dịch, doanh nghiệp cũng đã thành lập Ban Ứng phó Khủng hoảng do dịch Covid-19, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp lớn và hiệu quả, giúp Tập đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn bao gồm: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính. Điển hình là hệ thống quản lý công việc (Task Management System-TMS) được áp dụng một cách toàn diện từ đầu tháng 04/2020. Hệ thống thông minh này cho phép nhân viên Tập đoàn hoàn toàn có thể làm việc tại nhà, giúp công việc không bị gián đoạn đồng thời phòng ngừa những rủi ro do Covid -19 gây ra.
Đã từng nhiều lần đối diện với khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế châu Á 2008, tiếp đó suy thoái kinh tế thế giới là năm 2011, ở lần này Tập đoàn vẫn bình tĩnh và chủ động các biện pháp tức thời và tích cực ứng phó với dịch bệnh; đây cũng chính là tinh thần “thép” sẵn có và đặc trưng của doanh nghiệp luôn biến trở lực thành động lực phát triển trong giai đoạn đầy thử thách. Trước bối cảnh dịch bệnh, giãn cách đảm bảo an toàn lao động, từ đợt covid đầu tiên cho đến lần 2 dịch bùng phát trở lại, trên các công trường vẫn luôn sáng đèn, công nhân miệt mài lao động đẩy nhanh các dự án lần lượt tiến hành cất nóc, bàn giao cho chủ đầu tư, nhiều dự án vượt tiến độ từ 10 ngày, thậm chí tới cả tháng trước kế hoạch. Trong tháng 7 vừa qua, công trình Khu nghỉ dưỡng Lady Hill Resort - Sa Pa của nhà thầu Hòa Bình đã nỗ lực về đích phần kết cấu trước 30 ngày chỉ sau 5 tháng triển khai dù nằm trên vùng núi cao, địa hình hiểm trở gây nhiều khó khăn thi công. Tiếp đó, cụm dự án Celadon Emerald Plot A1 tại TP.HCM gồm 6 tòa nhà, hơn 2100 căn hộ cũng được công ty chính thức bàn giao, điều đáng nói là Hòa Bình xuất sắc đạt chứng nhận Gquas (theo tiêu chuẩn xây dựng của Singapore) với điểm số cao, thành tích này đem về hơn 10 tỷ đồng tiền thưởng từ chủ đầu tư Gamuda Land (Malaysia) tặng cho tổng thầu Hòa Bình. Ắnh hưởng của dịch bệnh gây ra, nguồn việc khan hiếm là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp Việt trong lúc này. Dù chưa thể vực dậy hoạt động kinh doanh vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn từ năm trước do yếu tố thị trường bất động sản nay lại chồng chất khó hơn vì đại dịch, trong nỗ lực của mình Hòa Bình vẫn kiên trì khắc phục để vượt qua. Các chủ đầu tư vẫn tìm đến Hòa Bình, tiếp tục tin tưởng giao những gói thầu mới của dự án đang triển khai và những dự án mới với tổng giá trị trúng thầu gần 5.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu, ông Oh Dongkun đã từng chia sẻ, mặc dù đã nhiều năm trôi qua kể từ khi hoàn thành, Sora Gardens 1 vẫn giữ được tình trạng xây dựng như ban đầu và luôn tin tưởng về dịch vụ chất lượng của Hòa Bình. Sau dự án đầu tiên hợp tác này, Becamex Tokyu tiếp tục đặt niềm tin cho Hòa Bình ở dự án Midori Park The View đã hoàn thành vào năm ngoái và có nhiều khả năng trao cơ hội cho Hòa Bình ở dự án tại Bình Dương sắp triển khai của họ.
Cùng với đó, những giải thưởng uy tín cũng tới tấp đến với Tập đoàn trong thời gian này, tiếp tục có mặt trong danh sách Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2020 (FAST500), Top 50 Công ty Kinh doanh hiệu quả nhất,… và nổi bật hơn cả là thành tích đứng vị trí số 1 trong Top 10 Nhà thầu Xây dựng Uy tín năm 2020.
Dự án Swanbay do Hòa Bình thi công đang được hoàn thiện
Luôn tiến về phía trước, giữ vị trí nhà thầu tiên phong
Khi nhận giải thưởng vinh danh Top 1 này, vị thuyền trưởng Lê Viết Hải của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không khỏi xúc động. Trong cuốn sách “Thập kỷ vàng – Trang sử mới” của mình viết về ngành xây dựng Việt Nam xuất bản gần đây, ông tâm tình: “Hơn ba thập kỷ, từ một văn phòng xây dựng nhỏ bé đến năm 2020 Hòa Bình đã khẳng định vị trí dẫn đầu khi trở thành một nhà thầu xây dựng có uy tín cao nhất Việt Nam (theo Vietnam Report) và qui mô doanh thu lớn nhất Việt Nam (so sánh theo các báo cáo tài chính riêng năm 2019 của 3 công ty xây dựng lớn nhất nước). Toàn thể thành viên của Tập đoàn có thể tự hào đã viết xong một trang sử vẻ vang cho Hòa Bình. Trang sử đó vừa được lật qua vào đúng lúc khởi đầu thập niên vàng của Việt Nam và cũng đúng khúc quanh lịch sử của nhân loại trong trận đại dịch Covid-19”.
Là một doanh nghiệp xây dựng, hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao, uy tín của nhà thầu được tạo dựng từ chính sự an toàn trên mỗi công trường. Đáng tự hào là từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn đã xác lập một kỷ lục không chỉ cho chính mình mà còn được xem là kỳ tích của ngành xây dựng, đạt hơn 180 triệu giờ lao động an toàn, không tại nạn trên hàng trăm công trình.
Hòa Bình cũng là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Ngay từ năm 2009, khi sự phát triển các hệ thống quản lý, sản xuất trên nền tảng công nghệ số còn mới bắt đầu thì doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) áp dụng cho phần kế toán, tài chính, quản lý cấp hàng, nhân sự, tiền lương và kho…; kế đến là năm 2012 đi đầu ứng dụng giải pháp 3D BIM trong quản lý thi công dự án. Đến cuối 2017, tích hợp toàn bộ các hệ thống để xây dựng làm thành hệ thống riêng của đơn vị có tên Hệ thống Quản lý Dự án (Project Management System - PMS), cho phép quản lý tích hợp hầu hết các quy trình nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh với các tính năng ưu việt, được đơn vị tư vấn McKinsey (Mỹ) đánh giá là “hệ thống vượt trội”.
Từ một nhà thầu nội, từng bước từng bước Hòa Bình đã vươn lên khẳng định vị thế tổng thầu và gầy dựng thương hiệu số 1 uy tín trong ngành xây dựng. Trong lịch sử dài hơn 3 thập kỷ của Tập đoàn, tốc độ phát triển của Hòa Bình nhanh và ổn định, mức độ tăng trưởng đều đặn – cứ 5 năm tăng 5 lần. Từ doanh thu 700 tỷ đồng vào năm 2008, thì đến năm 2013 con số ấy đã tăng gấp 5 lên gần 3.500 tỷ đồng và đạt đến hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2018. Và chu kỳ tăng trưởng ấy đang được Tập đoàn nỗ lực thực hiện, dù lúc này đang ở thời điểm rất khó khăn để đạt mục tiêu. “Năm nay chưa đạt nhưng chúng ta sẽ quyết tâm vào các năm sau, để mức bình quân giai đoạn tăng trưởng như đặt ra”, ông Hải động viên nhân viên.
“Đem chuông đánh xứ người” từ năm 2011 bằng việc tham gia quản lý dự án Le Yuan Residence ở Malaysia, tiếp đó thêm một vài dự án nữa ở Myanmar và Kuwait, dù chưa thực sự như kỳ vọng nhưng chính việc cọ sát này đã giúp Hòa Bình giới thiệu về năng lực của một nhà thầu Việt với quốc tế. Và con đường xuất khẩu dịch vụ tổng thầu là con đường tất yếu không chỉ của doanh nghiệp mà của cả ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam. Thập kỷ vàng 2020 - 2030 chính là thời cơ duy nhất còn lại để Việt Nam bứt phá và trở thành một cường quốc, “chúng ta không thể chậm chân được nữa mà phải nhanh chóng bước lên để không lỡ mất chuyến tàu”, chủ tịch Hải chia sẻ khi ra mắt cuốn sách. Ông nhận định: “Ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam đang làm dịch vụ cho gần 100 triệu dân tại thị trường trong nước. Khi phát triển ra thị trường quốc tế, ngành xây dựng sẽ có cơ hội phục vụ cho gần 8 tỷ người với tổng giá trị sản lượng gấp 800 lần so với Việt Nam (12.000 tỷ USD so với 15,2 tỷ USD). Rõ ràng xây dựng toàn cầu là thị trường lớn đầy tiềm năng để Việt Nam khai thác”.
Trong vai trò tiên phong, doanh nghiệp Hòa Bình sẽ giữ vai trò đầu tàu để thúc đẩy và kéo theo đoàn tàu được hợp tác giữa các công ty xây dựng tổng hợp với các công ty tư vấn thiết kế, quản lý dự án, các nhà sản xuất vật liệu, trang thiết bị, các nhà thầu phụ chuyên ngành…, sự hợp lực này đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên toàn cầu. Chưa kể tới sự chật chội của thị trường nội địa như một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phải chuyển hướng ra thị trường nước ngoài để giữ vững động lực cho sự phát triển; duy trì và phát huy tinh thần cầu tiến, đổi mới và sáng tạo, từ đó góp phần cho sự tăng trưởng và bứt phá của chính các đơn vị và nền kinh tế quốc gia.
LÊ NHẬT
Theo Tiền phong Online ngày 24/8/2020
Xem link bài gốc tại ĐÂY
Tin liên quan
Liên danh DIC - HBCG đề xuất được chỉ...
(BĐT) - Liên danh Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) - Công ty CP Tập đoàn xây...
Đại hội cổ đông kịch tính nhưng...
Chiều 27/6, cổ đông của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh...
Chủ tịch HBC và khát vọng xuất khẩu...
Nếu thành công trong việc xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài, xây dựng sẽ đưa...